Cột trụ đá trước cung điện và cách người xưa biểu đạt ý dân

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:14:06

Hoa Biểu còn được gọi là Hoa Biểu Trụ là cột trụ đá rất to được cổ nhân đặt trước các công trình kiến trúc như lăng mộ, cung điện, cầu… Hoa Biểu gồm ba bộ phận là đế, thân trụ và đỉnh trụ. Trên thân của Hoa Biểu thường được chạm khắc hoa văn có hình dạng con Rồng và chim Phượng. Trên đỉnh trụ có khắc một con Thụy Thú, được cho là tượng trưng cho sự may mắn, có tác dụng cầu phúc.


Vì sao trước cung điện và các công trình kiến trúc cổ của người xưa đều phải đặt cột trụ đá trổ hoa? Điều này có ý nghĩa gì?

Cột Hoa Biểu của Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Xiangjiao, Wikipedia, Public Domain)

Theo ghi chép trong sử sách, Hoa Biểu xuất hiện đầu tiên vào thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Thời ấy, Hoa Biểu thường được làm bằng gỗ và có tác dụng là chỗ để mọi người can gián triều đình.


Trong sách “Sử Ký. Hiếu Văn bổn kỷ” viết: “Cổ chi trì thiên hạ, triêu hữu tiến thiện chi tinh, phỉ báng chi mộc, sở dĩ thông trì đạo nhi lai gián giả” , nghĩa là trong cách trị vì thiên hạ thời cổ đại, triều đình có treo cờ thiện ngôn, có cây để phỉ báng, nhờ đó mà việc cai trị được thông suốt, thu hút được lời can gián của hiền tài.


Trong sách “Lã Thị Xuân Thu. Tự tri” viết: “Nghiêu hữu dục gián chi cổ, thuấn hữu phỉ báng chi mộc” , tức là vua Nghiêu có trống để can gián, vua Thuấn có cây để phỉ báng.


Trong sách “Hoài Nam Tử. Chủ thuật” cũng viết: “Nghiêu trí cảm gián chi cổ, thuấn lập phỉ báng chi mộc” , tức là vua Nghiêu thiết kế trống để can gián, vua Thuấn lập cây để phỉ báng. Cây phỉ báng thời ấy được gọi là Mộc Bài. Thời cổ đại, “phỉ báng” không có nghĩa là gièm pha, lăng nhục như người hiện đại chúng ta ngày nay thường hiểu mà nó có ý nghĩa là khuyên giải, can gián.

Thời thượng cổ, thánh nhân khi cai trị thiên hạ thì ở khắp các giao lộ, hai bên ven đường lớn đều được treo cờ tinh và trước cung điện, trước cầu lớn đều đặt mộc bài phỉ báng hay trống để can gián. Người nào muốn phê bình sai sót của vua quan, muốn chỉ ra những điều sai trái của triều đình thì viết ở trên mộc bài phỉ báng, hoặc đánh trống để gặp quan mà nói. Người nào muốn nghị luận cái được cái mất của triều chính thì viết ý kiến của mình lên cờ tinh. Cũng nhờ vậy mà xã hội thu nạp được nhiều bậc hiền tài có khả năng can gián bề trên.

Có thể thấy, Hoa Biểu vốn là công cụ dùng để biểu đạt ý dân, để người dân tự do bày tỏ nguyện vọng, mong muốn và ý kiến của mình đến thiên tử, từ đó có tác dụng giám sát, can gián vua quan, tránh phạm sai lầm trong việc cai trị thiên hạ. Thời xưa Hoa Biểu chỉ được làm đơn sơ từ gỗ, đến thời kỳ Đông Hán, Hoa Biểu phổ biến được làm bằng đá và càng ngày càng đẹp mắt, tinh xảo.

Tuy rằng hình thức của Hoa Biểu ngày càng tinh xảo và đẹp mắt nhưng tác dụng của nó lại càng ngày càng bị mai một và dần dần mất hẳn. Vào các triều đại về sau, Hoa Biểu chỉ còn là cột trụ đá lớn được dựng ở trước cung điện, cầu lớn, lăng mộ, cửa thành… có tác dụng tô điểm, ghi nhớ và đánh dấu. Đây quả là một mất mát lớn đối với hậu thế.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook