Cốt lõi văn minh Trung Hoa: ‘Hình nhi thượng giả vị chi đạo’ – Trung Hoa văn minh sử tập 6 (1)

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:26:39

Khi nói đến văn hoá Trung Hoa, một số người sẽ liên tưởng đến những việc như làm bánh bao, uống trà, một số kungfu trong phim Lý Tiểu Long hoặc Kung Fu Panda v.v.

Nhưng đó chỉ là phần bề mặt, những phần nhìn thấy và sờ thấy được. Còn cốt lõi văn hoá Trung Hoa là những điều nhìn không thấy, sờ không được, có thể khái quát bằng một câu trong Chu Dịch đó là: “Hình nhi thượng giả vị chi đạo” (những thứ vượt trên hình thức bên ngoài gọi là Đạo).

Trọn bộ Trung Hoa văn minh sử

Ở các bài trước chúng ta đã đề cập đến văn minh tiền sử, Tiến hoá luận và những sự trùng hợp khó tin trong lịch sử. Nội dung chủ yếu mà Giáo sư Chương Thiên Lượng muốn nói rõ chính là: lịch sử không phải quá trình diễn tiến ngẫu nhiên, đằng sau phải có mục đích nào đó, đặt định một số trải đường. Trong phần này Giáo sư Chương sẽ nói một chút về cốt lõi văn minh Trung Hoa.

3 yếu tố để xuất hiện văn minh và định nghĩa ‘văn minh vật chất’, ‘văn minh tinh thần’ và ‘văn minh chính trị’

Nói đến văn minh, chúng ta biết rằng không có một định nghĩa thống nhất về khái niệm này, những người khác nhau có cách giải thích khác nhau. Nhưng Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, khi một địa khu nào đó tiến nhập vào văn minh cần 3 yếu tố.

Một là sự xuất hiện của thành thị. Hai là phát minh chữ viết. Ba là thiết lập trật tự chính trị.

Đây là nói về những yếu tố để xuất hiện nền văn minh, nhưng những điều này lại không giải quyết được vấn đề phân loại nền văn minh.

Ví như cũng là xuất hiện thành thị, nhưng thành thị của người Hy Lạp cổ đại là kiến trúc đá, còn thành Trường An thời Tây Chu là kiến trúc với kết cấu gỗ. Trung Quốc thuộc về văn minh nông canh, hình thức kinh tế thuộc về văn minh nông canh; nhưng Hy Lạp cổ đại là văn minh hải dương. Trung Quốc thuộc về văn minh phương đông, còn Hy Lạp cổ đại thuộc về văn minh phương tây. Trung Quốc thực hiện chế độ quân chủ, còn Hy Lạp cổ đại thực hành chế độ dân chủ. Vì vậy có những cách phân loại khác nhau đối với các nền văn minh.

Khi chúng ta nói đến văn minh, thông thường sẽ nghĩ đến 3 chủng người: người Do Thái, người Hy Lạp và người La Mã. Người Do Thái mang đến cho người phương tây tín ngưỡng, chính là đặt định cho văn minh phương tây dựa trên tín ngưỡng Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.

Người Hy Lạp cổ đại mang đến triết học, thời đó có rất nhiều người là nhà triết học. Còn có nghệ thuật như sử thi Homer, điêu khắc hội họa, logic – cơ sở của khoa học v.v. Sau khi Aristotle đặt định logic, thì thông qua những phương pháp diễn dịch, quy nạp… từ đó phát triển một bộ khoa học. Còn người La Mã mang đến pháp luật và chính phủ. Do đó 3 chủng người này đã khởi tác dụng rất quan trọng trong việc đặt định văn minh phương tây.

Từ những sự việc nói trên, chúng ta sẽ phân văn minh ra thành nhiều khía cạnh để khảo sát. Theo cách nói của Giáo sư Viên Hành Bái thì bộ văn minh Trung Hoa phân thành 3 loại:

Một là văn minh vật chất. Hai là văn minh tinh thần. Ba là văn minh chính trị.

Ở đây Giáo sư Chương đồng ý với cách phân loại này, nhưng khác về cách định nghĩa.

Là một người có tín ngưỡng chân chính, Giáo sư Chương nói văn minh vật chất chính là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Văn minh chính trị là mối quan hệ giữa con người với con người. Nhân đây Giáo sư Chương thuận tiện nói một chút về từ ‘chính trị’, những người khác nhau có cách giải thích khác nhau.

Tôn Trung Sơn định nghĩa: Chính trị là ‘sự việc giữa con người’ (chúng nhân chi sự – 眾人之事). Hễ liên quan đến việc của mọi người, thì đều thuộc về chính trị. Nếu xuất phát từ định nghĩa này, vậy thì dù là hoạt động cộng đồng, tổ chức công ty, tổ chức địa khu nhỏ, hay pháp luật v.v. thì đều thuộc về quan hệ giữa người với người. Những điều này đều thuộc về phạm trù văn minh chính trị.

Về văn minh tinh thần, Giáo sư Chương định nghĩa đó là: ‘mối quan hệ giữa người và Thần’. Tựu trung lại, Giáo sư Chương nhìn nhận, mối quan hệ giữa ‘con người với tự nhiên’ thuộc về ‘văn minh vật chất’, mối quan hệ giữa ‘người với Thần’ thuộc về ‘văn minh tinh thần’, còn mối quan hệ giữa ‘người với người’ thuộc về ‘văn minh chính trị’. Chúng ta sẽ tiếp cận các vấn đề từ 3 góc độ này.

Là một người am hiểu lịch sử và văn hoá chân chính, Giáo sư Chương nhận định: giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần không có mối quan hệ tất nhiên.

Giáo sư Chương giải thích, chủ nghĩa duy vật nói rằng: văn minh vật chất quyết định văn minh ý thức, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng v.v. Đây đều là những thứ của chủ nghĩa Mác. Gồm cả việc rất nhiều người Trung Quốc hiện nay khi nghiên cứu lịch sử và văn minh, họ dùng góc độ ‘vật chất quyết định ý thức’ để suy nghĩ vấn đề.


Nhưng ở đây Giáo sư Chương muốn nói rằng: giữa VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN KHÔNG CÓ MỐI QUAN HỆ TẤT NHIÊN . Không có nói rằng sau khi văn minh vật chất của một địa phương nào đó phát triển, thì văn minh tinh thần của khu vực ấy nhất định cũng phát triển. Bởi vì chúng ta thấy được sự hủy diệt của các nền văn minh đều là khi văn minh vật chất phát triển cực độ, nhưng đạo đức con người lại bại hoại hư nát, sau đó nền văn minh này bị huỷ chỉ trong một đêm.

Do đó Giáo sư Chương nhìn nhận, sự phồn vinh của một địa phương có khả năng là Thần ban phước. Ví như người ở địa phương này có đạo đức vô cùng cao thượng, vậy thì Thần sẽ cho họ giàu có, hạnh phúc hoặc là cuộc sống an định. Giống như trong Thánh Kinh giảng: Thượng Đế ban cho người Do Thái một nơi có sữa và mật. Sự phát triển vật chất có thể là do Thần ban phước.

Nhưng cũng có dụ dỗ mê hoặc đến từ ma quỷ. Chúng ta thấy trong Thánh Kinh viết rằng: Khi đó Giê-su bị ma quỷ thử thách nơi đồng vắng, Satan đến nói với Giê-su rằng ‘nếu ngươi quỳ xuống lạy ta, ta sẽ đem vinh hoa của thiên hạ vạn quốc cấp cho ngươi’. Sau đó Giê-su để Satan rút đi, bởi vì ông nhất định nghe theo lời Chúa Cha. Ở đây thấy rằng, sự giàu có của một địa phương không nhất định là do văn minh vật chất phát triển, mà là do đạo đức cao thượng.

Quay lại thực tế, chúng ta thấy rằng tuy kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, nhưng trong quá trình ấy đã phải trả giá bằng đạo đức. Ở đó người ta làm những gì là vắc-xin độc, sữa độc, dầu ăn làm bằng dầu thải v.v. Cho nên văn minh vật chất phát triển, ngược lại còn phóng đại truy cầu dục vọng của con người, thậm chí thúc đẩy con người sa đoạ.


Giáo sư Chương không có ý nói rằng văn minh vật chất phát triển nhất định sẽ khiến văn minh tinh thần đoạ lạc, chỉ là muốn làm rõ giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần không có mối quan hệ tất nhiên như chủ nghĩa Mác rao giảng .

Cốt lõi của văn minh Trung Hoa: “Hình nhi thượng giả vị chi đạo”

Vừa rồi Giáo sư Chương đã đưa ra định nghĩa về văn minh vật chất, văn minh tinh thần và văn minh chính trị. Ở đây nói về văn minh Trung Hoa, vậy thì cốt lõi của văn minh Trung Hoa là gì?

Trước tiên, Giáo sư Chương kể về trải nghiệm thực tế của mình. Ở Mỹ, Giáo sư Chương từng tham gia rất nhiều hoạt động với mong muốn quảng bá văn hóa Trung Hoa, đã từng nói chuyện với một số người phương tây.

Có một lần Giáo sư Chương hỏi người tổ chức hoạt động địa khu rằng: ‘Nếu nói về văn hoá Trung Hoa, bạn sẽ giảng như thế nào?’. Người ấy trả lời: ‘Tôi có thể làm bánh bao, uống trà cùng họ’. Anh ấy cảm thấy rằng điều này chính là đang truyền bá văn hoá Trung Hoa.

Nhưng đây chỉ là một bộ phận hoặc biểu hiện, chứ không phải là cốt lõi của văn hóa Trung Hoa. Rốt cuộc cốt lõi của văn minh Trung Hoa là gì?

Ở đây Giáo sư Chương dẫn một câu trong Chu Dịch để khái quát nội hàm chân thực của văn minh Trung Hoa đó là: “Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí” (Cái ở trên hình gọi là Đạo, cái ở dưới hình gọi là khí vật).

Câu này có ý nghĩa là: những thứ mà thấy được và sờ được thuộc về tầng diện ‘khí vật’ (khí – 器: đồ vật, đồ dùng, dụng cụ; nhạc khí: dụng cụ âm nhạc; phối khí: phối hợp các nhạc cụ v.v.), tức là ‘tải thể’, một loại manifestation (biểu hiện). Mà những thứ ‘nhìn không thấy, sờ không được’ mới là Đạo. Đây là tinh hoa của văn minh Trung Hoa.

Cách nói này khá trừu tượng, Giáo sư Chương lấy võ thuật làm ví dụ. Hễ đề cập đến võ thuật chúng ta sẽ nghĩ về kungfu Lý Tiểu Long hay hoạt hình Kung Fu Panda, hay trong phim Ma trận (Matrix) cũng có triển hiện một ít kungfu Trung Quốc v.v. Nhưng trên thực tế, những thứ tinh tuý nhất của công phu (võ thuật) Trung Quốc không nằm ở đó.

Chúng ta có thể nghe một câu nói phổ biến như thế này: “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, tức là công phu/võ thuật trong thiên hạ xuất ra từ Thiếu Lâm, có thể nói Thiếu Lâm Tự là ‘Thái Sơn Bắc Đẩu’ (1) trong hàng ngũ võ công thiên hạ.

Thiếu Lâm Tự còn gọi là ‘Thiền Tông tổ đình’, là cái nôi của Thiền Tông, chủ trì đời thứ nhất của Thiếu Lâm Tự là chính là Tổ sư Đạt Ma. Mà Đạt Ma lại là người tu luyện Phật gia.

Những năm thời Bắc Nguỵ, tức đầu thế kỷ thứ 6 SCN, trong động núi của núi Thiếu Thất (nay gọi là động Đạt Ma) Đạt Ma ‘diện bích cửu niên’ (面壁九年: quay mặt vào vách 9 năm). Khi ông đả toạ, bóng ảnh hình tượng của ông in lên mặt vách. Hình tượng Đạt Ma mà chúng ta thấy hiện nay chính là vẽ lại hình ảnh trên bức vách đó. Đạt Ma là thuỷ tổ Thiền Tông, ông lưu lại Dịch Cân Kinh và Tẩy Tuỷ Kinh, trên thực tế đó là tâm pháp nội tu.

Tranh vẽ Đạt Ma với tích ‘nhất lô độ giang’ (một cọng lau vượt sông) trong Tiếu đàm phong vân phần 2, tập 4: Diệt Phật hưng Phật.

Lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông viên tịch vào năm 713 ở Quảng Đông, thời ấy đúng vào lúc Đường Huyền Tông vừa mới đăng cơ. Chúng ta biết rằng khu vực Quảng Đông khá nóng và ẩm, nếu mua hải sản mà không làm trong ngày hoặc hải sản bị ươn sẽ bốc mùi hôi thối.

Nhưng sau khi Huệ Năng viên tịch ở chùa Nam Hoa thuộc thành phố Quảng Châu, thì nhục thân của ông vẫn bất hoại. Đến hiện nay đã trải qua 1300 năm, thân kim cương bất hoại ấy vẫn ‘ngồi’ ở chùa Nam Hoa. Đây thật sự là công phu! Khi luyện đến cảnh giới rất cao thâm, thì nó thuộc về công pháp nội tu, cũng chính là phương pháp tu luyện của Phật gia.

Nhục thân bất hoại của Lục tổ Huệ Năng ở chùa Nam Hoa. Ảnh chụp từ Trung Hoa văn minh sử tập 6.

Võ công không chỉ đến từ tu luyện của Phật gia, còn có một bộ phận đến từ Đạo gia. Nổi tiếng ngang Thiếu Lâm chính là Võ Đang. Chúng ta biết rằng Thái Cực Quyền là quyền pháp nổi tiếng trong giới võ lâm, người sáng lập môn phái là Tổ sư Trương Tam Phong của Đạo gia.

Giáo sư Chương Đưa ra hai ví dụ này là muốn nói rằng: Võ công chân chính khi luyện đến cảnh giới tối cao, nó đã đạt đến độ ‘nhìn không thấy, sờ không được’. Đây chính là tu luyện của Phật gia hoặc Đạo gia, chứ không phải là những chiêu thức đánh nhau trên đường phố – Street Fight.

Khi đàm luận về văn minh Trung Hoa, Giáo sư Chương sẽ không nói nhiều về văn minh vật chất, mà điều thật sự muốn giảng là về cốt lõi của văn minh Trung Hoa, chính là đạo ‘hình nhi thượng’ (vượt trên hình thức, siêu hình).

Hễ đề cập đến ‘hình nhi thượng giả vị chi đạo’, nhiều người sẽ cảm thấy đây là thứ rất trừu tượng, nhưng trong thực tế cuộc sống những thứ ‘hình nhi thượng’ có rất nhiều trong ngôn ngữ hằng ngày, đã cắm rễ sâu trong tư duy người Trung Quốc hoặc người châu Á. Ví như người Trung Quốc nói nào là:

‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’: điều mình không muốn chớ làm cho người. ‘Nhân giả ái nhân’: người nhân yêu người. ‘Thiên lý chi hành thuỷ ư túc hạ: hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân. ‘Phúc hoạ tương ỷ’: phúc hoạ dựa nhau

Những thứ này đều bao hàm trong nó tư tưởng triết học thâm sâu của Nho gia và Đạo gia.

Nói đến triết học dường như người ta cảm thấy đây là chuyện rất cao thâm. Nhưng Giáo sư Chương đưa cho mọi người một đoạn video phỏng vấn Lý Tiểu Long khi đang thử vai làm diễn viên Hollywood năm 1960. Lúc đó phóng viên hỏi anh một số vấn đề liên quan đến kungfu, anh đã chia sẻ như sau:

“Dùng nước để hình dung kungfu là vô cùng xác đáng. Bởi vì nước là vật chất mềm mại nhất trên thế giới, nhưng nó có thể xuyên qua vật cứng nhất như đá, granite, hoặc bất cứ thứ gì bạn tưởng tượng.

Nước cũng là thứ rất thực chất, bạn không có cách nào bắt, đánh và làm bị thương nó được; cho nên bất cứ kungfu nào đều mong muốn đạt đến cảnh giới đó: mềm mại linh hoạt như nước, và tuỳ theo đối thủ mà có những biến hoá khác nhau”.

Lý Tiểu Long nói về võ thuật trong cuộc phỏng vấn vào năm 1960. Ảnh chụp từ Trung Hoa văn minh sử tập 6.

Lý Tiểu Long đã xác lập nhiều kỷ lục mà đến hiện nay chúng ta không có cách nào phá được. Ví như trong một giây tung ra được 10 chưởng (đấm) và 6 cước (đá), dùng một chưởng đánh một người nặng 200 pound (90 kg) văng xa 20 m, có thể phát lực trong cự ly 1 thốn (3,33 cm, có bản nói là 1 inch tức 2,54 cm) đẩy một người văng xa 5-6 m; gồm cả việc dùng côn nhị khúc ‘đánh’ bóng bàn v.v.

Nhưng khi chúng ta nghe Lý Tiểu Long nói về võ thuật, có cảm giác như phảng phất tư tưởng triết học.

Chúng ta nghe những điều này vô cùng giống với triết học của Đạo gia hoặc là Binh gia. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử giảng: “Thiên hạ không có gì mềm bằng nước, nhưng tấn công những thứ cứng chắc thì không gì bằng nó”.

Hay như trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Vũ giảng: “Hình binh giống nước. Nước tránh cao mà chảy về thấp, binh tránh thực (chỗ mạnh) mà đánh hư (chỗ yếu). Nước theo đất mà tạo dòng chảy, binh theo địch mà đạt thắng lợi. Cho nên binh không có hình tướng cố định, nước không có hình trạng, có thể thuận theo biến hoá của địch mà giành thắng lợi, ấy gọi là dụng binh như thần”.

Điều Lý Tiểu Long nói về võ thuật vô cùng giống một tư tưởng triết học. Do đó việc dùng binh, võ thuật hay như đạo lý ‘đại quốc hạ lưu’ (quốc gia lớn giống như sông biển, đặt mình ở vị trí thấp nhất. Bởi vì nó thấp nên ‘trăm sông đổ biển cả, vạn dòng về đại dương’)… đều giảng phải phù hợp với đặc tính của nước.

Từ đó Giáo sư Chương nhìn nhận, tuy rằng Lý Tiểu Long là kungfu đại sư, nhưng khi chúng ta nghe những điều anh ấy giảng, thì anh ta đã đạt đến một cảnh giới triết học, đạo của võ thuật, ‘chạm’ đến được một tầng thứ nhất định của đạo. Kỳ thực, vào thời Trung Quốc cổ đại có 360 ngành nghề, thì mỗi ngành nghề đều có ‘đạo’ trong đó. ‘Đạo’ này chính là những thứ nhìn không thấy, sờ không được. Vậy thì làm thế nào mới có thể tìm thấy được đạo này?

Theo cách nói của Lão Tử thì: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn”, tức là việc học thì càng ngày càng tăng, việc đạo thì càng ngày càng giảm. Sau đó Lão Tử nói thêm: “Tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi”, ý tứ là giảm lại càng giảm, đạt đến vô vi.

Ở đây Lão Tử đưa ra 2 khái niệm là ‘vi học’ (為學) và ‘vi đạo’ (為學). Về ‘vi học’, chúng ta có thể nói giống như việc truyền thụ tri thức ở trường học hiện nay, tức nhận được giáo dục là những tri thức chân chính chứ không phải những thứ ô nhiễm.

Còn ‘vi đạo’ trên thực tế là đề cao cảnh giới tâm linh con người. Để làm được như vậy phải xả bỏ những thứ không tốt trong tâm, do đó mới nói là ‘việc đạo càng ngày càng giảm’.

Trong loại bài Trung Hoa văn minh sử này, Giáo sư Chương rất hy vọng đàm luận nhiều hơn về những vấn đề liên quan đến ‘vi đạo’.

Khi nói về các nền văn minh, chúng ta phát hiện hầu hết các nền văn minh đều bị gián đoạn, chỉ riêng văn minh Trung Hoa là được bảo tồn lượng lớn những điều tinh hoa. Tại sao như vậy, và nền văn minh Trung Hoa có đặc điểm gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.


Mạn Vũ

Chú thích:


(*) Link Trung Hoa văn minh sử tập 6 .

(1) Thái Sơn Bắc Đẩu: núi Thái Sơn và sao Bắc Đẩu, tức ngọn núi lớn đứng đầu trong Ngũ Nhạc (5 ngọn núi lớn ở Trung Quốc) và chòm sao sáng nhất trong chòm Đại Hùng.

Bắc Đẩu có vị trí rất đặc biệt, chòm sao này đứng yên và luôn sáng dù cho chu kỳ quay của Trái Đất thay đổi liên tục. Dịch ngắn gọn cụm ‘Thái Sơn Bắc Đẩu’ là ‘hàng đầu’.

Chia sẻ Facebook