COP27: Thế giới đạt được rất ít tiến bộ về hạn chế lãng phí thực phẩm
Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới vứt bỏ khoảng 931 triệu tấn thực phẩm, hầu hết trong số đó kết thúc ở các bãi chôn lấp rác.
Tại các bãi rác, thực phẩm bị đổ bỏ sẽ phân hủy để tạo ra khoảng 1/10 lượng khí làm Trái đất nóng lên.
Đó là một thách thức lớn đối với các quốc gia đang giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập. Năm 2015, các quốc gia cam kết sẽ giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí vào năm 2030. Tuy nhiên, rất ít quốc gia đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu này, theo Liên Hợp Quốc, các cơ quan giám sát bền vững và một số chính phủ được hãng tin Reuters phỏng vấn.
Rosa Rolle, Trưởng nhóm nghiên cứu về thất thoát và lãng phí lương thực tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, cho biết: "Cho đến 8 năm tới chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đó".
Trong số 5 quốc gia lãng phí thực phẩm lớn nhất tính theo đầu người, ít nhất 3 nước gồm Mỹ, Australia và New Zealand đã gia tăng tình trạng lãng phí thực phẩm kể từ năm 2015, theo ước tính độc lập mà chính phủ của các quốc gia này không tranh cãi. Trong khi đó, không có thông tin cụ thể cho hai quốc gia còn lại là Ireland và Canada.
Vấn đề không chỉ giới hạn ở các nước giàu. Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc vào năm 2021 cho thấy mối tương quan "không đáng kể" giữa lãng phí thực phẩm hộ gia đình và tổng sản phẩm quốc nội, cho thấy hầu hết các quốc gia "có địa dư để cải thiện" thực trạng trên.
Các chuyên gia cho biết, hiệu quả cải thiện thực trạng lãng phí thực phẩm là rất ảm đạm do thiếu đầu tư công và thiếu chính sách rõ ràng để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bị hư hỏng trong xe vận chuyển và nhà kho lưu trữ, thói quen tiêu dùng lãng phí, nhầm lẫn về hạn sử dụng và ngày sản xuất.
Khi thông qua mục tiêu chống lãng phí thực phẩm vào năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã không lập ra một tiêu chuẩn rõ ràng để đo lường tiến độ vì các ước tính cấp quốc gia không chính xác.
Theo bà Rolle, các cơ quan và tổ chức phi lợi nhuận của Liên Hợp Quốc tham dự COP27 sẽ yêu cầu các chính phủ vào ngày 16/11 gia hạn những cam kết của họ và cung cấp các báo cáo tiến độ tại Hội nghị thượng đỉnh vào năm 2023 ở Dubai.
Một người Mỹ trung bình lãng phí hơn 700 calo thực phẩm mỗi ngày, chiếm khoảng 1/3 lượng khuyến nghị hàng ngày, theo một nghiên cứu năm 2020 của các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ và Ấn Độ.
Lượng thực phẩm bị lãng phí ở Mỹ đã tăng 12% từ năm 2010 đến năm 2016 và kể từ đó đã ổn định, theo ReFED, một nhóm giảm thiểu chất thải hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ.
Các nước khác thuộc 5 quốc gia lãng phí thực phẩm hàng đầu thậm chí còn chậm chạp trong việc thiết lập một tiêu chuẩn cơ sở để đo lường tiến độ.
Tại New Zealand, tỷ lệ hộ gia đình ném thực phẩm thừa vào thùng rác đã tăng lên 13,4% vào năm 2022, từ mức 8,6% trong năm 2021, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Katar. Người phát ngôn của Bộ Môi trường New Zealand cho biết, nước này đang hoàn thiện tiêu chuẩn tính toán cơ bản về lãng phí thực phẩm để có thể thiết lập mục tiêu.