COP27 ‘nóng’ cùng trái đất nóng
Hội nghị biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập thu hút sự chú ý của dư luận, khi có tới gần 100 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, hơn 35.000 người tham dự. Vậy, COP27 sẽ tập trung vào vấn đề gì khi từ đầu năm tới nay những diễn biến thời tiết hết sức cực đoan? Và, quan trọng là những nước giàu có thực hiện cam kết chi tiền để những nước đang phát triển giảm phát thải gây ô nhiễm bầu khí quyển?
Nóng vì chuyện... tiền
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, từ ngày 6-18/11 với một chương trình nghị sự dày đặc và một loạt nhiệm vụ quan trọng nhưng hết sức khó khăn.
COP27 diễn ra trong bối cảnh tình trạng trái đất ấm lên đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra ở khắp các châu lục trên thế giới. Tại Pakistan, sau đợt nắng nóng kéo dài 2 tháng thì mưa lũ lại làm 1/3 diện tích đất nước bị ngập. Tại châu Phi, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), dù chỉ đóng góp khoảng 4% trong tổng lượng phát thải toàn cầu nhưng lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, với thiệt hại ước tính lên tới 70 tỷ USD. Trong 2 năm 2021-2022, gần 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt; thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ USD vào năm 2050.
Về tài chính, với tư cách là nước Chủ tịch COP27, Ai Cập sẽ thúc đẩy các nước giàu thực hiện cam kết cùng theo đuổi mục tiêu huy động tài chính 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển và kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trên thực tế, năm 2020, khoản tài chính huy động được là 83,3 tỷ USD, còn thiếu 16,7 tỷ USD so với mục tiêu. Trong khi đó, các nước giàu đã xác định không đáp ứng mục tiêu này trước năm 2023. Do đó, đây sẽ một vấn đề rất nóng tại COP27.
Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin, cho rằng khoản tài chính 100 tỷ USD mỗi năm, ngay cả khi được cấp đầy đủ cho các nước nghèo, sẽ chiếm không quá 3% nhu cầu tài chính cần thiết cho hành động khí hậu. “Nếu không có nguồn tài chính cần thiết, các nước đang phát triển không thể đầu tư khẩn cấp cho hành động khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững” - ông Mahmoud nói.
Hy vọng và... thất vọng
Giới quan sát cho rằng, COP27 đem đến những kỳ vọng làm thay đổi số phận những nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trưởng bộ phận khí hậu của Liên hợp quốc, ông Simon Stiell, cho rằng mỗi kỳ COP đều mang đến những hy vọng nhưng rồi lại thất vọng, tuy rằng chúng ta vẫn kỳ vọng tiến gần hơn một bước hoặc nhiều bước tới mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030.
Tiến sĩ Tara Shine - Giám đốc điều hành của Change by Degrees, một công ty tư vấn về khí hậu nhận định, COP27 mang đến một cảm giác cấp bách rằng hội nghị lần này cần đạt được một số bước tiến nhất định.
“Tôi đã tham dự COP từ năm 2003 và luôn đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị, mặc dù tôi biết rằng để có được sự đồng thuận của 190 quốc gia không phải là việc dễ dàng. Nhưng năm nay, với những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới, và cũng là sự kiện được tổ chức tại châu Phi, vấn đề sẽ càng được lưu tâm hơn nữa, đặc biệt ở khu vực Sừng châu Phi. Tôi nghĩ COP27 sẽ thực sự cấp bách”.
Từ đó, bà Tara Shine kêu gọi: “Nếu các nước đang phát triển tiếp tục đầu tư cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong dài hạn và ngắn hạn, thì họ cần thấy những nguồn vốn đó chảy từ các nước giàu, những người có trách nhiệm lịch sử lớn hơn đối với các nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Cần phải có nguồn lực, sự hỗ trợ, công nghệ, nâng cao năng lực. Và điều thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta là hãy lưu ý rằng, không một quốc gia nào có thể một mình tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó phải là một nỗ lực hợp tác, trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Có nghĩa là những nước giàu hơn phải hỗ trợ những nước có ít phương tiện hơn để thực hiện thay đổi”.
Còn theo ông Simon Stiell, ý nghĩa tài chính của việc này là rất quan trọng, mà nếu chỉ kêu gọi thôi thì sẽ không bao giờ đủ. Mà cần phải chung tiếng nói để chính phủ các nước giàu phải thấy trách nhiệm của mình trước những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan.
“Chúng ta thực sự phải xem xét cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và hành động như thể đó là trường hợp khẩn cấp” - Tiến sĩ Tara Shine bày tỏ.
Làm gì để chấm dứt “cuộc chiến với thiên nhiên”?
Tại COP27, một báo cáo do chính phủ 2 nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện được công bố mang tên “Tài trợ cho hành động khí hậu”. Theo đó, các nước phát triển, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển nên đóng góp số tiền còn lại, khoảng 1.400 tỷ USD.
Báo cáo dài 100 trang cho rằng các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon, cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. “Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính” - báo cáo nêu.
Báo cáo này được coi là “tiếng sét” giữa COP27, khi vạch ra khoản đầu tư cần thiết vào 3 lĩnh vực lớn, gồm: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên; thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và bồi thường cho những nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Ông Nicholas Stern - một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng: “Các nước giàu nên nhận ra rằng, việc đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn, bởi lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của họ gây tác động nghiêm trọng. Trong thập kỷ tới, cơ sở hạ tầng và việc tiêu thụ năng lượng được dự báo gia tăng chủ yếu tại các nước mới nổi và đang phát triển. Nếu các nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải, thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, gây thiệt hại cũng như hủy hoại hàng tỷ sinh mạng và sinh kế ở cả các nước giàu và nghèo”.
Đáng lo ngại khi nhiều đại biểu tham dự COP27 lại cho rằng, do thiếu khí đốt trầm trọng nên nhiều quốc gia châu Âu đã tăng cường sử dụng điện than. “Sự phục hưng của nhiên liệu hóa thạch” làm bài toán ứng phó biến đổi khí hậu càng thêm khó khăn.
Thực tế cho thấy, sản lượng nhiệt điện đã tăng hơn 20% ở Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh kể từ năm 2021. Các nước châu Âu cũng đẩy mạnh tiêu thụ than trong những tháng gần đây. Trang Business Insider phân tích biểu đồ giá cho thấy, giá than đá trong tháng 9/2022 tại châu Âu đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong năm 2022 này, than đá là lựa chọn rẻ cho hoạt động sản xuất điện. Giá than còn tăng cao bởi tình trạng khan hiếm khí đốt ở châu Âu. Tuy nhiên với mức giá hiện tại, than đá vẫn sẽ là lựa chọn cạnh tranh trong khoảng 2,5 năm tới” - chuyên gia Fabian Ronningen của Công ty Rystad Energy nhận định trên tờ Business Insider.
Tới nay, năng lượng hóa thạch cũng bị xem là “thủ phạm” chính tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hoạt động của con người đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên và nhiều hơn 30% so với xăng.
Ô nhiễm không khí, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch, được cho là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm. Các tổ chức và chuyên gia y tế cho rằng, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ ngăn chặn 3,6 triệu ca tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã không ít lần kêu gọi các nước phát thải lớn ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo để “chấm dứt chiến tranh với thiên nhiên”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, COP27 cũng sẽ không giải quyết được nhiều trong việc chống biến đổi khí hậu, nếu như các nước giàu vẫn “khư khư giữ túi tiền của mình”.
Chủ đề “An ninh lương thực” tại COP27 được rất nhiều bên quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Tính đến hết năm 2021, thế giới có 820 triệu người trong tổng số gần 8 tỷ người đang thiếu đói, tức là bình quân cứ 10 người lại có một người thiếu ăn. Ước tính, 20-60% số lượng động vật đã thiệt hại do tình trạng hạn hán trong những thập kỷ qua. Trong vòng 30 năm tới, dự kiến 17% sản lượng ngũ cốc sẽ giảm nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, một điểm sáng tại COP27 là các quốc gia đã thống nhất việc đóng góp khoảng 3,1 tỷ USD xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai. Giám đốc Tổ chức Khí tượng thế giới, ông Petteri Taalas, khẳng định: “Cảnh báo sớm sẽ cứu mạng người và mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Chỉ cần thông báo trước 24 giờ về một diễn biến thời tiết nguy hiểm sắp xảy ra là có thể giảm 30% thiệt hại sau đó”.