COP27: Nỗ lực thu hẹp bất đồng về tài chính khí hậu
Các nhà đàm phán đang hoàn tất các dự thảo thỏa thuận khi Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 kết thúc tuần làm việc đầu tiên tại Ai Cập.
Với tư cách là nước chủ nhà, Ai Cập đang nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa các bên liên quan đến những nội dung đàm phán, trong đó có vấn đề tài chính khí hậu . Ai Cập cho biết đang thuyết phục các nhà đàm phán về những khoản tài trợ của các quốc gia công nghiệp hóa hỗ trợ cho những quốc gia nghèo hơn đang hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu .
Tài chính là một thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển muốn giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương trước những cú sốc khí hậu như hạn hán và lũ lụt.
Mức độ đóng góp cho các khoản tài trợ thực hiện các mục tiêu khí hậu là một trong những tranh cãi lớn nhất lâu nay tại các hội nghị COP. Thế nào là đóng góp công bằng, nước giàu đóng bao nhiêu thì gọi là công bằng và cân xứng, vì các nước nghèo dễ tổn thương hơn, chịu nhiều ảnh hưởng hơn bởi các thay đổi khí hậu toàn cầu, nhưng đa số các nước này lại phát thải ít hơn.
Các cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại khí hậu trong chương trình nghị sự COP27 sẽ không quy kết trách nhiệm cho bên nào, cũng không coi hỗ trợ tài chính là khoản bồi thường.
Tới kỳ họp COP năm nay tại Ai Cập, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu mới chính thức được đưa vào nội dung đàm phán. Việc thừa nhận tổn thất và thiệt hại được xác định ngay từ đầu là sẽ không trở thành căn cứ để quy trách nhiệm cũng như yêu cầu bồi thường.
Cách đây 3 năm, các nước giàu đã cam kết, từ năm 2020 trở đi mỗi năm dành 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo. Năm 2020, các nước giàu chỉ thực hiện được 83,3 tỷ USD. Hỗ trợ tài chính vẫn chỉ là dưới hình thức tự nguyện, chưa có một văn bản nào ràng buộc.
Đã đến lúc phải có một hiệp ước lịch sử, theo đó các nước giàu hơn cung cấp tài chính và kỹ thuật, cùng với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương và các công ty công nghệ, qua đó giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Mô hình đó cần thiết cho tất cả chúng ta
Biến đổi khí hậu đã gây hậu quả tới mức nào cho các nước nghèo và cần bao nhiêu tiền để khắc phục thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, cháy rừng? Có rất nhiều cách tính, cho ra những con số rất khác biệt. Bên cạnh đó, trong số những thiệt hại này, bao nhiêu % là do khí thải từ các nước công nghiệp, bao nhiêu % do chính các quốc gia nghèo tự chặt phá cây rừng, tự làm xói lở bờ sông của nước mình? Điều này là không thể ước lượng được, theo đó có nhiều chi tiết làm cho việc đàm phán trở nên cực kỳ phức tạp.
Đây là kỳ họp đầu tiên tại châu Phi, lần đầu tiên đàm phán về tổn thất và thiệt hại. Đó là một chủ đề rất nhạy cảm và do đó không thể chắc chắn là sẽ có kết quả cụ thể
Các nước chịu thiệt hại nhiều nhất muốn các nước giàu tạo dựng một cơ chế tài chính toàn cầu trên cơ sở một hiệp ước quốc tế.
Lục địa châu Phi cần một nguồn tài chính ổn định, quy mô, cũng như cần hỗ trợ công nghệ phù hợp. Điều đó giúp chúng tôi phát triển, củng cố công bằng quốc tế. Các nền kinh tế phát triển phải có trách nhiệm thực hiện cam kết
Tính chất các khoản hỗ trợ đó cũng là chi tiết phải đàm phán, đó phải là viện trợ không hoàn lại.
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) sẽ khai mạc tại Ai Cập vào ngày 6/11.