COP27: EU thống nhất lập quỹ tổn thất và thiệt hại hỗ trợ các nước nghèo trước thảm họa khí hậu
EU đã thực hiện một can thiệp mạnh mẽ, đồng ý lập quỹ tổn thất và thiệt hại nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo ngăn chặn và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Sáng 18/11, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên hợp quốc ở Ai Cập, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Frans Timmermans, đã thay mặt EU đưa ra đề xuất rằng EU thống nhất thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại .
Các nước giàu đã cố gắng chống lại đề xuất quan trọng trên, lập luận rằng sẽ cần thời gian để xác định xem quỹ này có cần thiết hay không và nó sẽ hoạt động như thế nào.
Ông Timmermans cho biết vào sáng 18/11, EU đã lắng nghe đề xuất của Nhóm Các nước đang phát triển (G77) rằng việc thành lập quỹ tại hội nghị thượng đỉnh lần này là nhu cầu cốt lõi.
Quỹ "tổn thất và thiệt hại" đề cập đến sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt đối với cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội ở các nước nghèo, cũng như nguồn tài chính cần thiết để khắc phục và tái thiết sau các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Ông Timmermans nói thêm rằng "các điều kiện rõ ràng" sẽ được gắn với quỹ. Quỹ sẽ hướng tới việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất với sự đóng góp của một cơ sở tài trợ tài chính rộng rãi.
Ví dụ, quỹ sẽ không hoạt động riêng lẻ mà là một phần của một loạt các giải pháp bao gồm cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.
Bên cạnh đó, EU muốn có nhiều tham vọng hơn trong việc cắt giảm khí thải , với các điều khoản mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch quốc gia về cắt giảm khí thải cập nhật, phù hợp với mục tiêu 1,5 o C trong Thỏa thuận Paris, đạt mức phát thải toàn cầu cao nhất vào năm 2025.
Các nước đang phát triển đang xem xét đề xuất này. Trong khi đó, một số quốc gia, tổ chức đã hoan nghênh đề xuất.
Australia cho biết, nước này hoan nghênh đóng góp của EU và sẽ "tham gia một cách xây dựng với đề xuất". Về quỹ tổn thất và thiệt hại, Australia "rất bị thu hút bởi một quỹ mới được hưởng lợi từ cơ sở đóng góp rộng rãi và tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất".
Động thái của EU gây chú ý cho Mỹ, quốc gia đã phản đối quỹ và chưa phản hồi đề xuất này.
Quyết định của EU gây áp lực lớn đối với Trung Quốc, quốc gia cho đến nay vẫn tránh mọi nghĩa vụ cung cấp tài chính khí hậu cho các quốc gia nghèo nhất, mặc dù là nước phát thải lớn nhất và có mức phát thải tích lũy lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Mới đây, Ai Cập - nước đăng cai Hội nghị COP27, kêu gọi các bên tìm cách đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa khi nhiều nước vẫn đang tranh cãi về đóng góp tài chính.