COP27: Brazil cam kết chấm dứt tình trạng tàn phá rừng Amazon
Ngày 16/11, Tổng thống đắc cử Brazil Lula da Silva đã đưa ra cam kết chấm dứt tình trạng tàn phá rừng Amazon.
Đồng thời, chính quyền Brazil sẽ đưa quốc gia Nam Mỹ này trở lại trung tâm thảo luận về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Cam kết trên được ông Lula da Silva đưa ra tại Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập.
Phát biểu khi tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, ông Lula da Silva cho biết, trong 3 năm đầu tiên dưới thời của Tổng thống Jair Bolsonaro, diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã tăng tới 73%. Đồng thời, ông da Silva khẳng định, tình trạng này cần phải chấm dứt ngay lập tức và chính phủ mới sẽ đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm môi trường sau một thời gian liên tục gia tăng một cách đáng lo ngại.
Tổng thống đắc cử Brazil nhấn mạnh cam kết thành lập một Bộ của các dân tộc thổ dân, vốn là những người phải chịu đựng nhiều nhất những tác động của tình trạng tàn phá rừng và các loại tội phạm môi trường khác, để chính họ là những người đưa ra những đề xuất với Chính phủ nước này về những chính sách bảo vệ khu vực mà họ sinh sống.
Ông Lula da Silva bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường liên minh giữa Brazil, Congo và Indonesia, ba quốc gia sở hữu tới 53% diện tích rừng nhiệt đới trên Trái đất, nhằm cùng nhau tìm kiếm cơ chế tài trợ bền vững cho các chương trình bảo vệ thiên nhiên.
Ngoài ra, Brazil có ý định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các nước vùng Amazon để có thể thảo luận về sự phát triển của vùng này với sự hội nhập xã hội và trách nhiệm đối với môi trường.
Nhà lãnh đạo cánh tả Brazil khẳng định, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải đi đôi với đấu tranh chống bất bình đẳng và nghèo đói. Trên cơ sở đó, ông sẽ đề xuất thành lập một "liên minh toàn cầu vì an ninh lương thực" để chấm dứt đói nghèo vì tương lai của hành tinh.
Ông Lula da Silva yêu cầu các nước phát triển nhất phải hoàn thành lời hứa đã đưa ra từ Hội nghị COP15 vào năm 2009 khi cam kết huy động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.