Công việc 'không giống ai': Cao thủ… xé quần
Suốt 25 năm qua, giữa trung tâm Sài Gòn có một người đàn ông ngày ngày làm công việc độc lạ: xé quần jean. Công việc không giống ai nhưng thu hút rất nhiều khách hàng là các bạn trẻ…
…cả những nghệ sĩ tên tuổi cũng nhờ những bàn tay khéo léo tạo cho những chiếc quần jeans mang màu sắc mới và phong cách độc lạ.
Nghề "độc"
Người sáng tạo ra nghề "xé quần" theo phương thức thủ công và sống với nghề này suốt 25 năm qua là ông Trương Tấn Viễn (58 tuổi, ngụ TPHCM). Mỗi ngày, ông Viễn thường bắt đầu công việc vào khoảng 3 giờ chiều và kết thúc vào tối muộn. Gần năm qua, do dịch nên ông chỉ làm việc tại nhà, đến tháng 10/2021, khi dịch lắng xuống ông mới mở tiệm trở lại, trên con đường Hồ Xuân Hương (quận 3). Gọi tiệm cho sang, thực ra chỉ là một góc nhỏ trên vỉa hè với một ghế nhựa và một cây sào để treo những chiếc quần jeans rách đã được xé sẵn, treo lên bán.
"Ở TPHCM chắc có mình tôi làm nghề này bằng thủ công. Tôi sẽ tiếp tục đến khi nào không còn sức nữa mới thôi, vì hàng hóa của các bạn trẻ bây giờ hầu hết có làm cũng đều bằng máy móc công nghiệp. Còn với tôi, mỗi khách hàng sẽ có một chiếc quần với phong cách riêng, không ai đụng ai và chỉ người đó sở hữu!" - Ông Viễn tâm đắc
Tôi ghé vào thăm và thích thú nhìn ông Viễn chăm chú rạch từng đường lên chiếc quần jeans rồi xé từng sợi vải, sau khi thổi lớp bụi, chiếc quần đã có những mảng rách rất phong cách "độc, lạ". Thấy có khách tò mò về nghề của mình, ông Viễn không hề tỏ ra khó chịu mà lại còn rất nhiệt tình hướng dẫn, minh họa cặn kẽ về cách xé quần của mình. Tôi thắc mắc: "Chú không sợ con học được nghề rồi giành khách, lấy mất "chén cơm" sao?", ông Viễn cười to: "Tôi còn mong được nhiều bạn trẻ tìm đến học nghề, tôi sẽ dạy miễn phí".
Nói rồi, ông trầm ngâm bảo cái nghề này nghe có vẻ hay hay, là lạ nhưng hầu như chẳng ai muốn học, bởi nghề "không tiếng cũng chẳng có miếng". Vốn là họa sĩ vẽ chân dung, bảng hiệu, ông còn từng là thầy giáo dạy vẽ trong nhà thiếu nhi mỗi độ hè về, nhưng do "cơm áo gạo tiền", ông Viễn phải từ bỏ để đi bán quần áo.
Hồi đó trên đường Hồ Xuân Hương này có rất nhiều cửa hàng kinh doanh đồ jeans nhưng chỉ toàn "hàng si" (quần áo đã qua sử dụng). Mỗi ngày, ông Viễn đều dọn ra xếp vào quần áo jeans và cảm thấy sản phẩm này quá đơn điệu, không có điểm nhấn. Vốn yêu thích những ngôi sao nhạc rock của nước ngoài và họ thường diện những chiếc quần jeans rách khiến ông vô cùng thích thú.
"Tôi nghĩ bụng, tại sao mình không làm mới chúng. Thế rồi tôi quyết định lấy những chiếc quần jeans cũ về xé, tạo ra phong cách đặc biệt. Khi làm được một vài cái liền treo lên thử, khách thấy lạ nên hỏi mua. Vậy là tôi theo nghề từ đó" - ông Viễn nhớ lại.
Ngầu và chất
Xé quần tưởng có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật và có bí quyết riêng để chỗ bị xé rách nhưng lại không để thủng lỗ. Ông Viễn nhớ lại, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, ông đã từng làm hỏng 4 chiếc quần. Rút được kinh nghiệm sau những thất bại, ông đã dần tìm ra bí quyết xé quần, áo jeans của khách đẹp hơn và không còn bị hỏng như trước.
Theo ông Viễn, người thợ xé quần jeans cũng giống như người họa sĩ đang vẽ tranh. Chỉ có điều họa sĩ dùng cọ để vẽ trên giấy, còn thợ xé quần jeans thì dùng dao để rạch quần tạo những vết rách nghệ thuật giúp quần jeans tăng thêm vẻ đẹp và giá trị. Nói rồi, ông Viễn chìa bộ đồ nghề đơn giản gồm chiếc dao rọc giấy và chiếc kéo bấm chỉ, nhẹ nhàng đưa mũi dao rạch thành từng đường vừa dứt khoát, vừa uyển chuyển trên lớp vải bò.
Lưỡi dao sắc lẹm tạo ra những đường rách êm ái trên mặt vải. Vừa làm, ông vừa giải thích: "Vải có sợi ngang và sợi dọc. Mình sẽ rọc đứt sợi chỉ dọc và chừa sợi ngang. Lực tay không được quá mạnh nhưng cũng không hời hợt".
Sau khi có những đường rạch chỉ, ông Viễn dùng tay tước, xé các sợi tách rời. Cuối cùng, dùng dao chà sạch phần vải phía trên để lộ lớp chỉ ngang còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng, có vài sợi bị đứt, ông mỉm cười nói những sợi đứt sẽ càng tạo phong cách và làm chiếc quần thêm tự nhiên.
Tùy vào nhu cầu khách mà có người thích làm ít, khoảng 2 - 3 vết xước; có người cá tính hơn thì yêu cầu ông làm nhiều, thậm chí "nát" hết chiếc quần. Một mảng xé như vậy có giá 20.000 đồng, 3 miếng là 60.000 đồng, nhưng đến miếng thứ 4, thứ 5 sẽ được tính giá thấp hơn. Một mảng xước ông Viễn chỉ làm trong 3 - 5 phút, ông có thể làm 10 cái quần trong một ngày.
Chỉ tay về những "tác phẩm" đã xé, ông Viễn cho hay, chỉ nhận làm quần, áo bằng chất liệu vải jeans dày. Tuy nhiên, không phải loại vải nào khi xé xong cũng cho thành phẩm đẹp. "Vải jeans thun mà mỏng là tôi không làm vì sợi chỉ mảnh, mềm, nhanh đứt, mặc vài lần rồi thành một lỗ thủng thì xấu lắm. Vải jeans đen tôi tư vấn khách không xé mà cứa từng đường ngang mặc sẽ "chất" hơn. Riêng tôi thì thích xé quần jeanss trắng nhất vì mặc lên trông rất "ngầu và chất" - ông Viễn cho hay.
Ông Viễn đã từng làm trang phục cho những ngôi sao đình đám. Ông kể: "Tôi đã từng làm trang phục cho MV của ca sĩ Lâm Hùng. Thỉnh thoảng, cơ duyên nghề này đã giúp tôi gặp được Phương Thanh, The Bell, Châu Gia Kiệt…
Nghệ sĩ thường không sử dụng đồ cũ, họ mua mới hoàn toàn rồi nhờ tôi biến nó trở nên khác biệt. Họ thường mua quần áo trong chuyến lưu diễn nước ngoài rồi nhờ tôi xé theo ý muốn. Họ muốn biến chiếc quần của mình trở nên thật đặc biệt, thể hiện rõ cá tính bản thân". Mỗi sản phẩm ông làm ra đều có sự sáng tạo lẫn tôn trọng cá tính của khách hàng.
Ông Viễn còn thiết kế mảng xé khá cầu kỳ. Sau khi làm thủng một lỗ lớn, ông dùng vải khác màu vá bên trong sau đó mới bắt đầu xé rách trên miếng vải mới đó. Mục đích là để tạo điểm nhấn. Khách sở hữu chiếc quần "bụi bặm" có một không hai. Đặc biệt, khi chán họ có thể mang đến nhờ tôi thay miếng vải khác. Vậy là có chiếc quần mới.
Thuận theo thời thế
Ông Viễn cho biết, những năm từ 1995 đến 2005 là thời kỳ ông có thu nhập khá nhất, "sống khỏe" với nghề này, nuôi được hai con ăn học.
"Thời đó, Việt Nam chưa có các mẫu quần jeans rách kiểu công nghiệp nên việc mình sáng tạo trên chiếc quần rất được khách hàng ưa chuộng. Có nhiều kiểu xé như xé tua, xé mạng, xé đắp...; kiểu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ mà mình phải đặt cái tâm vào đó. Giờ không được như xưa nhưng tôi hài lòng với cuộc sống, thu nhập hiện tại. Nghề nào, cuộc đời nào cũng có lúc đạt đỉnh cao và cũng có lúc phải hết thời thôi" - ông Viễn tâm sự.
"Tái chế" đồ jeans thành balo, túi xách cũng là nghề "tay trái hái tiền" của ông Viễn. "Đa số mọi người sau khi thấy quần jeans đã cũ hoặc bạc màu thì lại bỏ đi. Tôi thấy phí quá nên đã thử cắt vải từ những chiếc quần bỏ đi rồi may thành những chiếc túi đeo chéo để tái sử dụng, hạn chế thải rác ra môi trường" - ông Viễn cho hay.
( Theo Tiền Phong)