Công ty VALC chật vật thanh lý máy bay, giá khởi điểm còn hơn 136 tỷ đồng

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 02:48:18

Công ty cho thuê máy bay Việt Nam vừa tiếp tục thông báo đấu giá lần thứ 9 chiếc máy bay ATR có sức chứa khoảng 70 chỗ ngồi vào ngày 10/4 sắp tới. Giá khởi điểm công ty đưa ra là hơn 136 tỷ đồng (khoảng 5,6 triệu USD). Người muốn mua cần đặt cọc trước 6,8 tỷ đồng để tham dự đấu giá.

Vi phạm cả 3 kịch bản, cổ phiếu Vietnam Airlines nguy cơ cao bị hủy niêm yết

Máy bay ATR được Vasco khai thác tại sân bay Côn Đảo. (Ảnh: CravenA/Shutterstock)

Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá một chiếc máy bay  ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng. Chiếc máy bay này thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC).

Theo đó, đây là lần đấu giá thứ 9 và giá khởi điểm đã giảm khoảng 40 tỷ đồng so với lần đầu (vào tháng 9/2022). Máy bay ATR-72 này được sản xuất năm 2010 với số đăng bạ VN-B237. Trước đó, máy bay trên được VALC cho VASCO – hãng bay thuộc Vietnam Airlines Group thuê. VASCO đã dừng khai thác tàu bay hai cánh quạt này vào cuối tháng 6/2022.

Theo phản ánh, loại máy bay này sử dụng cánh quạt và có tầm bay ngắn, bên cạnh đó độ ồn và rung lắc khá lớn dẫn đến sự khó chịu cho hành khách.

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net


Bạn đọc Tuấn Mạnh bình luận trên tờ Vnexpress: “Là loại cánh quạt nên hơi ồn, chật chội, bay xốc rầm rầm, phù hợp tuyến bay ngắn, sân bay nhỏ. Phần lớn hành khách kén loại này, kẹt lắm phải đi. Thanh lý là phải.”

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net


Bạn kietdiachat nói: “Ngồi trong khoang máy bay này chẳng khác mấy so với xe buýt nội thành những năm còn khó khăn.”

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net


Tuy vậy, người dùng tên Hà Vân cho biết: “Trước giờ bán ATR rất dễ, lần này bán lẻ 1 tàu lại khó ghê. Có lẽ đợt dịch vừa rồi khá nhiều hãng nhỏ phá sản, lượng máy bay dư thừa (cả cũ và mới) khá nhiều nên khó bán.”

Tại Việt Nam, VALC hiện là công ty duy nhất cho thuê máy bay. Bên cạnh cho thuê thì công ty này cũng bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng máy bay. Không thực hiện bất cứ một chuyến bay nào, nhiệm vụ chính của VALC là mua máy bay rồi cho các hãng hàng không trong nước thuê lại khai thác, theo báo Dân Trí.

VALC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập vào tháng 9/2007 với số vốn điều lệ 640 tỷ đồng. Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở góp vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vietnam Airlines (30%); BIDV (20%); PVN (17%); Vinashin (11%); Tổng Công ty Phong Phú (8%) và 14% còn lại dành cho cổ đông phổ thông.

Theo thông báo của đơn vị đấu giá, người tham gia cần nộp hồ sơ và đặt cọc 6,8 tỷ đồng trước ngày 7/4. Người mua có thể xem máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất từ nay đến ngày 4/4.

Với sức chứa khoảng 70 người, tại Việt Nam, ATR-72 chủ yếu đang được Vietnam Airlines, VASCO khai thác trên các chặng bay tới các sân bay nhỏ như Côn Đảo, Điện Biên. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng đã lên kế hoạch thay thế đội máy bay này bằng tàu bay phản lực khu vực để tối ưu dịch vụ và cạnh tranh hơn.

Trước đây, VALC cũng từng chật vật để thanh lý các máy bay ATR-72. Năm 2016, VALC lần đầu thông báo bán đấu giá 5 tàu bay và dự kiến thu về ít nhất 48 triệu USD. Có 2 doanh nghiệp Mỹ và Singapore trúng thầu với trị giá 1.150 tỷ đồng (tương đương 52,5 triệu USD với tỷ giá khi đó).

Tuy nhiên, sau khi chuyển đặt cọc 30% vào tài khoản trung gian, hai đối tác liên tục trì hoãn thời gian nhận máy bay do không tìm được khách mua hoặc thuê lại khiến VALC phải huỷ kết quả đấu giá. Hai năm sau đó, VALC mới tìm được đối tác mua 2 trong số 5 tàu bay ATR72-500 là Frabert Capital của Hong Kong với giá khoảng 190 tỷ đồng mỗi chiếc.

Theo báo cáo thường niên gần nhất, Vietnam Airlines ghi nhận VALC là công ty liên kết với tỷ sở hữu gần 32,5%.


Đức Minh

Chia sẻ Facebook