Công ty Trung Quốc nợ hàng chục tỷ NDT của hơn 100.000 nhà đầu tư, giám đốc tuyên bố 'Tôi sẽ không bỏ chạy' nhưng sau đó mất liên lạc

Chia sẻ Facebook
26/11/2022 07:46:23

Vì niềm tin với hình ảnh doanh nhân '"gương mẫu", chăm chỉ làm từ thiện của Pan Jibiao mà hàng trăm nghìn người đã đầu tư vào các dự án của công ty do Pan thành lập, ngay cả khi họ công ty này vận hành các quỹ như thế nào.

Shanda Jinxi là một công ty trung gian dịch vụ tài chính có trụ sở chính tại Hồ Nam, Trung Quốc được thành lập vào năm 2011 và chưa có giấy phép liên quan đến tài chính. Công ty này đã nhiều lần bị Cục giám sát thị trường xử phạt vì quảng cáo tài chính và đầu tư sai sự thật. Nhưng trong những năm qua, Shanda Jinxi đã thu hút một lượng lớn khách hàng đầu tư vào công ty với lãi suất hàng năm hơn 10%.

Từ 2 tháng trước, các nhà đầu tư đã phát hiện ra rằng công ty không có khả năng trả gốc và lãi. Nhưng đầu tháng 11 năm nay, tại cuộc họp của công ty, người đại diện pháp lý và điều hành vẫn tuyên bố với nhà đầu tư rằng “Tôi sẽ không bao giờ bỏ chạy” nhưng sau đó hoàn toàn mất liên lạc.


Hào quang của “doanh nhân từ thiện”

Pan Jibiao từng là nhà từ thiện nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam. Năm 2013, Pan thành lập quỹ từ thiện tại tỉnh Hồ Nam và sau 3 năm, có 2.500 học sinh nghèo đã được tài trợ tổng số tiền lên đến 42 triệu NDT.

Khi một trận lũ lụt thảm khốc xảy ra ở Vĩnh Châu, Pan đã đích thân đến hiện trường, quyên góp một xe hàng tiếp tế và 500.000 NDT tiền mặt cho người dân.

Bên cạnh đó, vị CEO này còn là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Kinh tế Xiaoxiang Hồ Nam, Chủ tịch đầu tiên của Phòng Thương mại và Đầu tư Hồ Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn từ thiện Hồ Nam…

Trong một cuộc phỏng vấn, Pan Jibiao từng tuyên bố mục tiêu của mình trong cuộc đời này: “Đạt được 2.862 tỷ phú và 2.862 triệu phú”. 2862 là tổng số của tất cả các quận ở Trung Quốc vào thời điểm đó, Pan Jibiao muốn mỗi quận ở Trung Quốc đều có triệu phú.

Vì vậy, nhiều người từng coi Pan Jibiao là "niềm tự hào của người Vĩnh Châu" , và họ cảm thấy vui mừng khi được làm việc cho Pan Jibiao.

Chính những hào quang này là chìa khóa cho niềm tin của nhiều người Hồ Nam vào Shanda Jinxi và Pan Jibiao.


Sự thật đằng sau

Shanda Jinxi có 140 chi nhánh khắp Trung Quốc, chủ yếu thu hút đầu tư với lãi suất cao. Lãi suất mà công ty đưa ra cho các nhà đầu tư đã từng vượt quá 15% và sau đó đã được hạ xuống, nhưng nó cũng là hơn 12% trước khi sự cố xảy ra.

Lợi nhuận cao bất thường của các dự án này đều do triển vọng tươi sáng mà Pan vẽ nên: Hoạt động khai thác khí mê-tan trong than đá, các nhà kính để sản xuất năng lượng quang điện ở các vùng nông thôn, dự án bất động sản Jinpan World City…

Pan Jibiao giới thiệu phương thức "Đối tác". Các nhà đầu tư không chỉ tham gia đầu tư dự án mà còn trực tiếp trở thành đối tác của các công ty con liên quan đến dự án, trả "quỹ hợp tác" và chia cổ tức với công ty.

Slogan của Shanda Jinxi là: "Không vi phạm hợp đồng trong 18 năm", khiến nhiều khách hàng vô cùng tin tưởng giữa làn sóng nổi lên của các công ty tài chính.

Trên thực tế, hầu hết các dự án mà Pan Jibiao quảng cáo với thế giới bên ngoài đều là những lời hứa suông. Như dự án Jinpan World City bắt đầu từ năm 2015, rao bán nhà vào năm 2016 nhưng đến nay sau 7 năm nhiều chủ sở hữu chưa có được giấy chứng nhận nhà đất, thậm chí không thể nhận nhà.

"Lấy mới trả cũ" bằng tiền của khách hàng, đây là cách kiếm tiền của Pan Jibiao, một chiêu thức lừa đảo không mới nhưng vì lòng tin với Pan, các nhà đầu tư còn không biết công ty Shanda Jinxi vận hành các quỹ thế nào chứ chưa nói đến tiến hành xem xét kỹ các dự án.

Shanda Kinxi cũng chưa bao giờ đạt được chứng chỉ tiếp cận ngành tài chính kể từ khi thành lập. Thậm chí từ năm 2016, công ty này đã bị các ban ngành liên quan phạt vì hành vi công khai sai sự thật và vi phạm luật quảng cáo, với tổng số tiền hơn 2 triệu NDT.

Bản thân vị trí Chủ tịch của các hiệp hội và tổ chức khác nhau của Pan Jibiao thực chất chúng đều là các tổ chức xã hội do chính Pan dựng nên.

Tháng 5/2017, Văn phòng Tài chính của Chính quyền tỉnh Hồ Nam cũng giải thích cụ thể với các nhà đầu tư: “Shanda Kinxi không phải là một tổ chức tài chính được cấp phép, và chắc chắn không được nhận tiền gửi của công chúng”. Năm ngoái, một số chi nhánh thậm chí còn nhận được thông báo phải đóng cửa.

Tuy nhiên, dựa vào ảnh hưởng của "kỷ lục vỡ nợ bằng 0", khách hàng vẫn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của nhân viên bán hàng Shanda Jinxi mà không do dự.


Nhà đầu tư mất ăn mất ngủ

Vào ngày 19/11, một người quản lý của Shanda Jinxi nói với tờ The Paper rằng công ty có hơn 100.000 khách hàng đầu tư và số tiền này hiện vượt quá hàng chục tỷ NDT. Hiện các quan chức vẫn chưa công bố thông tin cụ thể về số người liên quan và số tiền liên quan.

Một số nhân viên Shanda Jinxi đã giới thiệu các thành viên gia đình, họ hàng và bạn bè của họ đầu tư. Để thu được lãi suất cao, nhiều người thậm chí còn vay tiền để đầu tư vào Shanda Jinxi. Sau khi hay tin Pan Jibiao mất liên lạc, những người tin tưởng vào doanh nhân này hoang mang hơn bao giờ hết, kéo đến công ty nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Li Nanhui, một nhân viên công ty đã giới thiệu hàng chục người thân và bạn bè của mình tham gia đầu tư cả chục triệu NDT. Cũng có nạn nhân lén đầu tư sau lưng người nhà, nhận tin Pan biến mất khiến cô không thể ngủ được.

Tang Fulian cũng là nhân viên bán hàng của Shanda Jinxi, đã cùng gia đình đầu tư hơn 1 triệu NDT. "Hơn 600.000 NDT là đi vay, tôi bây giờ không còn tiền để ăn", Tang bật khóc khi được phỏng vấn.

Guo Shu, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, đã sớm nhắc nhở: "Bất kỳ sản phẩm quản lý tài sản nào có tỷ suất sinh lợi trên 6% đều nên được đặt dấu hỏi. Nếu vượt quá 8% thì sẽ nguy hiểm. Nếu nó vượt quá 10%, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để mất tất cả tiền gốc của mình. Tiền thu được hàng năm đạt 14% và rất nhiều thứ được gọi là dự án hoàn toàn không có sự giám sát!".

Chia sẻ Facebook