Công ty tiết lộ phương pháp giúp nhân loại xóa sổ loài vật bị ghét nhất thế giới nhưng dư luận lại phản đối, vì đâu đến nỗi?
Một công ty đang thí nghiệm thả muỗi biến đổi gen nhằm thúc đẩy loài vật này "tự hủy".
Muỗi là loài động vật giết người nhiều nhất trong tự nhiên. Mỗi năm, có khoảng 1 triệu ca tử vong vì những bệnh liên quan đến chúng. Còn nhiều lý do khiến chúng trở thành loài vật bị ghét nhất thế giới, chẳng hạn như tiếng kêu vo ve khó chịu hay khả năng "lạng lách" siêu phàm và tốc độ sinh sôi khủng khiếp.
Tuy nhiên, mới đây một dự án đã được thực hiện nhằm tiêu diệt mối họa đeo đẳng này cho nhân loại. Oxitec, một công ty công nghệ sinh học của Anh, đã khởi động thí nghiệm kéo dài nhiều tháng trời bằng cách thả hàng tỷ con muỗi biến đổi gen ở California và Florida.
Có điều, đây không phải những con muỗi thường. Nếu thí nghiệm thành công, chúng sẽ góp phần làm suy giảm số cá thể muỗi ở những khu vực trên. Lý do là vì đàn muỗi này chỉ toàn những con đực và chúng mang một loại gen đặc biệt. Muỗi đực hoàn toàn không biết đốt như muỗi cái, và khi giao phối ngoài tự nhiên, chỉ những con non đực của chúng mới có thể sống sót.
Dần dần, số cá thể muỗi cái sẽ cạn kiệt, triệt tiêu khả năng sinh sản của cả quần thể, dẫn đến sự "diệt vong" không đau đớn cho họ nhà muỗi.
Đây không phải lần đầu tiên một thí nghiệm tương tự diễn ra, nhưng lại là lần có quy mô lớn nhất. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng giải pháp có thể hiệu quả trong việc tiêu diệt các loài muỗi mang bệnh ở những nơi bị sốt rét hay Zika hoành hành. Một ưu điểm của phương pháp này là không cần sử dụng đến thuốc diệt sâu bọ, vốn ảnh hưởng đến môi trường và cả những loài có lợi.
Để thực hiện dự án này, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật "gene drive". Nói một cách dễ hiểu, họ sẽ biến đổi gen của một sinh vật sao cho nó có những đặc tính di truyền như mong muốn và có hơn 50% khả năng truyền lại cho đời sau. Qua mỗi thế hệ, số cá thể có đặc tính di truyền này sẽ ngày một tăng lên, cho đến khi toàn bộ quần thể sở hữu nó.
"Gene drive" cũng xuất hiện trong tự nhiên như được quan sát ở loài ruồi giấm thường. Tuy nhiên, kỹ thuật này mới được sử dụng nhân tạo sau sự ra đời của công nghệ Crispr. Mặc dù hứa hẹn, có nhiều lo ngại rằng nếu được sử dụng sai cách, "gene drive" có thể là ngòi nổ cho hàng loạt thảm họa sinh học. Ngoài ra, việc đảo ngược nó là gần như không thể.
Vào tháng tư, Oxitec công bố kết quả của thí nghiệm trước đây tại Florida Keys và chỉ ra những dấu hiệu khả quan. Họ phát hiện ra rằng những con muỗi cái mang gen biến đổi không thể sống sót đến tuổi trưởng thành. Ngoài ra, đàn muỗi này cũng không vượt quá bán kính 400 mét từ địa điểm đầu tiên chúng được thả.
Dự án cũng đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và cộng đồng khoa học. Lập luận đầu tiên là mặc dù không phải một loài chủ chốt, việc tiêu diệt muỗi sẽ có tác động đến những loài săn mồi của nó và gây hậu quả sinh thái. Hơn nữa, có thể có nhiều hệ quả không mong muốn như sự xuất hiện của các loài lai hay các căn bệnh mới thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Trong một số khảo sát vào các năm 2016 và 2017, nhiều người Mỹ đồng lòng phản đối và có góc nhìn tiêu cực về phương pháp biến đổi gen. Trong đó, 80% bình luận gửi đến FDA bày tỏ thái độ không hài lòng với cuộc thử nghiệm tại Florida. Dù vậy, dư luận tương tự vẫn chưa xuất hiện ở các quốc gia khác.
Hiện tại, mục tiêu chính các nhà khoa học quan tâm là giảm nhẹ tác động của các bệnh truyền nhiễm lây lan qua động vật, không chỉ muỗi mà cả các loài khác như chuột, ve ký sinh.
Nguồn: Quartz