Công ty PNJ lãi 252 tỷ đồng trong tháng 2 nhờ nhu cầu mua bán vàng tăng
Nhu cầu mua bán vàng tăng giúp doanh thu của Công ty PNJ trong tháng 2 đạt 3.589 tỷ đồng (tăng 27%), lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng.
Nhu cầu mua bán vàng tăng trong những tháng đầu năm giúp doanh thu của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong tháng 2 đạt 3.589 tỷ đồng (tăng gần 27% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế của tháng 2 đạt 252 tỷ đồng.
Tích trữ vàng hay tích trữ SJC?
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 được tổ chức hôm 16/4, Công ty PNJ cho biết trong tháng 2 doanh thu thuần đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của tháng 2 đạt 252 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty PNJ đạt 7.066 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên đến 522 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 37% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu vàng miếng lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 của công ty này tăng trưởng 46,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi họp, đại diện Công ty PNJ lý giải doanh thu và lợi nhuận tăng là do giá vàng thế giới tăng, khiến giá vàng trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, trong tháng 2 có ngày “vía Thần Tài” nên nhu cầu mua vàng của người dân tăng mạnh.
Theo ghi nhận, đợt sốt giá vàng tháng 2 và tháng 3 vừa qua đã khiến giá vàng miếng SJC có lúc lên mức hơn 73 triệu đồng/lượng , giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới cùng thời điểm tới 16-18 triệu đồng/lượng, biên độ giá mua vào-bán ra của cửa hàng dao động khoảng từ 1,5-2,6 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, chỉ sau khoảng 1 tuần, giá vàng SJC sụt giảm trở về mức 68 triệu đồng/lượng hôm 16/3.
Tại buổi họp trên, Tổng giám đốc Lê Trí Thông cho biết Công ty PNJ có kế hoạch mở mới thêm từ 35-40 cửa hàng. Năm 2021, Công ty PNJ đã mở mới 20 cửa hàng Gold và một cửa hàng Style; trong khi đóng 21 cửa hàng để tái cơ cấu hệ thống bán lẻ. Tại thời điểm cuối năm 2021, Công ty PNJ có tổng số 342 cửa hàng.
Năm 2022, Công ty PNJ đặt mục tiêu doanh thu thuần 25.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 28% so với kết quả thực hiện năm 2021. Đây cũng là con số mục tiêu cao nhất kể từ khi hoạt động của PNJ.
Giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới chênh lệch lớn do đâu? Theo lý giải của Tạp chí Sài Gòn Đầu tư, nhãn hiệu SJC do Ngân hàng Nhà nước quản lý được cho là nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC cao bất thường, cái tên SJC đã trở thành thương hiệu vàng trong tâm trí người dân từ nhiều năm nay. Cùng với quy định các công ty kinh doanh vàng không còn được phép dập vàng miếng nữa nên khiến số lượng vàng SJC trên thị trường có giới hạn. Do vậy, khi nhu cầu lớn hơn nguồn cung, việc tăng giá là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước từ lâu chỉ điều hành tỷ giá USD chứ không điều hành giá vàng. Giá vàng hiện nay là do các công ty kinh doanh vàng quyết định. Mức chênh lệch mua vào-bán ra của mỗi lượng vàng SJC mang lại doanh thu và lợi nhuận cho các công ty này. |
Đức Minh
Tích trữ vàng hay tích trữ SJC?
Sáng ngày 8/3, giá vàng SJC đã lên mức 74 triệu đồng/lượng, điều này đã tạo ra sự chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng.