Công ty mẹ của Ngân hàng SVB xin bảo hộ phá sản
SVB Financial có khoảng 2,2 tỷ USD thanh khoản, khoảng 3,3 tỷ USD nợ không có bảo đảm và 3,7 tỷ USD cổ phiếu có thể bị xóa sổ trong vụ phá sản.
Tập đoàn SVB Financial (công ty mẹ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB)) hôm 17/3 cho biết, họ đã đệ đơn xin tái tổ chức dưới sự giám sát của tòa án theo Chương 11 Bộ luật Phá sản Mỹ để tìm kiếm người mua tài sản của mình.
Quyết định đệ đơn xin bảo hộ phá sản được đưa ra sau khi SVB bị các cơ quan quản lý Mỹ tiếp quản, và các biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư không mang về kết quả như ý.
Trong bản kiến nghị đệ trình ở New York, tập đoàn tài chính SVB đã liệt kê tài sản và nghĩa vụ tài chính, mỗi danh mục lên tới 10 tỷ USD.
Ngân hàng Thung lũng Silicon là một ngân hàng thương mại có điều lệ ở California và là một phần của hệ thống Dự trữ Liên bang, nên ngân hàng này không đủ điều kiện để phá sản. Thay vào đó, ngân hàng này đã được tiếp nhận bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Trong khi đó, SVB Financial đủ điều kiện nộp đơn để bảo vệ các tài sản còn lại của mình và làm việc để trả nợ cho các chủ nợ, bao gồm các trái chủ.
Theo một tuyên bố, công ty môi giới SVB Securities và công ty đầu tư mạo hiểm SVB Capital cũng không được đưa vào hồ sơ.
Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tập đoàn tài chính SVB Financial không còn liên kết với Ngân hàng Thung lũng Silicon hay SVB Private (doanh nghiệp quản lý tài sản và ngân hàng tư nhân của tập đoàn này), SVB Financial cho biết.
Tính đến sáng ngày 8/3, ngân hàng SVB vẫn là một tổ chức có vốn hóa tốt đang tìm cách gây quỹ. Tình hình bắt đầu xấu đi nhanh chóng khi vào cuối ngày 8/3, công ty mẹ của SVB là SVB Financial tuyên bố đã bán một lượng lớn chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp cho Goldman Sachs với khoản lỗ 1,8 tỷ USD.
Để bịt lỗ hổng đó, tập đoàn này đã cố gắng huy động 2,25 tỷ USD vốn cổ phần phổ thông và cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi. Tuy nhiên, điều này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn hoảng loạn và khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi SVB. Ngày 9/3, các khách hàng của SVB đã rút 42 tỷ USD tiền gửi – khoảng 1/4 tổng số tiền của ngân hàng này.
Một ngày sau đó, các cơ quan quản lý của California đã đóng cửa SVB và chỉ định Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) làm đơn vị tiếp nhận, khiến ngân hàng này trở thành vụ sụp đổ lớn nhất kể từ khi Washington Mutual phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
SVB Financial, cùng với Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của tập đoàn này đã bị kiện tập thể với lý do không tiết lộ những rủi ro mà việc tăng lãi suất trong tương lai có thể giây ra đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, Reuters, Bloomberg)