Công ty “’khát” người lao động khi bùng nổ du lịch hè 2022
Dịp Hè 2022 đã giúp nhiều doanh nghiệp tại Tp.HCM lấy lại phong độ sau 2 năm “ngủ đông” nhờ lượng khách du lịch ấn tượng.
Nhộn nhịp từ giữa tuần
Chưa đến cuối tuần, các điểm tham quan, du lịch tại Tp.HCM như Dinh Độc lập, chợ Bến Thành, phố Tây Bùi Viện, Bưu điện Thành phố, Thảo Cầm Viên vẫn tấp nập khách du lịch.
Không chỉ riêng các địa điểm du lịch tại chỗ mà các tour du lịch khám phá vùng lân cận trung tâm thành phố cũng đang hút khách. Các tour du lịch tại Tp.HCM được quan tâm hiện nay như tour Lắng nghe hơi thở của rừng để khám phá, trải nghiệm du lịch Cần Giờ; Từ Sài Gòn xưa đến Tp.HCM nay; Tp.Thủ Đức bên dòng sông xanh...
Theo Lao động, tại các công ty du lịch lữ hành trên đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão (Quận 1), lượng khách trong và ngoài nước đặt tour tăng cao. Không chỉ mua tour online, nhiều khách hàng đến trực tiếp địa điểm để nghe tư vấn và lựa chọn tour du lịch phù hợp với nhu cầu.
Các công ty du lịch lữ hành tại Tp.HCM triển khai hàng loạt sản phẩm du lịch ngay tại thành phố. Các tour này hiện thu hút người dân Tp.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác và du khách quốc tế lựa chọn trải nghiệm.
Con số ấn tượng
Trao đổi với Thanh Niên, bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Khu DL văn hóa Suối Tiên cho biết, mỗi ngày, nơi đây đón khoảng 8.000 - 10.000 lượt khách, lượng khách tăng cao hơn vào dịp cuối tuần.
Còn theo đại diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn, 6 tháng đầu năm đơn vị đã đón 1.230.000 lượt khách, đạt 82,8% kế hoạch năm, doanh thu 75 tỉ đồng, nộp ngân sách 6,2 tỉ đồng. Riêng tháng 6.2022, Thảo Cầm Viên đón 203.000 lượt khách. 6 tháng cuối năm, Thảo Cầm Viên tập trung cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng. Khi bước vào năm học mới, đơn vị sẽ xây dựng chương trình phục vụ bảo tồn cho học sinh, sinh viên.
Tương tự, 6 tháng đầu năm, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cũng đón 170.000 lượt khách, trong đó có khoảng 146.000 khách trong nước, còn lại là khách quốc tế.
Theo ông Hoàng Văn Bá, Phó tổng giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen, nửa đầu năm 2022, Đầm Sen phục vụ trên 360.000 lượt khách, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Hè này, Đầm Sen cũng xây dựng nhiều chương trình đặc sắc như: miễn vé vào cổng cho học sinh giỏi, các em mang sách giáo khoa cũ hoặc tập vở trắng đến chia sẻ với học sinh khó khăn,… Khu chợ đêm trong khuôn viên Đầm Sen phục vụ khoảng 1.000 khách mỗi ngày.
“Đầm Sen được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là trung tâm giáo dục trải nghiệm cho học sinh, chương trình tour kết hợp xây dựng với nhà trường đã chạy thử và được các trường tiếp nhận tốt. Đợt này, chúng tôi sẽ phối hợp với các công đoàn, khu chế xuất phục vụ công nhân”, ông Bá thông tin.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, theo khảo sát, thống kê doanh thu, các sản phẩm tham quan di tích lịch sử, công trình kiến trúc đang dẫn đầu, tiếp theo là du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm.
Theo thống kê của Sở Du lịch Tp.HCM, hiện nay nhiều khách sạn 4 - 5 sao tại TP đã đạt công suất phòng trên 80%, các khu du lịch vui chơi giải trí đã khôi phục trở lại 80 - 90%, thậm chí có nơi hoạt động trở lại hết công suất do lượng khách tăng cao.
Vẫn trăn trở chuyện thiếu nhân lực
Lượng khách bùng nổ đi kèm với sự lo lắng của doanh nghiệp du lịch về bài toán nguồn lao động. Có thể thấy rõ, tốc độ hồi phục của nguồn nhân lực ngành du lịch vẫn chưa bắt kịp tốc độ phục hồi của ngành.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết dù "giữ chân" nhiều nhân sự nòng cốt, thạo việc trong giai đoạn dịch Covid-19, tuy nhiên, lực lượng này chưa đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao.
Trao đổi với Lao động , ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam cho hay thiếu hút nhân lực du lịch đang là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp.
“Do thiếu nhân lực, nhu cầu về sale, marketing, tiếp thị hoặc những nhu cầu điều hành khác của doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự. Đối với những tour đường dài, đơn vị sẽ chuyển giao cho các công ty du lịch khác đáp ứng", ông Khoa Luân cho biết.
Theo đánh giá của Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, trước đây, ngành du lịch có đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Do dịch bệnh Covid-19, đội ngũ này chuyển sang ngành, nghề khác và hiện đã ổn định, chưa có nhu cầu quay trở lại ngành du lịch.
Mặt khác, ngành du lịch chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 nên nguồn nhân lực còn đánh giá e ngại và dè chừng về rủi ro "hậu Covid-19" hoặc những diễn biến khác của dịch bệnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cũng cho rằng, ngành du lịch hiện thiếu hụt nguồn nhân sự chuyên ngành do tình hình chung sau dịch Covid-19, chẳng hạn như xu hướng chuyển ngành, nghề.
Để giải quyết thực trạng thiếu hụt nhân lực mùa cao điểm, ông Khoa Luân cho biết doanh nghiệp đang tuyển dụng liên tục để có đội ngũ nhân sự tốt trở lại làm việc với ngành du lịch sau mùa dịch.
"Công ty triển khai nhiều chính sách, giải pháp thu hút nhân sự như lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt. Đặc biệt, đơn vị cũng triển khai chính sách đãi ngộ bảo lãnh mua nhà trả góp để thu hút nhân sự trẻ tham gia vào công ty và có thể gắn bó lâu dài", ông Luân chia sẻ.
Việc phục hồi nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cấp thiết giúp phục hồi và phát triển ngành du lịch Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sau thời gian dài "đóng băng" bởi dịch Covid-19. Từ đó, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch cũng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước .
Khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng
Hơn 3 tháng sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường khách quốc tế, tại nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước, khách quốc tế đến từ một số thị trường đã sôi động trở lại.
Không chỉ các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways khai thác trở lại nhiều đường bay quốc tế giữa Việt Nam với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, châu Âu…; nhiều hãng hàng không quốc tế cũng nối lại đường bay đến Việt Nam.
Theo Người Lao động, đại diện Vietnam Airlines cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn và nhiều nước đã nới lỏng thủ tục nhập cảnh, nhu cầu đi lại đang có tín hiệu khởi sắc. Hiện hãng đã nối lại xấp xỉ 55% đường bay quốc tế tương đương năm 2019 và ghi nhận số lượng khách bay quốc tế đang từng bước hồi phục, trong đó đáng chú ý là lượng khách bay đi các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Nhiều công ty du lịch cho biết đang đón những đoàn khách quốc tế từ các thị trường quay trở lại Việt Nam. Dù vậy, con số hơn 414.000 lượt khách quốc tế đến trong nửa đầu năm mới chỉ xấp xỉ khoảng 10% so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm nay, phản ánh khách quốc tế chưa thật sự nhộn nhịp.
Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun World nhận định trong khi thị trường nội địa sôi động thì hạn chế lớn nhất vẫn là lượng khách quốc tế còn chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. DN kỳ vọng tỉ lệ khách quốc tế trở lại với Việt Nam và các điểm đến của Sun World sẽ đạt mốc tăng trưởng ấn tượng như năm 2019 vào thời điểm cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên đón khách châu Âu tới Việt Nam), lý do khách quan khiến nguồn khách châu Âu trở lại Việt Nam còn hạn chế do tác động từ giá xăng dầu, lạm phát tăng cao ở những thị trường này ảnh hưởng tới chi phí đi du lịch của du khách. Ghi nhận từ một số công ty du lịch ở châu Âu cho thấy, xu hướng chọn điểm đến của khách Âu đã thay đổi. Bởi sau 2 năm dịch Covid-19 họ đã khám phá ra nhiều điểm đến mới ở ngay khu vực này và chọn đi, thay vì tới thị trường khác xa hơn như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
"Hiện các hãng hàng không đã mở lại đường bay quốc tế tới châu Âu nhưng tần suất chuyến bay trong tuần vẫn khá ít nên rất khó đặt vé máy bay và giá cao, ảnh hưởng tới giá thành tour chào cho khách quốc tế. Do đó, kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay quốc tế và tăng tần suất chuyến bay để kích thích nhu cầu đi lại, du lịch của khách”, ông Nguyễn Ngọc Toản nói.
Hương Anh (tổng hợp)