Công ty con của EVN báo doanh thu kỷ lục trong quý II/2023
Quý II/2023, EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.354 tỷ đồng – là mức doanh thu cao nhất tính theo quý kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3 - HoSE: PGV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả kinh doanh khá tích cực.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.354 tỷ đồng trong quý II/2023, tăng 29% so với cùng kỳ. Đây đồng thời là mức doanh thu cao nhất tính theo quý kể từ lên sàn chứng khoán (tháng 3/2018) của công ty. Bình quân mỗi ngày, EVNGENCO3 tạo ra doanh thu gần 170 tỷ đồng trong quý II/2023.
Trong kỳ, gá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện từ mức 10,2% cùng kỳ năm ngoái lên 11,2%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty giải trình là do sản lượng điện bán cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến từ mức 3 tỷ đồng lên hơn 100 tỷ đồng chủ yếu do tăng cổ tức nhận được, lãi chênh lệch tỉ giá. Sau khi trừ các chi phí, EVNGENCO3 lãi sau thuế 1.104 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 12 quý kể từ quý II/2020.
Quý II/2023 là thời điểm thủy văn kém thuận lợi, nhiều hồ thủy điện cạn nước, gây ra tình trạng thiếu điện, qua đó làm tăng huy động đối với nhiệt điện. Là doanh nghiệp mạnh về nhiệt điện, sản lượng điện trong quý của PGV cũng nhờ đó tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.803 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.725 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của EVNGENCO3 đạt 65.000 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm gần 60% với giá trị cuối kỳ ở mức 38.600 tỷ đồng. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi hơn 4.450 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm.
Giá trị hàng tồn kho ghi nhận hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 58%, chủ yếu là nguyên, vật liệu. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm hơn 76%, còn 82 tỷ đồng nhưng không thuyết minh chi tiết.
Đáng chú ý, EVNGENCO3 còn đang có khoản phải thu đối với một thành viên khác của EVN là Công ty Mua Bán Điện (EVNEPTC) hơn 12.300 tỷ đồng vào cuối quý II/2023, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của công ty là 45.894 tỷ đồng, giảm hơn 2.600 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là 37.649 tỷ đồng. Công ty phải trả 1.202 tỷ đồng lãi vay, song các khoản vay không được thuyết minh chi tiết.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 19.159 tỷ đồng, trong đó công ty có 6.153 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
EVNGENCO3 là công ty con do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm đến 99,2% vốn. EVNGENCO3 sở hữu đa dạng loại hình phát điện gồm nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện và điện mặt trời với tổng công suất xấp xỉ 6.559 MW.
Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị có công suất lớn nhất (2.540 MW), bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí là Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Nhiệt điện Phú Mỹ 4. Các nhà máy nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân (1.244 MW), Nhiệt điện Mông Dương 1 (1.080 MW).
Cùng đó, EVNGENCO3 còn có Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 586 MW trên lưu vực sông Srêpốk; nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42,65 MW) và các công ty con, công ty liên kết sở hữu nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện công suất lớn.
Công ty đang sở hữu 2 công ty con với tỉ lệ trên 50% đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn gồm Nhiệt điện Bà Rịa (79,56%) và Nhiệt điện Ninh Bình (54,76%). Ngoài ra, EVNGENCO3 cũng nắm giữ trên 30% vốn tại 3 Công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A .