Công ty chứng khoán nhận định như thế nào về VN-Index trong tháng 8?
Chứng khoán SSI nhận định chỉ số VN-Index sẽ vận động trong kênh giá 1.220 – 1.300 điểm trong tháng 8. VNDirect Research kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.180-1.260 điểm. VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.200 - 1.300 điểm. Chứng khoán BIDV dự báo P/E VN-Index vận động trong vùng 13-13,5 lần khi thanh khoản thị trường cải thiện cùng tâm lý tích cực giữ vai trò chủ đạo.
Kết thúc phiên giao dịch tuần đầu tiên của tháng 8 (5/8), VN-Index đứng ở mức 1.252,74 điểm, tương ứng tăng 46,41 điểm (3,85%) so với tuần trước đó. Với việc thị trường tiếp tục hồi phục nên nhiều nhóm ngành cổ phiếu có biến động tích cực. Trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ có 7 mã giảm, trong khi có đến 23 mã tăng. Dẫn đầu mức tăng giá ở top 30 vốn hóa là VCB của Vietcombank ( HoSE:VCB ) với gần 10%. Đà tăng của VCB là động khá tốt giúp thị trường hồi phục trong tuần qua.
HNX-Index cũng tăng 11,29 điểm (3,91%) lên 299,9 điểm, UPCoM-Index tăng 1,71 điểm (1,91%) lên 91,32 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 19.442 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 43% lên mức 17.404 tỷ đồng/phiên.
Dự báo thị trường chứng khoán trong tháng 8, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận thấy thách thức và cơ hội trên thị trường vẫn đan xen nhau. Dù vậy, sau nguyên cả quý II giảm sâu, tín hiệu kỹ thuật đã cho thấy một số cải thiện nhất định. Đầu tiên, thị trường chậm lại đà giảm kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.150 điểm trên VN-Index và nỗ lực hồi phục trong phần lớn thời gian của của tháng 7. Diễn biến này tiếp tục vào những phiên đầu tháng 8, cụ thể chỉ số VN-Index đã lần lượt chinh phục thành công kháng cự quan trọng 1.200 điểm và 1.220 điểm trong phiên ngày 1/8.
Một tín hiệu tích cực nữa được ghi nhận là thanh khoản thị trường đã cải thiện mạnh sau khi VN-Index quay lại xu hướng tăng ngắn hạn. Từ góc nhìn phân tích kỹ thuật, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ vận động trong kênh giá 1.220 – 1.300 điểm trong tháng 8; trong đó khu vực 1.300 điểm sẽ đóng vai trò là kháng cự quan trọng và xác định xu hướng trung hạn của VN-Index.
SSI Research duy trì góc nhìn trung lập đối với xu hướng dòng tiền trong thời gian tới. Đơn vị đánh giá quy mô rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quá cao, thậm chí có thể sẽ vào ròng nhẹ sau những điều chỉnh linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô và dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu trong thời gian qua đã phần nào phản ánh những rủi ro trước mắt. Trên hết, triển vọng dài hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì tích cực có thể sẽ kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.
Trong khi đó, VNDirect Research nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện như lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt. Cùng với đó là việc Fed giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Cuối cùng là Nghị định 153 sắp được ban hành nới lỏng một số yêu cầu liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với các dự thảo trước đó.
Rủi ro đối với thị trường bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến do giá lương thực tăng và đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái, lãi suất và đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
VNDirect Research kỳ vọng thị trường tiếp tục phục hồi trong tháng 8, song do chưa hội tụ đủ các yếu tố hỗ trợ mạnh (nêu trên), đơn vị ước tính VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.180-1.260 điểm trong tháng 8. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index là vùng 1.220-1.230 điểm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo của VN-Index là vùng 1.250-1.260 điểm. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường quanh 1.180 điểm.
Cùng quan điểm với VNDirect Research, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá khả năng hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu sẽ hỗ trợ cho VN-Index. VDSC kỳ vọng chỉ số này sẽ biến động trong vùng 1.200 - 1.300 điểm ở tháng 8.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu giá dầu quay trở lại mức trên 130 USD/thùng, điều này sẽ tác động trở lại đến số liệu lạm phát trong các tháng tiếp theo và các kịch bản về việc giảm đà tăng lãi suất của Fed. Do đó VN-Index cũng có thể diễn biến kém lạc quan hơn.
Xét về hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, sau mùa BCTC quý II, tháng 8 thường sẽ đi vào vùng trống thông tin để thị trường có các cơ sở thay đổi định giá. Đồng thời, nhìn xa hơn triển vọng kinh doanh các ngành trong quý III, ở thời điểm hiện tại VDSC giữ quan điểm trung lập - khả quan về mức độ tác động tổng thể các ngành lên VN-Index.
Trong khi đó, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản cho VN-Index trong tháng 8. Ở kịch bản thứ nhất, BSC cho rằng VN-Index sẽ cân bằng ở ngưỡng 1.200 điểm đồng thời hướng đến vùng 1.300 – 1.320 điểm khi thanh khoản cải thiện cùng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường.
Nền kinh tế tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khơi thông nguồn vốn tín dụng … cùng diễn biến khả quan từ khối ngoại. Thị trường dự báo sẽ tiếp tục phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh quý II. Các doanh nghiệp cơ bản tốt đang ở vùng định giá hấp dẫn có thể là điểm đến của dòng tiền trong giai đoạn này. Ở kịch bản này thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,8-1 tỷ USD/phiên.
Kịch bản thứ 2 là VN-Index được dự báo dao động quanh 1.200 điểm trong bối cảnh dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế phát triển khác ngày một rõ nét. Bên cạnh đó, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc khi dịch bệnh Covid tiếp tục diễn biến phức tạp, đi kèm cuộc khủng hoảng ở lĩnh vực bất động sản tiếp tục diễn biến khó lường. Sau nhịp hồi phục, tâm lý tiêu cực quay trở lại có thể lấn át những nỗ lực hồi phục trước đó. Xu hướng bán ròng tiếp diễn ở khối ngoại khi “cuộc đua nâng lãi suất” của các ngân hàng trung ương chưa có dấu hiệu dừng lại, thanh khoản chưa cho thấy sự cải thiện rõ rệt.