Công trình vi phạm 'khủng' ở Bình Chánh: Hàng trăm hộ dân tái định cư chưa được cấp giấy
104 hộ dân tái định cư nhận nền tại dự án Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt (Amazing City) từ năm 2012 vẫn chưa được cấp giấy.
Tháng 6-2020, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM ra thông báo và Thanh tra TP.HCM ra kết luận số 07 chỉ ra các vi phạm xây dựng, đất đai trên địa bàn huyện Bình Chánh, nhất là các công trình vi phạm có quy mô lớn, phức tạp mà huyện phải khẩn trương xử lý dứt điểm.
Đến nay đã gần 2 năm, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online đa số các công trình vi phạm đã được xử lý. Cụ thể như: các công trình vi phạm tại xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B; công trình Khu ẩm thực Bình Xuyên (xã Bình Hưng); công trình Gia Trang Resort (xã Tân Quý Tây)...
Tuy nhiên vẫn còn 2 công trình "khủng" thì các cơ quan chức năng vẫn đang rà soát phương án xử lý. Quyền lợi hàng trăm hộ dân tại 2 công trình này bị ảnh hưởng kéo dài nhiều năm.
Công trình d ự án khu dân cư Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt (dự án Amazing City) do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư có quy mô hơn 12,3ha được UBND TP giao đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào tháng 12-2010. Dự án này được Thanh tra TP chỉ ra sai phạm là dù chưa sang tên đất nông nghiệp, chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã đưa đất vào kinh doanh khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng đặt cọc cho hàng trăm cá nhân, tổ chức. Tại công trình này hơn 200 nhà xây dựng sai phép.
Dự án này có 104 nền chủ đầu tư bán cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân để phục vụ tái định cư cho 104 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án Rạch Nước lên của quận. Từ năm 2012, được sự thống nhất của TP, quận Bình Tân mua 104 nền và bố trí cho các hộ dân. Trong số đó, có gần 50 nền người dân đã xây nhà ở ổn định.
Do pháp lý dự án chưa đầy đủ và có nhiều vi phạm, đến nay các hộ dân tái định cư (và cả trường hợp mua nhà thương mại) vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.
Bà Phan Thị Mỹ Khuyên, chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, cho hay thực hiện kết luận thanh tra, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường đang rà soát pháp lý để báo cáo lại cho UBND TP về hướng xử lý. Dự án này ngoài c ác trường hợp mua nền thương mại còn có 104 trường hợp tái định cư.
"Đến nay các vi phạm pháp lý của dự án vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục, kéo theo hệ lụy người dân vẫn chưa được cấp giấy. Người dân tái định cư đang rất khó khăn và sốt ruột vì nhận nền từ năm 2012. Các lần xã tiếp xúc vận động thì rất đồng cảm với người dân. Việc giải quyết các tồn tại của dự án phải đợi các Sở xử lý" - bà Khuyên nói.
Còn tại công trình nhà hàng Hương Dừa (cũ) thuộc xã Bình Hưng do bà Trần Thị Minh Trang làm chủ (cũng là chủ công trình Gia Trang Resort) cũng đang chờ Sở Tài nguyên môi trường ban hành quyết định xử lý.
Theo báo cáo của UBND huyện, công trình này có 77 căn nhà xây trên đất nông nghiệp bà Trang đã bán (giấy tay) cho 77 hộ dân với hơn 220 nhân khẩu sinh sống. Ngoài ra công trình này có tổng cộng 168 phòng trọ.
Một số hộ dân mua nhà đất tại đây (bằng giấy tay, thông qua vi bằng, không có xác nhận của cơ quan chức năng) từng gửi đơn đề nghị huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Huyện đã có văn bản trả lời là không có cơ sở xem xét, giải quyết.
Quyền lợi cho các hộ dân tại công trình này cũng là vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng xem xét khi ban hành quyết định xử lý công trình.
Theo Thanh tra TP kết luận, công trình nhà hàng Hương Dừa có tổng diện tích hơn 15.000 m2. Công trình này có các vi phạm như lấn chiếm đất rạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp rồi bán nhà ở cho các hộ dân thu lợi bất hợp pháp.
Cuối tháng 2-2022 Sở Tài nguyên môi trường TP đã phối hợp với UBND huyện Bình Chánh xác định số lợi bất hợp pháp để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định nghị định 04/2022 (sửa đổi bổ sung nghị định 91/2019).
Hàng trăm căn nhà, phòng trọ, bãi xe được xây dựng nhiều năm trên đất nông nghiệp với tổng diện tích đất hơn 13.000m2 tại ấp 4A, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM. Chính quyền Bình Chánh đã không xử lý dứt điểm, dẫn đến nhiều hệ lụy.