Công trình 40 tỷ đồng, xây 5 năm, mới dùng 2 tháng đã hư hỏng
Khu liên hợp thể thao ở huyện Đông Giang (Quảng Nam) mới khánh thành, sử dụng chưa lâu đã hư hỏng, bỏ hoang, vừa gây lãng phí ngân sách, vừa khiến người dân bức xúc.
Khu liên hợp thể thao huyện Đông Giang rộng hơn 3,5 ha đưa vào sử dụng vài tháng. Đợt mưa lớn vào giữa tháng 10 vừa qua, đất đá từ trên sườn đồi sạt xuống, bồi lấp toàn bộ diện tích mặt sân vận động. Bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng. Bùn đất tràn vào các công trình phụ trợ, nhiều hạng mục đã hư hỏng nặng nề. Người dân rất tỏ ra bức xúc trước dự án được đầu tư 40 tỷ đồng, xây 5 năm, sử dụng 2 tháng đã hư hỏng.
Không chỉ sân vận động bị bồi lấp mà ngay khu nhà hành chính thuộc dự án cũng bị đất đá uy hiếp. Khi mưa lớn, những người làm việc trong khu khu nhà này cảm thấy bất an. Việc bạt núi xây dựng công trình dưới chân đồi nhưng không có giải pháp kè gia cố dẫn đến sạt lở là điều khó tránh khỏi.
Trước thực trạng công trình trọng điểm của huyện Nam Giang vừa khánh thành đã hư hỏng, việc khắc phục quá tầm của đơn vị sử dụng.
Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng như cầu cống, trường học vừa xây dựng xong bị hư hỏng. Thay vì truy tìm nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các bên có liên quan thì chủ đầu tư các dự án và cả các đơn vị thi công thường đổi lỗi do thiên tai. Công trình khu liên hợp thể thao này cũng không ngoại lệ đó.
Ở một huyện nghèo miền núi như Đông Giang, đầu tư hơn 40 tỷ đồng để xây dựng khu liên hợp thể thao nhưng bị sạt lở, bỏ hoang gây ra sự lãng phí lớn. Khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương và chủ đầu tư thường cho rằng, sự cố mang tính khách quan. Vấn đề đặt ra là các công trình sử dụng ngân sách nhà nước nhanh xuống cấp, nhanh hư hỏng như thế này nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cách khu liên hợp thể thao không xa, dự án trường THPT Võ Chí Công, ở huyện Tây Giang đầu tư hơn 60 tỷ đồng cũng phải bỏ hoang do sạt lở.
Vấn đề đặt ra là, theo quy trình xây dựng, mỗi một công trình đều phải có các đơn vị tư vấn, giám sát. Và trước đó, phải có đơn vị thăm dò, khảo sát địa chất. Việc hàng loạt công trình xây xong rồi bỏ hoang là câu hỏi lớn về quy trình cấp phép cũng như việc giám sát xây dựng.