Công nhân thời “bão giá”

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 22:46:45

Sau những khó khăn do dịch bệnh, hiện người lao động lại đối diện với khó khăn mới, vì giá cả biến động. Công nhân vẫn đang phải tự xoay xở thêm cho bữa ăn hàng ngày.


Đối với người lao động, lương tăng thì thu nhập tăng, nếu không thì không có ý nghĩa gì. Những ngày này, anh An ( công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long) ở nhà trông con và tranh thủ trồng rau cải thiện đời sống khi công ty không có tăng ca. Bình thường cuộc sống vốn đã eo hẹp nay còn eo hẹp hơn khi từ mớ rau, con cá, cái gì cũng tăng giá.

"Tăng ca, ăn cơm ở công ty để dành tiền mua sữa cho con, nếu không mình không đáp ứng được cho con", anh Phạm Viết An, công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long, chia sẻ.

Thu nhập của 2 vợ chồng chị Nhượng vào khoảng 18 triệu đồng/tháng. Năm người gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con chỉ đủ sống tằn tiện vì chi phí ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ. Năm nay, lương tăng thêm có mấy trăm nghìn, nhưng sinh hoạt của gia đình phải cắt giảm khá nhiều để thích nghi.

Nhiều lao động trông chờ vào việc tăng ca để có tiền cho con đóng học và cải thiện cuộc sống (Ảnh minh họa)


"Mấy tháng mới về quê, có việc gì thực sự cần thiết mới về. Tiền bánh, kẹo của các cháu cũng phải bớt đi", chị Đỗ Thị Nhượng, quê Phú Thọ, cho biết.


Ngay cả những người độc thân cũng khó khăn không kém vì họ còn phải để dành tiền mang về quê cho bố mẹ. Nhiều người chọn đi đi, về về vài chục km mỗi ngày chứ không ở trọ để tiết kiệm tiền cho gia đình.

Tuy lạm phát vẫn ở mức thấp, nhưng những tháng qua, giá các mặt hàng thiết yếu tăng và một năm học mới sắp tới. Nhiều lao động trông chờ vào việc tăng ca để có tiền cho con đóng học và cải thiện cuộc sống. Trước mắt, nhiều công nhân cố gắng mượn vườn của nhà trọ để trồng rau nhằm bớt đi chi phí.


Tăng lương để giữ chân lao động


Mục đích của người lao động là có thu nhập đủ để nuôi sống gia đình. Nếu công việc không đáp ứng được thì sớm hay muộn, họ cũng sẽ từ bỏ để tìm việc mới. Hiện nhiều công ty đang thiếu lao động và cũng rất khó trong việc tuyển mới. Chính vì vậy, để giữ chân nhân viên, nhiều doanh nghiệp không chỉ tăng lương tối thiểu, mà còn chủ động thay đổi thang bảng lương, cố gắng tăng thu nhập thực tế cho người lao động.


Ở Công ty TNHH may thời trang STAR, KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tổng quỹ lương trả cho người lao động từ tháng 7 đã tăng 15%, bao gồm cả tiền lương điều chỉnh theo quy định mới về lương tối thiểu và các khoản phụ cấp, tiền làm thêm. Hiện người thấp nhất có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, người cao nhất là trên 15 triệu đồng.

Tăng một đồng cũng làm doanh nghiệp khó khăn, nhưng tăng lương chính là cách động viên, giữ chân người lao động.

"Công ty có chính sách đãi ngộ tốt thì công nhân có thu nhập tốt. Đó cũng là cách giữ chân người lao động", chị Đào Thị Lan Anh, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH may thời trang STAR, KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho hay.


"Chúng tôi hy vọng thu nhập của người lao động sẽ tăng lên khoảng 12 - 15% từ nay đến cuối năm. Như vậy, phần nào góp phần cho người lao động đỡ mối lo, gánh nặng trong thời kỳ khó khăn như thế này", bà Đỗ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Tổ chức Hành chính Công ty TNHH may thời trang STAR, KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nói.

Tăng một đồng cũng làm doanh nghiệp khó khăn, nhưng tăng lương chính là cách động viên, giữ chân người lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)


Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tăng lương cho người lao động, vì vậy theo các chuyên gia, người lao động cần thông qua công đoàn đàm phán với giới sử dụng lao động để có mức thu nhập phù hợp.


Trong tình hình tuyển dụng khó khăn như hiện nay, thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng thu hút lao động đến với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều người lao động cần là mỗi lần tăng lương, họ sẽ nhận được giá trị tăng thực tế chứ không phải là tăng các khoản đóng góp cho doanh nghiệp, còn tổng thu nhập không đổi.


Ổn định sản xuất để tăng thu nhập

Doanh nghiệp nếu không có thêm chế độ để giữ chân lao động thì việc thiếu nhân công là hiển nhiên, bởi hiện nay có một tình trạng phổ biến là người lao động sẵn sàng rời bỏ công ty mà mình gắn bó chỉ vì ở nơi khác có thời gian làm thêm nhiều và mức lương thực nhận cao hơn. Điều này khiến các nhà máy rơi vào vòng luẩn quẩn là phải tuyển dụng mới nhiều, chèo kéo lao động của nhau, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Vậy giải pháp là gì?

"Doanh nghiệp phải quan tâm tới người lao động, chính là quan tâm để phát triển doanh nghiệp vì người lao động yên tâm sản xuất, nỗ lực phấn đấu tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới phát triển được. Việc này cũng gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Công nhân lao động cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc tăng năng suất lao động để sản xuất. Doanh nghiệp có phát triển thì thu nhập mới tốt hơn", ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, nhận định.

"Các bên điều chỉnh tăng tiền lương tương ứng, đồng thời chúng ta cần tiếp tục kiềm chế lạm phát. Đây là vấn đề đảm bảo tiền lương. Khi doanh nghiệp tăng lương, nếu giá cả tăng thì tiền lương cũng không tăng hơn bao nhiêu", ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói.

Các ý kiến đều nhấn mạnh người lao động và chủ sử dụng lao động cần cùng nhau đàm phán mức lương, làm sao để mức lương thực nhận phải tăng từ 7 - 15% và quan trọng hơn nữa là giá cả hàng hóa phải giữ được ổn định.


Chỉ số lạm phát của Việt Nam giữ được như hiện nay cũng đã là cố gắng của Chính phủ, cùng với các chính sách khác như hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp... Phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, ổn định cuộc sống của công nhân vẫn sẽ luôn là ưu tiên trong thời gian tới.

Dịch COVID-19 khiến thu nhập của người dân giảm sút. Cùng đó, giá cả hàng hóa tăng cao khiến nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình lại càng khó khăn hơn.

Chia sẻ Facebook