Công nhân nêu nhiều bức xúc: Bị nợ lương, mua nhà xã hội 3 năm chưa được nhận…
18 ý kiến của cử tri công nhân nêu ra tại buổi tiếp xúc như thiếu trường mầm non công lập cho con em công nhân; vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội thiếu, diện tích mỗi căn nhà ở xã hội quá nhỏ gây khó khăn cho sinh hoạt gia đình.
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh ngành nghề may mặc xuất khẩu mà nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm không trả; công nhân mua nhà ở xã hội nhưng 3 năm rồi chưa nhận được nhà, công ty hứa hẹn nhiều đến nay vẫn chưa giải quyết… Đây là những vấn đề được công nhân nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Đà Nẵng.
Ngày 14/5, truyền thông trong nước đưa tin Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng phối hợp với Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động
Buổi tiếp xúc có 200 công nhân đại diện cho gần 70.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng.
Nhiều nơi tập trung đông công nhân như khu vực Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ; khu vực quận Liên Chiểu thiếu các thiết chế văn hóa dành cho công nhân và con em công nhân. Một số công nhân bày tỏ bức xúc khi mua nhà ở chung cư xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Khánh của Công ty địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước gần 3 năm mà vẫn chưa nhận được nhà…
Công nhân mua nhà ở xã hội 3 năm chưa được nhận nhà
Cử tri Phạm Thị Tường Vi, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng nêu ý kiến: “ Hiện nay, công nhân mua nhà ở xã hội của Công ty địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước, hẹn đi hẹn lại rất nhiều lần, giao nhà không đúng hạn cho công nhân cũng đã gần 3 năm rồi. Với tình trạng giao nhà trễ như vậy thì công nhân rất bức xúc về tiền lãi ngân hàng, về vấn đề nhà ở và thuê trọ nữa.”
Trả lời ý kiến cử tri, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng các ý kiến của công nhân vừa nêu là vấn đề đã và đang gây bức xúc kéo dài thời gian qua. Hiện nay, TP. có gần 70.000 công nhân lao động với nhu cầu cần khoảng 28.000 căn hộ cho công nhân, TP. chưa thể đáp ứng được. Ngoài ra, vấn đề nhà trẻ cho công nhân cũng là chuyện rất đáng lưu tâm.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các cấp chính quyền TP. cần đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân: “Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở xã hội của thành phố. Chúng ta đã có Nghị quyết chiến lược phát triển nhà ở rồi, giờ vấn đề làm sao dành nguồn lực và đề xuất chính sách hợp lý, phù hợp với nhu cầu của công nhân để giải quyết câu chuyện nhà ở xã hội. Đây là câu chuyện phải quan tâm và thực hiện.”
Câu trả lời của ông Triết có vẻ chưa đúng trọng tâm và chưa giải đáp được những khúc mắc của nữ công nhân nêu ra.
Giám đốc công ty bỏ trốn 5 năm, người lao động chịu thiệt thòi
Cử tri Huỳnh Thị Bình phản ánh vào ngày 21/7/2018, Giám đốc Công ty TNHH MTV TBO Vina, nơi chị từng làm việc thông báo cho toàn bộ người lao động nghỉ phép đến hết ngày 30/7/2018.
Kể từ đó, Giám đốc Công ty Kim Sang Bong đã bỏ trốn, tính đến nay đã 5 năm, trong khi doanh nghiệp còn nợ người lao động một phần tiền lương tháng 6, toàn bộ lương tháng 7/2018 và nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.
Người lao động đã nhờ Công đoàn TP., Công đoàn khu công nghệ cao và các khu công nghiệp khởi kiện Công ty đòi quyền lợi. Đến tháng 5/2022, người lao động mới được giải quyết tiền lương.
Tuy nhiên, tài sản của doanh nghiệp bán được không đủ trả tiền bảo hiểm nên từ đó đến nay, chế độ BHXH của người lao động chưa được giải quyết.
“Vì vậy, tôi mong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp đảm bảo quyền lợi để tôi và nhiều công nhân khác được đảm bảo chế độ khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giải thể”, chị Bình kiến nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết vụ việc Công ty TBO xảy ra năm 2018 đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tổng nợ BHXH và tiền lương của doanh nghiệp trên là 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản sau khi thanh lý chỉ được khoảng 1,5 tỷ đồng, không đảm bảo các quyền lợi của người lao động.
Do đó, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư. Theo quy định, khi Sở Kế hoạch Đầu tư có văn bản xác định hiện không có người đại diện theo pháp luật của công ty thì cơ quan bảo hiểm mới chi trả chế độ BHXH một lần cho người lao động.
“Sự việc này cho thấy cuối cùng, người lao động vẫn là đối tượng bị thiệt thòi, cả về chế độ BHXH và tiền lương, dù Sở đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ gần 500 triệu đồng để đóng các chế độ cho người lao động”, ông Nam nói.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đề xuất TP. kiến nghị cơ quan lập pháp xây dựng thêm những quy định ràng buộc trách nhiệm với các chủ sử dụng lao động.
Ông Nam dẫn chứng, Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động phải ký gửi 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ số tiền này nhưng không được rút tiền gốc và khi xảy ra các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, cơ quan Nhà nước có đặc quyền sử dụng quỹ đó.
Khánh Vy (t/h)
Thanh Hóa: 551 công nhân bị nợ lương hơn 4,2 tỷ đồng trong dịp Tết 3 doanh nghiệp ở Thanh Hóa còn nợ lương của 551 công nhân với tổng số tiền nợ hơn 4,2 tỷ đồng.