Công nhân kêu khổ giữa ‘bão giá’ và tín dụng đen ‘khủng bố’
Ngày 23-6, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh với hơn 150 công nhân, người lao động đại diện cho 66.000 lao động tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công nhân than bão giá bủa vây.
Chị Đỗ Thị Kim Yến, công nhân Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang, trình bày ý kiến tại buổi đối thoại - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tại hội nghị, các ý kiến của công nhân, lao động nêu xung quanh 14 nhóm vấn đề được công nhân quan tâm như: tình hình giá cả, đời sống, việc làm; các chính sách chăm lo, an sinh xã hội; chính sách về nhà ở xã hội cho công nhân lao động; tín dụng đen hoành hành; chăm sóc, sức khỏe y tế; mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Chị Đỗ Thị Kim Yến, công nhân Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang, đặt vấn đề hiện nay giá xăng tăng đột biến nhưng lương chưa tăng khiến đời sống công nhân khốn khổ hơn giữa "bão giá".
"Người lao động cầm 6 triệu đến 7 triệu đồng rất khó sống trong bối cảnh vật giá leo thang hiện nay. Do đó, tôi đề nghị tỉnh làm thế nào có kênh phân phối hàng hóa cho công nhân mua hàng chất lượng và giá thấp hơn so với thị trường", chị Yến nói.
Còn anh Nguyễn Trung Anh, công nhân Công ty TNHH Kovie - Vina, nói: "Hiện nay tín dụng đen vẫn còn lộng hành với những kiểu đe dọa, khủng bố bằng lời lẽ nhục mạ qua tin nhắn cho người vay, kể cả người thân và những người liên quan đến người vay tiền gây bức xúc. Kiến nghị UBND tỉnh có những chỉ đạo để hạn chế nạn tín dụng đen tại khu công nghiệp".
Phát biểu tại buổi gặp, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết đây là lần thứ 7 đối thoại giữa công nhân, người lao động với lãnh đạo tỉnh An Giang do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Mục tiêu vẫn là giúp người lao động có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Đối với nhà ở xã hội, trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ công bố thì TP Long Xuyên được Chính phủ chọn là 1 trong 8 đô thị hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Trong đó, chúng ta có 8 dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Lúc này, chúng ta sẽ xây dựng nhiều khu nhà ở xã hội và giải quyết nhà ở cho công nhân lao động. Thêm vào đó, các dự án lớn đều có quy định phải dành 20% đất xây dựng nhà ở xã hội nữa", ông Bình nói.
Trả lời về tín dụng đen, ông Bình khẳng định: "Vấn đề tín dụng đen ở An Giang không gay gắt như các tỉnh, TP lớn. Tuy nhiên UBND tỉnh đã chỉ đạo công an và các ngành khẩn trương triệt phá tín dụng đen. Vì tình trạng này không chỉ hoành hành ở khu công nghiệp mà còn rải rác ở vùng nông thôn. Chính quyền các cấp phải vận động nhân dân mạnh dạn tố giác tội phạm. Nếu gặp người nào phát tờ rơi hay dán tờ cho vay ở các trụ điện thì báo ngay cho công an để ngăn chặn tín dụng đen".
Tại buổi đối thoại với 500 doanh nghiệp vào chiều nay 15-9, bí thư Tỉnh ủy Long An đã giải thích thêm nhiều vấn đề xoay quanh việc phục hồi sản xuất của tỉnh này.