'Công nghiệp 4.0 nhưng cảng cả lớn Tam Quan làm việc 0.4'

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:30:44

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp về khó khăn của ngành được thảo luận, tìm giải pháp trong Hội nghị toàn thể hội viên năm 2022 do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 22-6, tại TP.HCM.


Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và đại diện nhiều doanh nghiệp tham dự.


Phát biểu tại hội nghị, về vấn đề khai thác thủy hải sản trong tương lai, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, tổng giám đốc Công ty Hải Nam, chia sẻ câu chuyện có chuyến đi thực tế hơn 10 ngày ở miền Trung và làm việc với cảng cá, ngư dân.


"Ghe đi trên biển có thiết bị giám sát hành trình, nhưng ngư dân chủ quan đi đánh bắt thì tự phát, tắt định vị. Về cảng cá, khi tới cảng cá Tam Quan (tỉnh Bình Định) là cảng lớn, có thuyền bè nhiều nhưng văn phòng sơ sài, anh em làm với lượng công việc khủng khiếp, nhưng chỉ bằng tay. Công nghiệp 4.0 nhưng làm thì 0.4", bà Sắc nói.

Để nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, bà Sắc kiến nghị giải pháp: "Cần có hệ thống số hóa phần mềm hệ nghề cá. Trong vấn đề cảng cá, Chính phủ tập trung tài chính vào nghề cá, tàu thuyền, củng cố cơ sở hạ tầng, đặc biệt cần có chợ cá đấu giá".


Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Tài, tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến Ngọc Trí, trình bày về đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang 85 thị trường, và giải thích những nguyên do cũng như "hậu trường" để có doanh số trên 1,8 tỉ USD, tăng trưởng ấn tượng 41% so với cùng kỳ năm 2021.


Ông Tài đưa ra những khó khăn, dự đoán những tháng về sau ở thị trường Mỹ, thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Trước những cơ hội về nhu cầu thị trường tăng mạnh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; nhà hàng, du lịch, khách sạn mở cửa, trong khi thiếu tôm nguyên liệu, tôm giá cao, thiếu lao động, đơn hàng…


Ông Tài đề nghị: "Phải sắp xếp lại sản xuất, chuyển sang chế biến hàng giá trị gia tăng để giảm áp lực nguyên liệu; tiết giảm những chi phí không cần thiết".


Về nhập khẩu nguyên liệu, bà Cao Thị Kim Lan, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), cho rằng năm 2022 rất thiếu nguyên liệu. Do vậy, theo bà Lan, nhập khẩu nguyên liệu cần chương trình mang tính chiến lược quốc gia thì nguồn nguyên liệu mới hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định.


"Chẳng hạn ở tỉnh Bình Định, nguyên liệu xuất khẩu là cá ngừ đại đương chiếm 70%, hiện nay các doanh nghiệp nâng giá trị gia tăng, sản phẩm tăng. Nhưng thiếu nguyên liệu, hợp đồng ký rất nhiều, lực lượng khai thác đánh bắt cũng giảm. Một năm đi được 5 chuyến biển, 3-4% huề vốn và coi như lỗ hết.


Các hợp đồng ký nhưng không có hàng giao, do chi phí xăng dầu tăng cao, do lạm phát… những mặt hàng sẽ giảm nhiều. Tháng 7, khách hàng ký nhưng hủy hợp đồng nhiều nên giảm đơn hàng cho sắp tới. Làm sao có chương trình chiến lược mang tầm quốc gia?", bà Lan chia sẻ.


Trước những ý kiến thảo luận của doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ chiến lược ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường và mong các doanh nghiệp ghi số điện thoại của bộ trưởng từ Zalo, Viber để nhắn trình bày nếu có ý kiến, vấn đề.

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt trên 4,7 tỉ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021. Cũng với mốc thời gian này, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang tất cả thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số, tăng 16-90% so với cùng kỳ năm 2021.

4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 894 triệu USD, tăng 89,6% so với cùng kỳ 2021. Dù thị trường cá tra thế giới đang có chiều hướng tốt, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu.

Chia sẻ Facebook