Công nghệ xây dựng chống động đất tại Nhật Bản

Chia sẻ Facebook
15/09/2023 06:26:46

Sau trận động đất ở Kobe năm 1995 khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, Nhật Bản đã nhận thấy cần phải chống động đất với các ngôi nhà gỗ cũ và mới.

Cách đây đúng 100 năm, vào năm 1923, một trận động đất kinh hoàng có độ lớn 7,9 đã xảy ra tại khu vực quanh thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Đại thảm họa đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 105 nghìn người, phá hủy 370 nghìn ngôi nhà và trở thành thảm họa lớn nhất sau Thế chiến thứ nhất.

Hậu quả trận động đất bị nhân lên đến mức khủng khiếp như vậy một phần là do các công trình tại Nhật Bản thời bấy giờ chủ yếu là các loại nhà gỗ, khả năng chống chịu động đất kém.

Giờ đây, sau một thế kỷ, nhờ kỹ thuật xây dựng hiện đại và sự chủ động của cộng đồng, những ngôi nhà chọc trời, có khả năng chống chịu động đất mạnh đã mọc lên tại Tokyo.

Tòa tháp Toranomon Hills Mori được xây dựng vào năm 2014, với độ cao 247 mét, là một trong những tòa nhà được trang bị hệ thống chống rung tiêu chuẩn tại Tokyo, bao gồm 516 hệ thống giảm chấn dầu bố trí khắp tòa nhà, gồm một hình trụ dày dài 1,7 mét.

Ông Kai Toyama - Kiến trúc sư tòa nhà Mori Building: 'Đây là mô hình pít tông giảm chấn dầu, thiết bị thật lớn hơn rất nhiều, nó co giãn và co lại nhiều lần khi có động đất. Sau đó, nó bắt đầu nóng lên, đồng nghĩa với việc năng lượng bị tiêu hao của trận động đất chuyển thành nhiệt và được giải phóng. Nhờ đó, độ rung của toàn bộ tòa nhà có thể được kiểm soát'.

Ngoài kỹ thuật 'chống xóc' cho các tòa nhà cao tầng bằng hệ thống pít tông dầu, các kỹ sư Nhật Bản còn sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như đệm cao su khổng lồ đặt dưới móng đế, thiết kế các con lắc nặng hàng trăm tấn giảm độ rung chấn. Các khu trú ẩn, dự trữ thực phẩm cũng được bố trí trong các tòa nhà cao tầng.

Ông Takashi Hosoda - Quản lý Văn phòng khẩn cấp, thiên tai Tòa nhà Mori Building: 'Khi xảy ra trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản năm 2011, chúng tôi nhận thấy tình trạng giao thông hỗn loạn đã xảy ra và rất nhiều người không thể về nhà. Kể từ thời điểm đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bị mắc kẹt với các nhu yếu phẩm như đồ ăn, nước uống'.

Sau trận động đất ở Kobe năm 1995 khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, Nhật Bản đã nhận thấy cần phải chống động đất với các ngôi nhà gỗ cũ và mới. Ngoài việc diễn tập chống động đất hàng năm, các khu vực lánh nạn, trú ẩn được bố trí tại tất cả các khu vực cư dân tại Tokyo, khu vực trú ẩn được bố trí các vật dụng để duy trì cuộc sống và cứu nạn. Tính đến ngày 1/4 năm nay, Tokyo đã dự trữ 9,5 triệu suất ăn liền trong khoảng 400 nhà kho và các khu vực trú ẩn.

Ông Hironori Murayama - Nhân viên hành chính phường Arakawa, Tokyo: 'Ở khu vực này, nhiều ngôi nhà cũ vẫn còn, chưa được xây dựng lại và khoảng 60% diện tích phường là khu tập trung nhà gỗ... Do vậy, biện pháp quan trọng nhất là làm cho khu phố, các tòa nhà trong khu có khả năng chống cháy tốt hơn, vững chắc hơn và không bị phá hủy dễ dàng. Thứ hai là mở rộng đường phố nơi người dân dễ dàng sơ tán'.

Luật Xây dựng của Nhật Bản quy định chặt chẽ về chống chịu động đất khi xây dựng các tòa nhà, nhà ở và các cơ sở hạ tầng. Các quy định chống động đất trong xây dựng của Nhật Bản là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Chia sẻ Facebook