Công nghệ bắt việt vị bán tự động 5 lần 7 lượt 'từ chối' đội tuyển Argentina, khiến Messi ngậm ngùi nhìn Saudi Arabia chiến thắng hoạt động thế nào?
Khởi đầu trận đấu với thế dẫn trước, Messi cùng các đồng đội bất ngờ bị công nghệ bắt việt vị níu chân và cuối cùng chịu thua trước các cầu thủ Saudi Arabia.
Chỉ trong 45 phút hiệp 1, đội tuyển Argentina đã có tới 7 lần việt vị. Đây là thành tích hiếm có trong lịch sử một hiệp tại các trận đấu thuộc World Cup. Kỷ lục số lần việt vị nhiều nhất trong một trận đấu thuộc về Hà Lan, khi các học trò của HLV Louis van Gaal đã bị bắt việt vị tới 13 lần.
Đặc biệt, Lionel Messi và Lautaro Martinez bị tước tổng cộng 3 bàn vì công nghệ việt vị bán tự động.
Được biết, công nghệ bắt việt vị bán tự động là một trong những công nghệ hiện đại nhất được sử dụng tại World Cup 2022. FIFA đã ứng dụng công nghệ mới này nhằm giúp đơn giản hóa các tình huống bắt việt vị nhạy cảm tại World Cup 2022.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) hoạt động dựa trên mạng lưới 12 camera quang học chuyên dụng được ban tổ chức bố trí quanh sân vận động và tất cả được đồng bộ hóa. Dữ liệu theo dõi sẽ xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần mỗi giây.
Sau đó, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ đảm nhận việc thu thập, phân tích và gửi dữ liệu tới bộ phận theo dõi. Từ đó, tổ theo dõi VAR (công nghệ hỗ trợ trọng tài) có thể đưa ra những gợi ý cho trọng tài chính trên sân trong việc xác định một cầu thủ đã việt vị hay chưa.
FIFA ước tính công nghệ phát hiện việt vị này sẽ giúp cắt giảm thời gian đưa ra quyết định từ mức trung bình 70 giây bằng việc xem lại băng hình ngoài đường biên hiện tại xuống còn 20- 25 giây. Ngoài ra, FIFA còn dự định sẽ cho khán giả có mặt trên khán đài cũng như những người theo dõi qua truyền hình xem một minh họa 3D về quyết định, nhiều khả năng vào giờ nghỉ tiếp theo sau tình huống.
Công nghệ này ngay lập tức phát huy tác dụng ở trong trận khai mạc World Cup 2022. Cầu thủ Enner Valencia đã có tình huống ghi bàn trong hiệp một vào lưới đội chủ nhà Qatar, song tình huống này đã bị từ chối bởi trước đó đã có một cầu thủ Ecuador rơi vào thế việt vị. Tình huống việt vị này tương đối nhạy cảm, nhưng nhờ vào công nghệ bắt việt vị bán tự động, trọng tài chính điều khiển trận đấu đã có thể đưa ra kết quả chính xác.
Tại giải Ngoại hạng Anh, trước mùa giải 2021/22, từng có nhiều trường hợp cầu thủ bị thổi việt vị do phần mũi giày, mũi cầu thủ hay phần ống tay áo qua vạch của VAR.
Tuy nhiên, bước sang đầu mùa giải năm ngoái, ban tổ chức Premier League quyết định điều chỉnh về đường kẻ việt vị, mang đến lợi thế hơn cho các cầu thủ tấn công trong những pha bóng bị thổi việt vị. Tổ VAR của Premier League sử dụng các đường kẻ đậm hơn, để giúp các cầu thủ tấn công có nhiều xác suất không rơi vào thế việt vị hơn so với cách xác định trước. Song, tại World Cup 2022, FIFA sử dụng hoàn toàn công nghệ 3D để xác định lỗi việt vị của cầu thủ nên tính chính xác lên tới từng mm.
Bên cạnh đó, trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022 cũng vô cùng đặc biệt. Trái bóng có tên là Al Rihla, sử dụng một bộ cảm biến để truyền dữ liệu 500 lần mỗi giây đến phòng VAR, giúp đo lường quán tính giúp phát hiện chính xác thời điểm trái bóng được di chuyển.
Điều này không ảnh hưởng tới hiệu suất hoặc đường đi của trái bóng. Công nghệ trên cũng cung cấp các phản hồi trong suốt trận đấu. Ngoài ra, nó có một bộ pin tích hợp giúp hoạt động và được sạc bằng cảm ứng.
Hai công nghệ này kết hợp với nhau để theo dõi di chuyển của từng cầu thủ và "thời điểm bóng rời chân" chính xác trong thời gian thực bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo.