Công khai Việt Á nhập kit test TQ giá 0,955 USD, CDC đã không mua với giá như thế

Chia sẻ Facebook
15/06/2022 00:03:50

ĐB nói nếu hải quan công khai thông tin Việt Á nhập kit test Trung Quốc giá 0,955 USD, chắc chắn không để các tỉnh mua theo giá Việt Á bán.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay nếu hải quan công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc về với giá 0,955 USD/kit thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua giá như giá Việt Á bán.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nêu ý kiến tại buổi thảo luận sáng 14/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào sáng 14/6, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng tất cả quyết định liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai, trừ trường hợp bí mật nhà nước

Ông Cường nhận định nhìn lại các “đại án” tham nhũng thời gian qua, nếu làm tốt dân chủ cơ sở sẽ tránh được vi phạm phải xử lý.


“Ví dụ như vụ kit test Việt Á, nếu như thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin là nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và Hải quan cũng công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá 0,955 USD/test thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua giá như giá Việt Á bán”, ông Cường đưa ra ý kiến.


Hoặc vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội (Nguyễn Đức Chung – chú thích) mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước, theo ông Cường, nếu công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho TP thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm.

Ông Cường cho hay nhìn lại tất cả những cái vụ án tham nhũng như đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… đều có điểm chung thực hiện rất đúng quy trình, có đầy đủ các cơ quan chức năng tham gia định giá…, nhưng cũng đều không minh bạch, không được công khai cho người dân biết. Khi có sai lầm, người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi, không chính thống, để rồi đồn thổi lại thành sự thật.


“Nếu công khai cho dân biết thì tất cả những vụ này đều có thể được ngăn chặn từ trước”, ông Cường nói.

Từ đó, ông Cường đề xuất 2 nội dung về việc công khai và phương thức công khai. Về công khai, ông Cường nêu về nguyên lý cứ bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước.


Ông Cường đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới. “Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”, đại biểu nhấn mạnh.

Về phương thức công khai, ông Cường nói dự thảo luật nêu 8-10 kênh, có đại biểu nói không nên quy định công khai trên loa, hay Viber, Zalo… Ý kiến này theo ông Cường là đúng, bởi hôm nay có Zalo thì hôm sau có cái khác, nếu chỉ quy định như thế sẽ không bao giờ theo kịp sự phát triển của xã hội.

Do vậy, ông Cường đề nghị không quy định phương án cụ thể mà quy định người quản lý có trách nhiệm lựa chọn phương thức thông tin, đảm bảo một tỷ lệ tối thiểu người dân được biết thông tin.

Công ty Việt Á: Nâng khống giá kit lên khoảng 45%; chi ‘hoa hồng’ gần 800 tỷ đồng

Cần tập trung vào khái niệm dân chủ ở khía cạnh quan hệ giữa chính quyền và người dân

Phát biểu tranh luận về ý kiến mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với hai loại hình chính thức là cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng dự thảo Luật cần tập trung vào khái niệm dân chủ ở khía cạnh quan hệ giữa chính quyền và người dân.

Ông Nghĩa cho hay nghị quyết Đảng nêu rõ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, để giải quyết tình trạng mất dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước và nhân dân.

Theo đó, nếu phạm vi áp dụng của luật này mở ra quá rộng, liên quan đến những loại quan hệ đã được điều chỉnh bằng Hiến pháp và các luật khác thì sẽ có nguy cơ làm xáo trộn quan hệ xã hội đã và đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bởi các đạo luật khác.

Ông Nghĩa nêu ví dụ, quan hệ giữa người dân với nhau thì đã có Hiến pháp và Bộ luật dân sự điều chỉnh rất đầy đủ. Trong quan hệ dân sự, có những nội dung không thể giải quyết bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Khi người dân tham gia quan hệ lao động, là người lao động, đã có Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn quy định… Người sử dụng lao động và người lao động bình đẳng với nhau bằng hợp đồng lao động, nếu có vi phạm về tranh chấp thì có công đoàn, trọng tài lao động và Tòa án giải quyết…

Theo đại biểu, trong những luật hiện hành đã xử lý nội dung về quan hệ dân chủ ở trong đó, ví dụ như giữa giám đốc và công nhân, giữa hợp tác xã và xã viên, giữa Hội đồng quản trị và các cổ đông… nên việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là không phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị thay thế cách phổ biến thông tin tới cộng đồng qua loa truyền thanh để tránh gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ờ cơ sở sẽ tiếp tục được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, diễn ra vào tháng 10/2022.


Nguyễn Quân

Dự án nghìn tỷ được TTCP sửa kết luận không thu hồi đã "thổi bay" hơn 257ha rừng 5 năm (2011-2016), dự án KĐT thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh (Lâm Đồng) phá mất hơn 257ha rừng.

Chia sẻ Facebook