Công khai tiền lương - nước đi mất lòng đồng nghiệp, khiến sếp khó xử
Tiền lương là một trong những vấn đề nhạy cảm ở công ty. Nếu cứ ngang nhiên công khai thì chẳng mấy chốc xuất hiện lục đục nội bộ. Đây cũng là lý do nhiều chỗ làm nghiêm cấm nhân viên nói chuyện tiền lương.
Công sở là chốn "nhìn đâu cũng có drama", chỉ cần không khéo một tí là có thể bị anh em đồng nghiệp xa lánh, khó chịu. Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất chỗ làm có lẽ phải kể đến chuyện lương thưởng.
Chẳng cần biết thân thiết cỡ nào, nhưng đã động đến quyền lợi thì rất khó làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu cứ thẳng thắn công khai mọi thứ, chắc chắn sẽ gây ra lục đục nội bộ, chưa kể sếp còn phải đối mặt với sự khó xử không đáng có.
Tiền lương - thứ dễ gây mất hòa khí nhất công ty
Hầu hết những người đã đi làm lâu năm đều khuyên rằng "đừng bao giờ công khai chuyện tiền lương tại công ty". Không phải vì họ muốn giấu kín cho riêng mình mà thực tế làm vậy một phần là để giữ hòa khí giữa anh em đồng nghiệp. Chỉ cần chênh nhau một chút thôi cũng đủ dẫn đến sự không thoải mái, thậm chí ghen ghét, khó chịu ra mặt.
Điển hình như câu chuyện của cô bạn H.M (26 tuổi, một member của Cột sống Gen Z ) kể: "Đợt đấy đi làm có một chị đồng nghiệp cũng gọi là thân thiết, suốt ngày tan làm là rủ nhau đi ăn uống, mua sắm. Có đợt tự nhiên chị ấy hỏi lương, mình cũng đã suy nghĩ mãi có nên nói hay không rồi. Sau thấy chị ấy năn nỉ nhiều quá, lại nghĩ chắc thân nhau nên không sao, thế là mới nói ra. Ai ngờ ngày hôm sau thấy chị ấy lên gặp sếp hỏi tại sao mình với chị ấy lại chênh lệch lương như thế. Tự nhiên bản thân bị mang tiếng nhiều chuyện, sếp còn gọi thẳng mình vào phòng nhắc nhở.
Còn mình với chị đồng nghiệp kia thì coi như cạch mặt nhau hẳn luôn. Mấy lần còn bị chị ấy nói bóng nói gió là không làm gì vẫn có lương cao. Từ đấy rút kinh nghiệm sâu sắc, có thân như người nhà cũng không dám nhắc đến lương. Gì thì gì chứ cứ động đến lợi ích của nhau cái là biết mùi ngay."
Hiện nay có rất nhiều công ty không muốn nhân viên công khai mức lương của mình. Bởi họ lo sợ rằng nếu biết lương có sự chênh lệch, một số nhân sự sẽ cảm thấy không hài lòng, dẫn đến sự ghen ghét, đố kị và cuối cùng là giảm sút hiệu suất làm việc.
Wall Street Journal đăng tải, theo ông James Flynn - người đang học tiến sĩ tại Đại học Colorado (Mỹ), khi người lao động cảm thấy bị đánh giá thấp, họ thường ưu tiên những công việc “hào nhoáng”, dễ tính toán hơn, dù bản thân biết hành động đó có nguy cơ khiến công ty phải trả giá đắt. Giáo sư David Card (Đại học California, Berkeley) cũng cho biết thêm, khả năng nhảy việc ở những người nhận lương thấp hơn đồng nghiệp thường cao hơn so với nhóm người lao động khác.
Còn chuyên gia Tucker tiết lộ: "Các nhà tuyển dụng và bộ phận nhân sự rất khó chịu khi các nhân viên thảo luận với nhau về mức lương, vì nó thường gây hại nhiều hơn lợi. Bất cứ ai biết mức lương của bạn có thể sử dụng thông tin đó để đòi mức lương cao hơn cho chính họ, và rồi những người khác sẽ biết bạn đã chia sẻ thông tin đó. Thế nên, cần tự mình quyết định xem đó có phải là rủi ro mà bạn sẵn sàng chấp nhận hay không".
Cũng vì cảm thấy bất công nên một số nhân viên còn sẵn sàng đối chất thẳng với sếp nhằm đòi quyền lợi xứng đáng cho bản thân. Điều đó vô tình khiến cho người lãnh đạo rơi vào tình huống khó xử, không biết phải làm sao mới có thể vừa lòng tất cả.
Muốn yên ổn đừng công khai tiền lương
Không phải tự nhiên nhiều người lại khuyên rằng "đừng coi công ty là nhà, đồng nghiệp là chị em". Bởi lẽ, chốn công sở có đủ thứ rắc rối, chỉ cần xử sự sai một chút cũng có thể dẫn đến một đống hệ lụy đau đầu. Chuyện lương thưởng cũng vậy, bằng nhau thì không nói, nhưng nếu có gì đó không ổn là y như rằng lục đục nội bộ ngay.
Trong bài viết "Mệt mỏi khi đồng nghiệp thường xuyên dò hỏi chuyện lương bổng" được đăng tải trên YAN cũng nói rõ: "Việc hỏi han nhau về tiền lương là điều cấm kỵ ở phương Tây. Nếu để công ty biết rằng bạn đi nói chuyện tiền lương của mình với những người khác, rất dễ dàng bị sa thải. Trong những mối quan hệ xã giao của một xã hội văn minh, mọi người luôn cố gắng để không làm tổn thương đến người đối diện, vì vậy để không gặp phải tình huống trở thành người “kém văn minh”, tốt nhất nên không hỏi về mức lương của người khác."
Cách tốt nhất là làm theo quy định của công ty, nếu sếp không cho công khai, mọi người nên tuân thủ theo. Dù đồng nghiệp xung quanh có năn nỉ đến mấy cũng đừng để bản thân mềm lòng, hãy khéo léo từ chối thẳng. Thà rằng mất lòng một số người còn hơn bị cả công ty đánh giá thiếu chuyên nghiệp.
Mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau về việc công khai lương thưởng. Tuy nhiên, dù thế nào cũng đừng khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử. Hãy cứ tỏ ra vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người nhé.
Không phải tự nhiên nhiều người lại phải học những quy tắc ứng xử nơi công sở. Làm hài lòng lãnh đạo, đồng nghiệp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Thế nhưng, nếu thực hiện những điều này, bạn sẽ có thể lấy được thiện cảm của nhiều người hơn.
Đầu tiên là tránh buôn chuyện, bàn tán không hay về tất cả mọi người. Trong tất cả các mối quan hệ, hãy luôn cư xử một cách lịch sự và chuyên nghiệp, đừng quá suồng sã dù thân thiết đến đâu. Đồng thời hãy tôn trọng không gian làm việc của mọi người, luôn đúng giờ và có thái độ hòa đồng, vị tha.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !