Cộng đồng quốc tế “phản ứng mạnh” việc Nga bắn tên lửa bừa bãi vào khu dân cư Ukraine

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:42:13

Vụ đánh bom cầu Crimea đã khiến Tổng thống Nga Putin tức giận. Hôm thứ Hai (10/10) quân Nga đã tấn công tên lửa bừa bãi chưa từng thấy vào một số thành phố của Ukraine bao gồm cả Kyiv – động thái được ví như “thay đổi bản chất cuộc chiến”.

Nga cho nổ mạng lưới cung cấp điện ở Lviv. (Ảnh chụp màn hình video)


Hôm thứ Bảy (8/10), một vụ nổ đã xảy ra trên cầu có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Nga: cầu Crimea. Sau đó ông Putin đã đổ lỗi cho phía Ukraine, nhưng phía Ukraine chưa thừa nhận trách nhiệm. Cây cầu này là công trình mang tính cột mốc của ông Putin đánh dấu việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.


Ông Putin nói để trả đũa vụ tấn công cầu Crimea, hôm thứ Hai các lực lượng Nga đã tấn công tên lửa tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và thông tin liên lạc của Ukraine.


Ông Putin còn đe dọa sẽ có thêm nhiều vụ đánh bom hơn: “Nếu (Ukraine) tiếp tục thực hiện các hành động khủng bố trên lãnh thổ của chúng tôi, phản ứng của Nga sẽ rất nghiêm khắc và quy mô sẽ tương xứng với mức độ đe dọa đối với Nga”.


Trong một video, ông Zelensky cho biết quân khủng bố Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp đất nước và cảnh báo về khả năng mất điện.

Ukraine: Quân Nga đã bắn ít nhất 75 tên lửa vào các thành phố của Ukraine

G7 tổ chức hội nghị khẩn cấp


Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết các nhà lãnh đạo G7 sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến với Tổng thống Zelensky của Ukraine vào thứ Ba. Đây là cơ hội quan trọng để nhấn mạnh tình đoàn kết của G7 trong việc ứng phó với ông Putin.


Tổng thống Zelensky của Ukraine cho biết trước đó, ông đã nói chuyện với người chủ trì G7 là Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông cũng đã thảo luận về việc phòng không của Ukraine với Tổng thống Pháp Macron.


Ông Zelensky cho biết sẽ phát biểu tại cuộc họp G7. “Bài phát biểu của tôi đã được lên lịch và tôi sẽ nói về vụ tấn công khủng bố ở Liên bang Nga” , ông viết trên Twitter.


G7 bao gồm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ.

Ấn Độ bày tỏ quan ngại sâu sắc


Cựu quan chức cấp cao của Điện Kremlin và cố vấn chính sách Ukraine là Alexei Chesnakov cho biết vụ đánh bom Kyiv và các trung tâm dân cư khác đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Ông ta nói: “Chúng tôi đã bước vào một giai đoạn leo thang”.


Hôm thứ Hai, giới chức Ấn Độ cho biết họ lo ngại về sự leo thang của xung đột giữa Nga và Ukraine. “Ấn Độ bày tỏ quan ngại sâu sắc về leo thang xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng và cái chết của dân thường” , phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trong một tweet.


Ông nhắc lại quan điểm của Ấn Độ rằng “sự leo thang của các hành động thù địch không phải là lợi ích của bất kỳ ai” , đồng thời kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch” và quay trở lại “con đường đối thoại”.


Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine là Yuriy Ihnat cho biết hôm thứ Hai (10/10), quân Nga đã bắn 83 tên lửa từ Astrakhan ở miền nam nước Nga nhằm vào Ukraine, trong đó 43 quả đã bị đánh chặn. Cuộc tấn công còn có các máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất từ ​​Belarus và Crimea.


Thông tin trên chưa được xác minh độc lập, các số liệu đều do quân đội Ukraine công bố.


Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine (SES) cho biết cơ sở hạ tầng quan trọng – chủ yếu là các cơ sở cung cấp năng lượng – ở 8 khu vực và thành phố Kyiv đã bị tấn công, vụ tấn công khủng bố tại đây đã gây bùng phát hơn 30 vụ hỏa hoạn. “Tội ác của vụ tấn công khủng bố là 11 người thiệt mạng và 64 người bị thương ”, SES cho biết thêm.


Vụ tấn công tên lửa của Nga hôm thứ Hai diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo bổ nhiệm một chỉ huy mới của quân đội Nga tại Ukraine là Sergei Surovikin.

Tổng thống Pháp: Bản chất của chiến tranh đã thay đổi


Tổng thống Pháp Macron hôm thứ Hai đã lên án “các cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào dân thường” của quân Nga.


Ông Macron nói: “Đây là một sự thay đổi sâu sắc về bản chất của cuộc chiến này” . Điện Elysee đã xác nhận với CNN về bình luận.


Ông nói thêm rằng sau khi trở về Paris ông sẽ gặp các cố vấn ngoại giao và quân sự để thảo luận về vụ ném bom của Nga.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới


Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng về cuộc tấn công tên lửa sáng thứ Hai vào Ukraine.


Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tuyên bố lên án việc Nga ném bom vào các mục tiêu phi quân sự ở Ukraine và thề rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục khiến Nga phải trả giá.


Một quan chức chính quyền Tổng thống Biden nói với CNN rằng Nhà Trắng đã theo dõi chặt chẽ vụ tấn công “đáng lo ngại” ở Ukraine.


Sau cuộc tấn công kinh hoàng của quân Nga, Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm thứ Hai cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine và nhắc lại ủng hộ của Mỹ đối với Ukraina. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh vững chắc để Ukraine có thể tự vệ và chăm sóc người dân của mình ”, ông Blinken chia sẻ trong một tweet.


Ông Blinken cũng tuyên bố rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã đặt ra “vấn đề sâu sắc về đạo đức” , cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm làm rõ rằng hành động của Putin là không thể chấp nhận được. Ông nói: “Đây là thời điểm để lên tiếng vì Ukraine; đây không phải là lúc để từ bỏ, sử dụng những lời lẽ nhẹ nhàng hoặc ngụy biện trong khi tuyên bố trung lập. Nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hiệp Quốc đang bị đe dọa”.


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án “cuộc tấn công khủng khiếp và bừa bãi của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine”.


Ông Stoltenberg cho biết trên Twitter rằng ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ những người dân Ukraine dũng cảm trong cuộc chiến chống lại xâm lược của Điện Kremlin.


Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì tweet rằng bà “kinh hoàng trước các cuộc tấn công ác độc vào các thành phố của Ukraine ” và thề sẽ sát cánh với Ukraine.


Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là Josep Borrell tweet vào hôm thứ Hai rằng “ hành vi như vậy không có chỗ đứng trong thế kỷ 21” , qua đó cam kết hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine. “Hãy lên án chúng (Nga) bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất”.


Trên Twitter hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Đức cho hay đang chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T SLM đầu tiên cho Ukraine.


Bộ Quốc phòng Đức nói thêm rằng các cuộc tấn công tên lửa mới nhất của Nga vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine “cho thấy tầm quan trọng của khả năng này (hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T SLM) để Ukraine tự vệ”.

ĐSQ Đức ở Ukraine bị tấn công, Đức sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine

Tổng thống Belarus xác nhận việc thành lập lực lượng vũ trang với quân đội Nga


Tổng thống Lukashenko của Belarus thân Putin cho biết Belarus và Nga đã đồng ý triển khai một nhóm lực lượng vũ trang trong khu vực. Tờ Bloomberg cho rằng đó là tín hiệu cho thấy cuộc xung đột kéo dài gần 8 tháng đang ngày càng mở rộng. Nga đã sử dụng Belarus làm vùng trung chuyển cho cuộc chiến xâm lược Ukraine, nhưng quân đội Belarus cho đến nay vẫn chưa tham gia vào cuộc chiến.


CNN đưa tin, Moscow từ chối xác nhận việc triển khai lực lượng chung trong khu vực với Belarus.


Khi được hỏi về bình luận của ông Lukashenko, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa ông Putin và ông Lukashenko đã có các cuộc thảo luận liên tục bao gồm các tương tác quốc phòng trong mọi lĩnh vực”.


Ông Lukashenko cho biết, sau cuộc gặp ở St.Petersburg vào tuần trước, ông ta đã cùng ông Putin quyết định triển khai quân đội để giải quyết tình trạng “xấu đi” của biên giới phía tây của Nga và Belarus, theo truyền thông nhà nước Belarus Belta. Ông Lukashenko nhắc lại rằng nhiệm vụ chính của quân đội của ông là ngăn chặn chiến tranh lan sang Belarus.


Tuyên bố của ông Lukashenko đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước. Belarus cũng tuyên bố rằng Ukraine đã lên kế hoạch tấn công lãnh thổ của mình, điều mà Ukraine phủ nhận.


Tuần trước, ông Lukashenko cho biết “Belarus có tham gia vào cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng không phải là bên quân sự tích cực trong cuộc xung đột”. Ông Lukashenko nói tại một hội nghị quân sự: “Về việc tham gia vào ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở Ukraine, chúng tôi không che giấu đang tham gia, nhưng chúng tôi không giết bất cứ ai. Chúng tôi không gửi quân đi đâu cả. Chúng tôi không vi phạm nghĩa vụ của mình”.


Theo Trương Đình, Epoch Times

ĐSQ Đức ở Ukraine bị tấn công, Đức sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine Đức cho biết tòa nhà Đại sứ quán của họ ở Kyiv, nơi đặt văn phòng thị thực, đã bị tấn công và hư hại

Chia sẻ Facebook