‘Cộng đồng chung vận mệnh’ CCD là gì và vì sao TQ muốn VN đi theo?
‘Cộng đồng chung vận mệnh’ (CCD) là chính sách Chủ tịch Tập chỉ áp dụng cho các nước đang phát triển nhằm tăng quyền 'quản trị thế giới' của Trung Quốc.
Chụp lại hình ảnh, Trẻ em TQ ca múa ở Quảng trường Thiên An Môn
10 tháng 12 2023
Vào hai ngày 12-13 tháng 12 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm sang Việt Nam lần đầu từ sau sáu năm (2017) để nâng cao hơn nữa mối quan hệ Trung-Việt.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc muốn đẩy quan hệ với Việt Nam lên một mức cao hơn ‘đối tác chiến lược toàn diện’, hoàn tất yêu cầu đưa Hà Nội tham gia ‘Cộng đồng chung vận mệnh- Community of Common Destiny’ (CCD), điều TQ thúc giục từ 2017.
Tác giả Sebastian Strangio chú ý đến sự kiện chuyến thăm của ông Tập tuần tới đến Hà Nội diễn ra sau khi Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới thăm hai tháng trước, và nâng cấp quan hệ hai bên lên cấp cao nhất ‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’, ngang với Nga và Trung Quốc.
Hà Nội cũng mới nâng cấp quan hệ với Tokyo lên cấp này vào tuần trước, và sắp làm như vậy với các nước Singapore, Úc và Indonesia, ông Strangio viết.
Như thế, Trung Quốc muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một cấp độ khác, cao hơn cả các nước kia.
‘Cộng đồng chung vận mệnh’ là gì?
Cho đến nay lãnh đạo Việt Nam ít nói về CCD mà dư luận chỉ thấy Bộ trưởng Ngoại giao TQ, ông Vương Nghị nói với báo Trung Quốc vào tuần trước, sau chuyến thăm “dọn đường” cho Chủ tịch Tập sang Việt Nam, rằng hai nước, hai đảng cộng sản “chia sẻ hoài bão và vận mệnh” ( Vietnam and China share the same aspiration and destiny ).
Có thể hiểu rằng ông Vương Nghị lấy quan hệ hai đảng cộng sản là cốt lõi cho quan hệ Trung-Việt.
Nhưng đây chỉ là phần đặc thù trong quan hệ hai quốc gia có thể chế giống nhau mà quyền lợi không giống nhau.
Theo Sebastian Strangio viết trên The Diplomat hôm 08/12 thì ngoại giao Việt Nam đã là “đa phương” (omnidirectional), và Hà Nội “đi từng bước cẩn trọng cân bằng mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh”.
Mặt khác, Trung Quốc đã mời được các quốc gia không hề có đảng cộng sản nắm quyền gia nhập CCD.
Vì thế cần làm rõ hơn khái niệm này có từ đâu và được nêu ra để làm gì, với ai.
Theo TS Trương Đăng Hoa ( Denghua Zhang ), một nhà nghiên cứu ở Đại hoc Quốc gia Australia, thì trên thực tế, từ thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (2012), Trung Quốc đã nói tới “nhu cầu có một cách thức mới để nhân loại cùng phát triển, vì quyền lợi chung, cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích”.
Các câu nói trên đã được đưa vào văn kiện Đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc và trở thành kim chỉ nam cho chính sách đa phương của Trung Quốc trên trường quốc tế, lấy quyền lợi chung là cốt yếu để tìm cách giải pháp hài hòa lợi ích.
Còn tác gia Liza Tobin cho rằng CCD được báo đài Trung Quốc ca ngợi như sáng kiến lý luận lớn của ông Tập Cận Bình cho dù khái niệm này không mới.
Chủ tịch Giang Trạch Dân từ những năm 1990 đã nêu ra Năm nguyên tắc đối ngoại quốc tế cho Trung Quốc, nói về việc chia sẻ tương toàn cầu.
Thậm chí nếu nhìn lại Năm nguyên tắc cùng chung sống do Thủ tướng Chu Ân Lai nêu ra năm 1954, nhắm tạo thế đứng riêng cho CHND Trung Hoa và mời gọi đoàn kết với những nước Á-Phi đang giành lại độc lập sau thời giải thực dân, thì những gì lãnh đạo Trung Quốc ngày nay nên ra cũng không quá khác.
Nhưng theo TS Trương Đăng Hoa, sang thời Tập Cận Bình khái niệm ‘cộng đồng chung vận mệnh’ hình thành rõ nét hơn.
Trong Trung văn, nó là 人类命运共同体-renlei mingyun gongtongti-nhân loại vận mệnh cộng đồng thể, dịch sang tiếng Anh là ‘commuity of common destiny of mankind’ (CCD), nhắm tới toàn nhân loại chứ không nói riêng về nước nào.
Từ thời Tập Cận Bình, CCD ‘có hai mặt’ (double-edged) khi áp dụng vào thời sự quốc tế, TS Trương viết trong bài ' The Concept of‘Community of Common Destiny’in China’sDiplomacy: Meaning, Motives and Implications' (2018).
Đó là ‘chống lại việc thống trị của một quyền lực trong khu vực và trên toàn cầu’ và ‘đẩy cao vai trò quốc tế của Trung Quốc’.
Về vế chống lại ‘bá quyền’, có thể hiểu đây là cách Trung Quốc ngầm chỉ trích Hoa Kỳ và đồng minh, trong bối cảnh các diễn biến trên thế giới giai đoạn 2014-15.
Tuy vậy, vẫn theo Trương Đăng Hoa, Trung Quốc có vẻ như không áp dụng CDD với các nước phát triển mà dành nó cho các nước đang phát triển.
Với các quốc gia như EU, Trung Quốc chỉ kêu gọi họ tham gia “cộng đồng chung lợi ích” (community of common interests- liyi gongtongti), chứ không dùng từ ‘vận mệnh’.
Thậm chí với các đại cường như Anh Quốc, chính ông Tập nói với quan hệ 'cùng phụ thuộc, chung lợi ích' như thể Trung Quốc muốn ngang hàng với Anh, chứ không phải là Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt.
Tuy ngôn từ thay đổi nhưng điều cơ bản vẫn là lãnh đạo TQ muốn làm gì với các “thiết kế” đại ngôn trong Hán văn cho quan hệ quốc tế, và có làm được tới đâu. Theo Trương Đăng Hoa, “động cơ” của CCD là điều Trung Quốc cần làm rõ.
Về tổng thể, Trung Quốc hay nêu ra các mục tiêu khá chung chung, gắn liền với một loạt khái niệm cao đẹp như ‘Vì hòa bình’ (hòa vi quý-he wei gui), vì sự hài hòa con người với thiên nhiên (tianren heyi).
Nhưng chính các tác giả Trung Quốc đã chỉ ra đây là các khái niệm Hán văn mơ hồ, khi dịch sang ngoại ngữ sẽ có các cách hiểu khác nhau.
Ví dụ Trung Quốc nói về ‘Một thế giới’ và giới thiệu với người Âu-Mỹ là ‘One world’ thì nó không nói lên điều gì cả. Ai cũng biết các nước chỉ có một thế giới để mà sống.
Nhưng theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu thì khái niệm này trong Hán văn lại là ‘shijie datong’ – thế giới đại đồng, gợi lại cho người Việt giai đoạn Hán hóa (đại đồng trong nhãn quan Nho giáo), và chia sẻ chung các giá trị lịch sử, văn hóa, hoặc giai đoạn Đảng Cộng sản Trung Quốc gương cao ngọn cờ lãnh đạo Thế giới thứ ba chống lại Liên Xô và Phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.
Cũng cần nói thêm rằng trong Trung văn hiện đại, khái niệm ‘mingyun’ khi được dịch ra tiếng Anh là ‘destiny’ thì người Trung Quốc chỉ hàm ý là “hướng đi chung” (tendency of change), khác với “vận mệnh” trong Hán Việt có nghĩa chủ đạo là số phận.
‘Vận mệnh chung’ vì thế có thể bị hiểu là sống chết không buông nhau, đang gây phản ứng mạnh trên một số trang mạng XH ở VN. Điều này chính thức được giải nghĩa như thế nào thì chưa thấy truyền thông VN làm rõ.
Tuy thế, theo bà Tobin , cần hiểu là để ông Tập bảo tồn sự ổn định chiến lược, giúp Trung Quốc tiếp tục khai thác cơ hội phát triển, phục hưng. Mục tiêu chính là để Trung Quốc “tích cực có vai trò dẫn dắt trong việc cải tổ lại hệ thống quản trị quốc tế ((积极参与引领全球治理体系改革).
Về cơ bản đây là chiến lược thách thức lại trật tự của Hoa Kỳ và đồng minh duy trì bấy lâu nay, theo Liza Tobin viết năm 2018.
Việt Nam cùng chung đội ngũ với Myanmar, Lào và Campuchia?
Tác giả Hoàng Thị Hà từ Viện ISEAS ở Singapore, khi đánh giá CCD của Trung Quốc với ASEAN hồi 2019 cho rằng Bắc Kinh muốn nêu ra tính định mệnh, coi hướng đi của ASEAN và Trung Quốc gắn chặt với nhau. Tuy thế, việc thúc đẩy mạnh từ Bắc Kinh có thể đã gây ra các phản ứng khác nhau trong vùng.
Trả lời BBC gần đây, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Vũ Xuân Khang nói rằng, Trung Quốc đã mong muốn Việt Nam tham gia "cộng đồng chung vận mệnh" trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập vào năm 2017 nên không phải là điều khó hiểu nếu Trung Quốc đặt lại vấn đề này với Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn phát triển ổn định bất chấp các bất đồng trên biển.
Tại Đông Nam Á cho tới nay, Trung Quốc đã ký CCD được với bốn nước láng giềng gần: Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, và một nước láng giềng xa là Indonesia.
Điều dễ nhận thấy, các nước này đều nằm trong chiến lược “láng giềng tốt” (good neighbourhood) của Chủ tịch Tập.
Việc ổn định các vùng biên giới gần sẽ giúp cho Trung Quốc duy trì thế chiến lược lớn, có cơ hội đấu tranh với Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Một số nhà quan sát cho rằng sau khi ký CCD với Trung Quốc năm 2020, tình hình Myanmar không hề tốt lên, thậm chí tồi đi kinh khủng.
Các cuộc chiến ở vùng Bắc Shan sát với Vân Nam từ năm nay nay lan ra phía Tây Bắc và có nguy cơ làm chính quyền quân nhân sụp đổ. Trung Quốc đến nay ngoài việc truy bắt một số thủ lĩnh gốc Hoa ở Kokang, Myanmar vì tội lừa đảo cũng chưa làm được gì hơn để ổn định tình hình cho Myanmar.
Thậm chí, có thể đặt câu hỏi là phải chăng TQ đã mất quyền kiểm soát các quân đội sắc tộc ở vùng biên giới Myanmar, theo ông Lintner trong bài mới đăng hồi tháng 11 năm nay ( Has China Lost Control of Ethnic Armies in Myanmar’s War-Torn Borderland?)
Vẫn về chiến lược ‘láng giềng tốt’ thì chính sách của TQ lại bị căng thẳng Biển Đông với Việt Nam đe dọa làm tan vỡ, theo Trương Đăng Hoa. Đây là lý do Trung Quốc hết sức quan tâm “giải quyết” vấn đề này.
TS Trương nêu quan sát rằng ngoại giao TQ vận hành theo cách chia các vấn đề quốc tế là làm hai nhóm tuỳ vào lời ích cốt lõi (core interests) hay không cốt lõi (non-core interests).
Với các nước như Lào, Campuchia thì Trung Quốc coi là “không cốt lõi” nên chỉ dùng viện trợ nhằm thu hút, gây ảnh hưởng. Còn với các vấn đề Biển Đông, Đài Loan thì đó là lợi ích cốt lõi nên Trung Quốc sẽ không khoan nhượng một chút nào hết, theo Trương Đăng Hoa.
Việc gia nhập hay không gia nhập CCD với Việt Nam như thế đang là một sức ép lớn, TS Vuving Alexander chia sẻ trên X và nói với BBC khi bình luận về chuyến thăm của ông Tập tới đây sang Việt Nam.