Cổng đền di tích cấp quốc gia ở Hải Dương bị phá bỏ, thay bằng cổng sắt

Chia sẻ Facebook
22/03/2022 17:48:49

Đền cổ An Liệt (Thanh Hà) đã bị đập bỏ và thay vào đó là cánh cổng sắt sơ sài, thoạt trông như 1 nhà dân.

Trao đổi với PV VietNamNet sáng nay (22/3), lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương xác nhận đã nắm được việc cổng đền An Liệt được dỡ bỏ thay thế bằng cổng sắt. Việc này xảy ra từ nhiều năm trước. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành để giải quyết, tìm cách phục dựng.

Cổng Đền An Liệt trước và sau khi được trùng tu

Đền An Liệt ở xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà) được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995. Qua thời gian, đền xuống cấp nên nhân dân địa phương và xã Thanh Hải đề xuất trùng tu lại di tích. Việc trùng tu di tích được Bộ Văn hoá cho phép.

Năm 2019, di tích được trùng tu hậu cung, gian trung từ, khu vực sân.

Hình ảnh cổng đền An Liệt khi chưa bị phá bỏ

Tuy nhiên phần cổng đền cổ kính có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc đã bị địa phương này phá bỏ hoàn toàn. Sau đó, cánh cổng sắt được dựng lên thay thế cho đến tận ngày nay.

Theo người dân địa phương xã Thanh Hải, việc phá bỏ hoàn toàn cổng  mà không phải duy tu, bảo vệ 1 phần di tích khiến họ rất xót xa. Bây giờ đi qua đình nhìn thấy cánh cổng sắt sơ sài, vô cảm không khác như 1 nhà văn hoá thông thường hay là 1 nhà dân mới được xây sau này.

Hình ảnh cổng đền hiện tại, sau lần trùng tu năm 2019

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương lý giải: Năm 2018 di tích này xuống cấp. Địa phương đã xìn trùng tu và sửa chữa. Trong đó ghi phần nghi môn (cổng) có hiện tượng vôi vữa rơi ra, hạng mục xuống cấp. Do đó nghi môn sẽ được hạ giải, khôi phục theo như kiến trúc ban đầu. Nhưng do khi sửa chữa bị thiếu kinh phí nên tạm thời để cổng sắt như hiện nay.

Ngôi đền cổ kính xưa, sau cuộc đại tu nhìn hạng mục nào cũng mới, nhiều màu sắc

Điểm a khoản 1 và khoản 2, điều 34 Luật Di sản văn hóa quy định rõ: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo".

Xét theo quy định này, thì ngành chức năng Hải Dương đã làm sai quy định về việc bảo tồn, phục hồi di tích.


Nguyễn Thu Hằng

Chia sẻ Facebook