Công cụ lãi suất điều hành – Bao giờ lại được sử dụng?
Dù chịu nhiều áp lực, nhưng có những cơ sở tin rằng Việt Nam cũng sẽ chưa vội gì thắt chặt chính sách mạnh tay, hoặc sử dụng đến công cụ lãi suất điều hành, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cần phục hồi nhanh hơn và thực tế cho thấy lộ trình phục hồi cũng đang diễn ra tích cực như kỳ vọng.
Công cụ lãi suất điều hành – Bao giờ lại được sử dụng?
Chu kỳ nới lỏng chính sách kết thúc
Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục hút ròng tiền về hơn 100 nghìn tỷ đồng, thông qua kênh phát hành tín phiếu VNĐ và bán ngoại tệ từ kho dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại khi nhiều nhà băng vẫn chưa được nới thêm room, xu hướng hút ròng của nhà điều hành không gây áp lực quá lớn lên thanh khoản của hệ thống.
Cụ thể cập nhật đến ngày 15/8, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm ước tính đạt 9.62%, không có nhiều sự khác biệt đối với mức tăng trưởng 9.35% vào cuối tháng 6 và 9.42% vào cuối tháng 7, dù nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi tích cực. Như vậy, trong 2 tháng rưỡi qua, dư nợ tín dụng chỉ tăng thêm vỏn vẹn 0.27%, tức xấp xỉ 28,200 tỷ đồng, chiếm 2.8% tổng mức tăng của 8 tháng rưỡi qua.
Đáng lưu ý xu hướng hút ròng của nhà điều hành đã diễn ra từ tháng 6 và duy trì đến nay. Trước đó trong tháng 6 NHNN đã bán ra lượng ngoại tệ hơn 10 tỷ USD để ổn định thị trường ngoại hối đang chịu nhiều áp lực, đồng thời nối lại kênh phát hành tín phiếu từ cuối tháng 6 cho đến nay. Như vậy có thể thấy dù chưa chính thức tuyên bố thắt chặt dần chính sách tiền tệ trở lại, nhưng động thái hút tiền liên tiếp của NHNN cùng với việc kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đã phát tín hiệu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đang dần kết thúc.
Đây là xu thế tất yếu nếu nhìn vào chính sách tương tự của các ngân hàng trung ương (NHTW) khắp toàn cầu. Cục dự trữ liên bang Mỹ đã có đến 4 lần tăng lãi suất cơ bản USD tính từ đầu năm đến nay, trong đó 2 cuộc họp liên tiếp gần nhất đều chứng kiến mức nâng rất mạnh ở 0.75%. Với cuộc họp vào tháng 9 tới, dự báo cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, dù mức tăng có thể sẽ chỉ còn 0.5%, nhưng rõ ràng kịch bảng tăng thêm 0.75% vẫn đang để ngỏ.
Đầu tháng này, NHTW Anh cũng đã quyết định tăng lãi suất thêm 0.5%, đánh dấu đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong 27 năm, lên 1.75%, mức cao nhất kể từ thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008. Trước đó vào cuối tháng 7, NHTƯ châu Âu (ECB) cũng gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi tăng lãi suất 0.5%, trong khi giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9 tới, với một mức tăng thậm chí còn lớn hơn ở 0.55%.
Dù vậy, một tín hiệu ngược chiều khác lại đến từ Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC), khi cơ quan này giữa tháng 8 vừa qua bất ngờ hạ lãi suất cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm khoảng 10 điểm cơ bản xuống 2.75%, trong khi lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày – cũng là công cụ lãi suất của NHTW, bị giảm từ 2.1% xuống 2%, đánh dấu đợt giảm lãi suất chính sách chủ chốt lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022.
Chưa vội sử dụng công cụ lãi suất điều hành
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam phát hành mới đây nhất, ngân hàng HSBC tiếp tục giữ nguyên nhận định cho rằng quý 3 năm nay là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN, với khả năng các mức lãi suất điều hành chủ chốt có thể điều chỉnh tăng trở lại 50 điểm cơ bản, khi áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một vài quý. Trước đó báo cáo trong tháng 6 tổ chức này cũng đưa ra dự báo có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản ngay từ quý 3 năm nay và tăng 50 điểm mỗi quý cho đến quý 3/2023.
Dự báo NHNN có thể bắt đầu tăng lãi suất hành trở lại ngay từ nửa cuối năm nay cũng từng được nhiều tổ chức đưa ra trước đó, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong những tháng 2 tăng vọt vì ảnh hưởng giá năng lượng, nhiên liệu và thực phẩm leo thang toàn cầu sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, một số tổ chức bắt đầu thay đổi quan điểm khi có những dấu hiệu dẫn đến niềm tin rằng lạm phát có thể vẫn được kiểm soát tốt trong năm và động thái tăng lãi suất điều hành nếu có cũng chỉ bắt đầu diễn ra trong năm sau.
Nhìn vào các thị trường khác, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sau giai đoạn căng thẳng cuối tháng 7 và đầu tháng 8, hiện tại đã ổn định trở lại quanh vùng 2%/năm, bất chấp việc NHNN vẫn hút ròng tiền đồng liên tiếp thời gian qua. Cũng cần biết rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tại không ít ngân hàng vẫn đang thấp hơn mức trần 4% theo quy định của NHNN, điều này cho thấy lãi suất điều hành vẫn chưa chịu nhiều áp lực phải điều chỉnh theo diễn biến thực tế. |
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Dragon Capital, nhóm chuyên gia của công ty quản lý quỹ này nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ trì hoãn quyết định tăng lãi suất điều hành, bao gồm cả việc thiết lập trần đối với lãi suất tiền gửi, lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn sang năm sau, khi giá hàng hóa thế giới đã có sự hạ nhiệt tạm thời giảm bớt áp lực lạm phát trong tháng 7. Dù vậy, cũng theo tổ chức này lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục tăng khi tỷ lệ tổng vay trên tiền gửi đạt gần 100%, khiến cho các ngân hàng thương mại đang có áp lực phải huy động vốn, dẫn đến việc cạnh tranh tăng lãi suất huy động.
Trong khi đó, CTCK VNDirect cho rằng Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu, điển hình là xăng dầu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngoài yếu tố lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, NHNN đang tích cực sử dụng các công cụ khác như hút tiền về qua kênh phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ, dường như có cơ sở để tin rằng NHNN sẽ chưa vội sử dụng đến công cụ lãi suất điều hành, khi công cụ này thường gây ra những tác động tâm lý đáng kể và hiệu ứng lan tỏa mạnh đến các loại lãi suất khác, đặc biệt là lãi suất cho vay.
Nhìn vào các thị trường khác, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sau giai đoạn căng thẳng cuối tháng 7 và đầu tháng 8, hiện tại đã ổn định trở lại quanh vùng 2%/năm, bất chấp việc NHNN vẫn hút ròng tiền đồng liên tiếp thời gian qua. Cũng cần biết rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tại không ít ngân hàng vẫn đang thấp hơn mức trần 4% theo quy định của NHNN, điều này cho thấy lãi suất điều hành vẫn chưa chịu nhiều áp lực phải điều chỉnh theo diễn biến thực tế.
Như đã nói trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm lại, thanh khoản hệ thống đã trở nên dồi dào hơn trong thời gian gần đây và các ngân hàng có lẽ cũng không chịu áp lực phải huy động vốn bằng mọi giá trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, với vốn điều lệ tại hàng loạt ngân hàng tăng ồ ạt trong thời gian gần đây, cũng như liên tục phát hành trái phiếu thành công trong những tháng qua, cũng sẽ giúp các nhà băng giảm bớt sức ép trên kênh huy động từ thị trường dân cự. Số liệu cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, nhóm ngân hàng đã quay trở lại dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 104,703 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 52.3% tổng giá trị TPDN đã phát hành.
Phan Thụy