Công bố giải Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Truyền cảm hứng và tình yêu với dòng sông
Giải nhất cá nhân thuộc về Trần Minh Thi với bài 'Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ'. Giải nhì tập thể thuộc về nhóm Librazzi với bài viết 'Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị'.
Chiều 20-4, ban giám khảo cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn họp chấm giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ , TP.HCM.
Cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn diễn ra từ ngày 5-3 đến 20-4, tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất nhằm phát triển đô thị bên sông Sài Gòn xứng tầm với tiềm năng và lịch sử.
Với độ dài 256km, riêng đoạn chảy qua TP.HCM là 80km, sông Sài Gòn có tiềm năng rất lớn trong công cuộc phát triển xã hội, kinh tế của miền Đông Nam Bộ.
Đã có hơn 40 bài được chọn đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và Tuổi Trẻ Online . Số lượng bài thi không nhiều bằng các cuộc thi khác của Tuổi Trẻ vì hiến kế phát triển sông Sài Gòn là một đề bài khó. Thế nhưng, các bài dự thi đều có chất lượng chuyên môn khá cao, từ kiến thức về sông Sài Gòn đến quy hoạch đô thị, kiến trúc, kỹ thuật...
Mặc dù vậy, cuộc thi không chỉ dành cho giới kiến trúc hay quy hoạch. "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" hướng đến mọi bạn đọc của Tuổi Trẻ . Bạn đọc có thể đưa ra những ý tưởng về kinh tế, du lịch, văn hóa, lịch sử, xã hội, kiến trúc, quy hoạch... qua đó nói lên tấm lòng của mình đối với dòng sông.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ , cho biết tiêu chí chấm giải là khơi gợi, truyền cảm hứng và thể hiện được tình yêu đối với sông Sài Gòn. Ý tưởng đoạt giải phải là ý tưởng mới lạ, bất ngờ, đột phá và có tính khả thi cao chứ không nhất thiết là quá sâu về chuyên môn ngành nghề.
"Làm sao để lấy điểm tựa là sông Sài Gòn nhằm kích thích những ý tưởng mới? Nếu cuộc thi làm được điều đó thì sẽ tạo được áp lực tích cực lên chính quyền thành phố để phát triển sông Sài Gòn. TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng chưa phát triển hết" - nhà báo Lê Xuân Trung nhận định.
Tác giả chỉ ra các nhược điểm của việc khai thác sông Sài Gòn hiện nay như kết nối kém, cảnh quan kém đặc sắc, đặc trưng mờ nhạt. Các đề xuất đều nhằm tăng tính kết nối, trong đó có ý tưởng cầu đi bộ nối đôi bờ, được ban giám khảo nhận xét "là nguyện vọng của đông đảo người dân thành phố".
Đoạt giải nhì (không có giải nhất) phía tập thể là bài Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị của nhóm Librazzi gồm 2 tác giả Trần Quang Hiếu và Trần Tấn Phúc. Bài viết nổi bật bởi ý tưởng mới về hệ thống cảng dọc sông, trong đó có cảng Cần Giờ.
Ban tổ chức cho biết các ý tưởng đoạt giải cao sẽ được trình bày trước lãnh đạo thành phố tại hội thảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 22-4.
Sau cuộc thi này, Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc thi hiến kế khác để biến những ý tưởng thành những giải pháp, đồ án cụ thể và tổng kết vào dịp 2-9.
Ban giám khảo cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn":
1. Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ .
2. Nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
3. TS Trương Minh Huy Vũ - Đại học Quốc gia TP.HCM.
4. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến - giám đốc Công ty cổ phần Hợp Điểm (Vietnam Centrepoint).
5. KTS Ngô Viết Nam Sơn - tiến sĩ khoa học, chủ tịch NgoViet Architects & Planners.
Kết quả giải thưởng:
Giải cá nhân:
- Giải nhất: Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ - Trần Minh Thi
- Giải nhì: Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn - Lý Đăng Huy
- Giải ba: Quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn - Hiệu quả lớn khi ứng dụng công nghệ - Dương Lê Lâm
- 5 giải khuyến khích:
Sông Sài Gòn - TP.HCM: Lịch sử - Liên kết - Giao lưu - Nguyễn Quốc Thái
Quy hoạch khu đô thị ven sông Sài Gòn, hạn chế sử dụng vốn ngân sách - Nguyễn Đình Hòa
Ai đang tạo hình dáng vẻ của dòng sông? - Felis Phan
Cần xây dựng cảnh quan ven sông - Phạm Mạnh Quân
Dự án cầu đi bộ Bến Nhà Rồng - Đào Nguyên Phong
Giải tập thể:
- Giải nhất: không có
- Giải nhì: Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị - nhóm Librazzi gồm 2 tác giả Trần Quang Hiếu và Trần Tấn Phúc
- Giải ba: Để sông Sài Gòn tiếp tục 'ban phúc lành cho trăm họ' - Ngô Tuyết Nhi và nhóm nghiên cứu văn hóa khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Sự cần thiết trong việc nâng cao chất lượng không gian công cộng đôi bờ sông Sài Gòn là rất rõ ràng. Để làm được điều đó, chúng ta cần hình thành chiến lược phát triển và khung thiết kế đô thị cụ thể.