Công bằng giữa các nhà đầu tư
Trong vòng 2 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những biến động hết sức thất thường. Trong quá trình rơi từ hơn 1.500 điểm xuống dưới 1.200 điểm, TTCK có nhiều phiên trồi sụt, lên mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng đến 15 phút cuối lại bị "đạp" mạnh, nhiều cổ phiếu giảm sâu.
Công bằng giữa các nhà đầu tư
Thời gian gần đây, hoạt động của TTCK phái sinh với hành động "short" (bán khống hợp đồng phái sinh) được đánh giá là "tội đồ" của TTCK cơ sở, vì nó làm cho chỉ số giảm sâu theo chủ ý của đội "short" phái sinh. Ngoài ra, khi chỉ số bị giảm, giá cổ phiếu giảm sâu liên tục sẽ dẫn đến nhà đầu tư dùng margin (giao dịch ký quỹ) sẽ bị "margin call", buộc hạ tỉ trọng nếu không có thêm tiền chuyển vào tài khoản hoặc bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong danh mục để thu hồi nợ.
Khi TTCK có những bất thường, chỉ số giảm "sốc", cơ quan quản lý đã triển khai một số giải pháp giúp ổn định thị trường, như: thay đổi các tính giá thanh toán hợp đồng tương lai chỉ số VN30 ; công khai thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán; cho giao dịch lô lẻ trở lại, tập trung các biện pháp để sớm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi...
Có thể nói hành động của cơ quan quản lý là hơi chậm so với đà "rơi" của TTCK thời gian qua. Tuy nhiên, đó vẫn là những động thái tích cực, góp phần trấn an nhà đầu tư, ổn định thị trường trong ngắn hạn. Thực tế, hai ngày trở lại đây, TTCK đã ngừng rơi và phục hồi tích cực. Đặc biệt, ngày 17-5, TTCK Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất châu Á.
Mặc dù vậy, các giải pháp của cơ quan quản lý vừa qua cũng chỉ mang tính ngắn hạn, khắc phục tạm thời những vấn đề mà thị trường đang gặp phải. Còn về trung và dài hạn, vẫn cần có những giải pháp căn cơ để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Sự ổn định ở đây không phải là làm cho cổ phiếu tăng giá mà là các nhà đầu tư được bảo đảm công bằng trong việc tiếp nhận thông tin. Mọi thứ liên quan đến TTCK đều phải minh bạch, rõ ràng, bình đẳng, không có sự ưu ái về tiếp nhận thông tin giữa các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư "cá mập" và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo nguyên lý về thông tin bất cân xứng, người tham gia có xu hướng rời bỏ thị trường khi tình trạng bất lợi về thông tin kéo dài. Thực tế, thời gian qua nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư mới đã ít nhiều mất niềm tin vì cơ quan quản lý hơi chậm khi để kéo dài tình trạng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết "lộng hành" thao túng giá cổ phiếu mà họ đang nắm giữ.
Đến khi phát hiện và xử lý mạnh thì thiệt hại lại thuộc về những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm. Nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn cần có những thông tin về thị trường mà họ tiếp nhận phải chính xác, minh bạch, chất lượng giống như với nhà đầu tư lớn, chủ doanh nghiệp niêm yết hay các công ty chứng khoán. Khi tất cả đều bình đẳng về thông tin, các nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận và đương nhiên họ phải chấp nhận rủi ro như một phần tất yếu.
Riêng về cách tính chỉ số VN30 trong hợp đồng tương lai thì hơn ai hết, chính cơ quan quản lý, những người tạo ra sân chơi này sẽ biết cách làm sao cho khoa học, hợp lý hơn... Cần xem xét lại cả các công ty trong rổ chỉ số và cách tính trọng số giữa các công ty để hạn chế tối đa việc thao túng chỉ số phục vụ cho các mục đích khác nhau, trong đó có việc kiếm lợi trên thị trường phái sinh.
Nhà đầu tư thất vọng khi thua lỗ nhưng họ sẽ thất vọng hơn nếu rơi vào tình cảnh như bị "lừa dối", bị "qua mặt". Do đó, giảm thiểu thông tin bất cân xứng là một trong những trách nhiệm quan trọng của các cơ quan quản lý, tổ chức thị trường...
ThS Nguyễn Anh Vũ, Đại học Ngân hàng TP HCM
Người lao động