Con vô tư “ăn chơi” trên những đồng tiền bố mẹ vất vả kiếm được

Chia sẻ Facebook
20/06/2023 16:42:05

Sinh trong gia đình khó khăn, nhưng không ít cô cậu sinh viên có lối sống đua đòi, thực dụng, có phần đề cao xu hướng “hưởng thụ”. Biểu hiện dễ thấy ở nhóm người này là lười nhác, chểnh mảng học hành, thường đàn đúm trưng diện, la cà quán xá “vui là chính”.

Những năm gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của giới trẻ. Dù chưa đi làm hay có thu nhập ổn định, các học sinh, sinh viên vẫn sẵn sàng ném một số tiền “khủng” để nâng cấp vẻ ngoài của mình với những thương hiệu hàng đầu thế giới. Thói quen đua đòi tiêu xài hoang phí này của giới trẻ đang dần trở thành một mối lo ngại đối với các bậc phụ huynh ngày nay.

Những bạn trẻ gia đình có điều kiện thì không là vấn đề, điều đáng nói là những người không có điều kiện, thậm chí còn khó khăn, thiếu thốn cũng cố chạy theo trào lưu này.

Sẵn sàng ném một số tiền “khủng” để nâng cấp bản thân. (Ảnh minh họa: Người Đưa Tin)


Cuộc chơi tốn kém

Bích, cô sinh viên năm thứ 2 trường CĐ Sư phạm Trung ương, quê ở một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Bố mất sớm, nhà có 4 anh chị em. Gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên vai mẹ, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, đến bữa ăn hàng ngày cũng phải tằn tiện. Các anh chị của Bích đều phải bỏ dở con đường học hành lao vào cuộc sống mưu sinh. Bích là con út, nên được ưu tiên tạo mọi điều kiện học hành, và được xem là “niềm hi vọng” của gia đình.

Nhưng cứ nhìn vào cái "niềm hy vọng" của gia đình này thì thấy hy vọng đó thật xa vời. Số tiền ít ỏi mẹ gửi cho hàng tháng, Bích đem đầu tư vào những nhu cầu sở thích cá nhân. Mua những bộ quần áo, giày dép hàng hiệu đắt tiền và chiếc điện thoại, laptop cả chục triệu đồng cho “bằng bạn bằng bè”. Rồi những lần vào các quán bar, vũ trường, đi du lịch cùng những đứa bạn chịu chơi.

Ưu tiên sở thích cá nhân. (Ảnh minh họa: VTC)

Ngoài ra, Bích còn có sở thích uống trà sữa, cô không quá quan trọng chuyện giá cả, việc chi 50.000-100.000 đồng cho một ly trà sữa full topping là bình thường. Bích quan niệm, đời sinh viên chẳng được mấy mà hết, không ăn chơi cũng phí! Sau này ra trường rồi, lúc ấy lo cho cuộc sống cũng chưa muộn.

Là sinh viên năm thứ 2 nhưng Bích thuê hẳn một phòng trọ riêng chỉ để ở một mình cho tự do, lại tập được thói quen “tự lập”. Mình có làm gì cũng chẳng sợ ai xoi mói, bàn tán gì. Cuộc sống lại thoải mái.

Số tiền học gia đình gửi cho chẳng bao giờ là đủ, để có tiền phục vụ công cuộc ăn chơi của mình, Bích phải nghĩ ra trăm phương, nghìn kế để “kiếm thêm thu nhập” mà không phải lao động.

Bố mẹ lao động vất vả để cho con ăn học nên người. (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Mẹ làm ruộng vất vả, mỗi tháng trừ đi chi phí thì được vỏn vẹn 2 triệu gửi con gái ăn học. Nhưng chừng ấy chỉ đủ trả tiền nhà! Để có tiền, mới đầu thì Bích vay tiền bạn bè, sau đó chuyển sang nói dối gia đình, bịa ra đủ các thứ tiền đóng góp, nào thì quỹ lớp, quỹ đoàn, tiền kiến tập, thực tế… lúc đầu cũng áy náy lắm. Nhưng bí quá, bao nhiêu khoản phải chi mà không biết lấy đâu ra?


Bố mẹ không thế bên cạnh, lo lắng cho mình mãi được

Trong cuộc khảo sát về hành vi mua sắm của giới trẻ tháng 10/2021 của Google, phần lớn người tham gia trả lời rằng họ đam mê những món đồ đắt tiền vì yêu thích các nhãn hàng xa xỉ. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ lại mua sắm vì muốn bắt kịp xu hướng (30%) và sợ bị bạn bè xa lánh (15%).

Đua đòi vì muốn bắt kịp xu hướng. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên nói chung và độc giả tại YAN nói riêng đam mê mua sắm đồ hiệu, sau đó chụp ảnh, quay video và đăng tải lên mạng xã hội. Tuy vậy, để có được lượng người theo dõi và sức ảnh hưởng trên thế giới ảo, họ cần phải đánh đổi bằng nhiều thứ hơn thế.

Để sở hữu các xa xỉ phẩm, những người tiêu dùng trẻ vẫn cần dựa vào sự hỗ trợ từ gia đình. Vì vậy, thói quen mua sắm đắt đỏ của họ đang trực tiếp tạo áp lực tài chính cho cha mẹ.

Theo số liệu thống kê năm 2022, nước ta có hơn 400 nghìn thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 thất nghiệp. Điều đáng nói là, trong số đó không ít người có cơ hội việc làm nhưng không chịu lao động. Thực tế đáng báo động này khiến cộng đồng lo lắng về hiện tượng số người trẻ sống dựa, bòn rút tiền của bố mẹ để thỏa mãn thói ăn chơi đang có xu hướng gia tăng.

Những người tiêu dùng trẻ vẫn cần dựa vào sự hỗ trợ từ gia đình. (Ảnh minh họa: Donnamoderna)


Chia sẻ về lối sống hoang phí của “Cột sống” Gen Z , TS Lê Ngọc Mai, chuyên gia xã hội học cho hay: “Thật đáng quan ngại với lối sống “hưởng lạc” của những người trẻ hiện nay. Lối sống này khiến các em có suy nghĩ ích kỷ, chỉ chăm chút cho bản thân mà quên đi việc phải báo đáp, giúp đỡ cha mẹ. Lâu dần, các em có thái độ vô cảm với những người xung quanh trong cuộc sống”.

Nói về vấn đề này, TS xã hội học Trương Văn Trường, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bày tỏ, bố mẹ chu cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài vô tội vạ, khiến các em càng ỷ lại, không có chí tiến thủ. Bên cạnh đó, bố mẹ cho con cái cuộc sống dễ dàng từ nhỏ sẽ khiến các em mất đi ý thức tự lập.

Thay vì chu cấp hãy dạy con tự lập và biết quý trọng đồng tiền. (Ảnh minh họa: Sức Khỏe Đời Sống)

Các bậc phụ huynh cần thẳng thắn với con, không phải lúc nào bố mẹ cũng có đủ điều kiện kinh tế, sức khỏe để bao bọc, giúp con thỏa mãn nhu cầu hưởng lạc. Bố mẹ cần dạy con cách tự lập, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Gen Z, Gen Y bây giờ sướng hơn nhiều so với Gen X ngày xưa, về cơ bản họ đã có mọi thứ mình muốn ở nhà. Vì vậy, ngay cả khi là sinh viên học xa nhà, họ cũng không muốn đối xử tệ với bản thân, đặc biệt là về khoản ăn, mặc, nhà ở và phương tiện đi lại. Nếu cảm thấy áp lực, họ sẽ giải tỏa bằng việc vui chơi, ăn uống hoặc mua hàng online.

Người trẻ chọn vui chơi, mua sắm, du lịch để giải tỏa áp lực. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Trước khi tiêu xài hoang phí, mua sắm linh tinh, có bao giờ bạn nghĩ rằng đây có thể là số tiền bố mẹ vất vả kiếm được nhờ làm việc đêm ngày? Không có gì sai nếu bạn chưa thể kiếm ra tiền, nhưng nếu đã vậy thì đừng tiêu tiền một cách tùy tiện, mua ít quần áo trendy hơn, mua ít túi tắm phiên bản giới hạn hơn, thực tế cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy.

Bạn có thể dựa vào bố mẹ một thời gian, nhưng đừng dựa vào bố mẹ cả đời. Bố mẹ cam tâm tình nguyện nhưng bạn càng cần chứng minh cho họ thấy những hy sinh của họ là xứng đáng. Nếu muốn bản thân bớt áy náy, hãy học cách quản lý tiền bạc, đừng tiêu tiền linh tinh. Nỗ lực và thành tích của bạn chính là báo đáp lớn nhất dành cho bố mẹ.

Nghĩ đến nỗi vất vả của bố mẹ để quản lý tiền bạc hợp lý. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)

Tình cảm gia đình là thứ không bao giờ có thể đong đếm được bằng tiền, nên hiện tại bạn nợ gì thì mai sau có thể đền đáp bằng tất cả tình yêu thương, lòng hiếu thảo của mình. Và đừng bao giờ quên rằng, tốc độ thành công của bạn nhất định phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ.

Luôn có trăm nỗi niềm trong lòng những người làm bố, làm mẹ, từ lo cái ăn, cái mặc đến việc dạy dỗ con cái nên người. Trong những nỗi niềm ấy, có những phụ huynh chia sẻ họ khổ tâm vì con đua đòi dù biết rõ hoàn cảnh kinh tế gia đình chẳng dư dả gì.

Chăm lo cho con cái đầy đủ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, việc quá nuông chiều hoặc cung phụng đầy đủ vật chất có thể khiến lớp trẻ có lối sống buông thả, không biết quý trọng đồng tiền. Vì vậy, mỗi gia đình cần coi trọng hơn việc giáo dục, rèn luyện cho con em mình ý thức tiết kiệm, hãy để cho các em tự khẳng định bằng năng lực bản thân, bố mẹ chỉ nên hỗ trợ về tinh thần và vật chất vừa đủ.


Cùng cập những tin tức khác TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook