Con tuổi teen, khó lắm đó!

Chia sẻ Facebook
11/05/2022 22:26:44

Tôi hay nghĩ nếu chưa làm cha mẹ cùng con ở tuổi dậy thì thì hãy bớt phê bình các cha mẹ khác lại. Có những "phạm trù" không hề giống lý thuyết.


Tôi hay dừng lại học hỏi khi thấy ai đó nói rằng dạy con khó quá, nhưng lại rất "dị ứng" với những ai luôn công kích các cha mẹ khác mỗi khi con cái họ có chuyện.


Làm mẹ là chuyện khó khăn nên tôi nhận ra rằng dạy con là chủ đề mình chỉ nên khiêm nhường, thông cảm thay vì phán xét.


1. Con tuổi dậy thì, tâm trạng sáng nắng chiều mưa đa số không lý do rõ ràng. Giọng mình nói với nó bình thường nhưng lắm khi nó trả lời không quá ba chữ, nếu bị góp ý thì nó... im luôn. Mình khuyên như mẹ hiền "con học bài tập trung đừng trả lời tin nhắn", "con mang theo điện thoại khi tắm sẽ nguy hiểm", "con ráng nhé, mặt vui lên"... toàn điều hợp lý xyz. Nó không nói gì nhưng vẫn yzx đó thì sao... Đông đảo con tuổi teen của các mẹ khác cũng "nắng mưa" như vậy.


2. Thuở nhỏ tôi thích một quyển sách thiếu nhi đến mức đọc nó chắc phải chục lần. Mỗi lần bực mình ba má, tôi lại mang ra đọc lại cái khúc hai cô bé bắt đầu hành trình phiêu lưu. Tôi tự hỏi rất nhiều lần trong thời thiếu niên của mình liệu mình có nên làm một chuyến đi bụi rời xa gia đình vậy không. Trong quyển sách đó cũng có rất nhiều thứ ấm áp khác nữa, tình bạn, tình người, thiên nhiên rất kỳ thú, sau này nhà văn đó là nhà văn tôi hay tìm đọc.

Tôi cũng nhớ từng đọc một bài phỏng vấn thủ phạm giết người chỉ mới hai mươi mấy tuổi, anh ta giết rất tàn bạo và thú nhận mình gom góp kinh nghiệm qua các vụ án chặt người trên báo và cảm thấy giết người cũng dễ như "chặt một cái cây"!

Không ai ngăn được nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo sáng tạo mọi thứ về cuộc sống, cũng không ai ngăn được con mình xem qua những thứ mình không thích, nhưng nói rằng coi một quyển sách hay một cái MV mà ảnh hưởng cái gì đến tính cách thì chưa chắc đúng.

Có thể không có đứa nhỏ nào coi MV xong đi ra "nhảy lầu" cả nhưng câu chuyện nó mang theo là gì, có ám ảnh không, có xem đó là "giải pháp cuối cùng" không, cũng không ai biết chắc được.


Vì vậy, phản ứng của xã hội trước một MV chạm đến chủ đề giới trẻ là phản ứng tự nhiên không ai ngăn được , trong nỗ lực giúp trẻ có một cảm thụ vững vàng, một tinh thần chống đỡ, cái gì liên quan đến những đứa trẻ phần nhiều còn chưa hoàn thiện nhận thức, tính cách, đều khiến các bậc cha mẹ phải quan tâm.

Quan tâm không phải phản đối tự do sáng tạo, mà họ muốn gửi gắm sự trông đợi đến những nghệ sĩ tài năng, có tầm ảnh hưởng - sẽ mang đến cho con họ những thông điệp tốt lành. Muốn trẻ hiểu về sự cô độc, bi thương, đâu sao, nhưng cái anh sẽ thận trọng và dụng công hơn là gì để trẻ mang theo trong đời một khao khát vượt qua đau thương chứ không phải là một cách thức để "nhảy lầu".

Phản ứng xã hội trước một MV là phản ứng tốt cho cả người sáng tạo và người làm cha mẹ.


3. Dạy con, làm cho con mạnh lên, biết phân biệt thật ảo. Ý này đúng lắm. Tôi có những ngày cuống quýt dạy con thêm một ý mà tôi luôn sợ mình dạy chưa đủ mức, là dạy con biết cho dù cái gì xảy ra mình đều có thể làm cho nó nhẹ nhàng hơn, lúc này mình buồn nhưng ngủ dậy đã vui, mẹ la rồi tí mẹ hết la, thi rớt thì tự nhìn lại rồi thi lại, còn sức khỏe, tính mạng là còn tất cả...

Vừa dạy vừa lo, vừa cuống quýt còn vì mình nỗ lực đã chưa đủ mà xã hội ngoài kia còn ít giúp mình. Chờ người ta "giật mình" kêu gọi hãy ngừng share clip, ngừng chửi rủa... thì con tôi nó đã "seen" (xem) hết rồi. Thời đại cả thế giới tác động lên một đứa con mà bảo rằng cha mẹ dạy con một mình, chịu trách nhiệm, bị mắng chửi một mình, thì có tội nghiệp cho cha mẹ quá không.

Có hội chứng domino do truyền thông không? Chỉ cần chịu khó search báo chí gần đây sẽ cảm giác là có hay không. Chắc cũng có người nói vài ba đứa làm theo mà cũng nâng lên hội chứng. Nhưng trong một cộng đồng, chỉ cần một đứa trẻ "có dấu hiệu" làm theo cách tiêu cực của một đứa trẻ khác cũng đủ để người lớn cật vấn trách nhiệm của chúng ta rồi. Đau thương cho mỗi gia đình là chẳng thể nào phai trong cuộc đời còn lại của cha mẹ.


Cha mẹ không đơn độc

Có ai giúp cha mẹ thêm được không, tôi nghĩ là được đó, nhà trường, nhà tham vấn, các hội đoàn, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, và cả cộng đồng... nếu quan tâm tới trẻ thì hãy làm thêm một việc cụ thể hơn: chính là truyền thông cho trẻ biết yêu quý sức khỏe, mạng sống, sự sống thiêng liêng của mình, gợi ý cho chúng cách đối diện khó khăn, thất bại, nghịch cảnh, những người không thích mình, những điều không như ý, chúng phải đấu tranh, nói ra, vượt qua với một niềm tin lạc quan như thế nào...

Cha mẹ cố gắng và mong được xã hội, cộng đồng giúp sức. Mong muốn đó chẳng lẽ không chính đáng?!

"Tôi há hốc mồm khi con gái bảo tôi thực dụng. Nó bảo nó muốn thể hiện bản thân, làm thay đổi ngành giáo dục vốn đang rất trì trệ hiện nay. Nó bảo giáo viên mà giỏi thì sẽ rất giàu", chị Ng.Th kể.

Chia sẻ Facebook