Con tự sát, cha mẹ muốn mạng xã hội chịu trách nhiệm

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 15:00:11

Christopher James Dawley, hay CJ, đăng ký Facebook, Instagram và Snapchat năm 14 tuổi. Như nhiều bạn bè đồng trang lứa, cậu ghi lại cuộc sống trên các nền tảng này.  

CJ làm nghề hát rong tại Texas Roadhouse ở Kenosha, Wisconsin. Cậu thích chơi golf, xem “Doctor Who” và được nhiều trường đại học hàng đầu săn đón. Mẹ của cậu, Donna Dawley, trả lời trên CNN rằng, người cố vấn nói cậu có thể đi bất kỳ đâu nếu muốn.

Dù vậy, suốt thời trung học, cậu trở nên nghiện mạng xã hội. Năm cuối cấp, “nó không thể ngừng nhìn vào điện thoại”, bà Donna cho biết. CJ thường thức đến 3 giờ sáng để nhắn tin với bạn bè, đôi khi trao đổi cả ảnh khỏa thân. Cậu thiếu ngủ và ám ảnh ngoại hình.


“Ai mang ánh sáng đi”

Ngày 4/1/2015, trong khi gia đình đang tháo cây thông và đồ trang trí Giáng sinh, CJ về phòng gửi tin nhắn cho người bạn thân nhất rồi cập nhật Facebook cá nhân: “Ai mang ánh sáng đi”. CJ cầm một khẩu súng trường cỡ 22 bằng một tay, smartphone trên tay còn lại và... tự sát. Năm ấy, cậu 17 tuổi. Cảnh sát tìm thấy thư tuyệt mệnh viết trên phong bì lá thư báo đỗ đại học. Bố mẹ chưa bao giờ thấy CJ có biểu hiện trầm cảm hay ý định tự sát.

“Khi tìm thấy CJ, tay nó vẫn cầm điện thoại, điện thoại vẫn bật và dính máu”, mẹ của CJ kể lại. “Nó nghiện tới mức khoảnh khắc cuối của cuộc đời cũng đăng lên mạng xã hội”.

Christopher James Dawley tự sát năm 17 tuổi. (Ảnh: CNN)

Gia đình Dawley đang tham gia cùng nhiều người khác nộp đơn kiện chống lại các công ty mạng xã hội lớn, khẳng định các nền tảng đóng vai trò quan trọng trong quyết định tìm đến cái chết của trẻ vị thành niên. Đơn kiện của nhà Dawley nhằm vào Snap – công ty sở hữu Snapchat và Meta – công ty mẹ Facebook và Instagram, cáo buộc hai hãng thiết kế nền tảng gây nghiện cho người dùng bằng thuật toán cuộn vô hạn nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng, phục vụ mục đích quảng cáo và lợi nhuận.

Đơn kiện cũng nói các nền tảng khai thác hiệu quả khả năng ra quyết định và kiểm soát xung động của người dùng vị thành niên do “phát triển não bộ chưa hoàn thiện”.

Bà Donna và chồng - Chris, tin rằng sức khỏe tâm thần của CJ bị ảnh hưởng trực tiếp từ tính chất gây nghiện của các nền tảng. Họ có động lực nộp đơn kiện sau khi cựu nhân viên Facebook Frances Haugen công bố hàng trăm tài liệu nội bộ, cho thấy Meta nhận thức được Instagram có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của người dùng.

Trong những lần xuất hiện công khai, bao gồm cả lần làm chứng trước Quốc hội mùa thu năm 2021, bà Haugen còn khiến mọi người lo lắng về các thuật toán của Facebook đưa người dùng trẻ đến nội dung độc hại, chẳng hạn những bài viết về rối loạn ăn uống, tự làm tổn thương và nghiện mạng xã hội.


Cách duy nhất bắt các mạng xã hội trả giá

“Suốt 7 năm, chúng tôi cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra”, bà Donna nói. Bà cảm thấy các công ty phải chịu trách nhiệm. “Làm thế nào các người dám ra mắt một sản phẩm dù biết nó sẽ gây nghiện? Ai lại có thể làm như vậy”?

Những tiết lộ của bà Haugen thu hút sự chú ý từ nhà lập pháp của lưỡng đảng Mỹ. Một dự luật được giới thiệu tại Thượng viện Mỹ vào tháng 2 đề xuất trách nhiệm mới cho các nền tảng công nghệ để bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ kỹ thuật số. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dùng Thông điệp Liên bang hối thúc các nhà lập pháp “buộc các nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm cho thí nghiệm quốc gia mà họ đang thực hiện trên con em của chúng ta vì lợi nhuận”.

Christopher James Dawley. (Ảnh: CNN)

Một số gia đình hiện nay tự xử lý vấn đề và ra tòa để gâp áp lực cho các hãng công nghệ thay đổi cách thức hoạt động của các nền tảng. Matthew Bergman, luật sư của nhà Dawley, đã thành lập Trung tâm luật nạn nhân mạng xã hội năm 2021 sau khi tài liệu của Facebook bị tung ra. Ông đang đại diện cho 20 gia đình nộp đơn kiện chống lại các mạng xã hội.

Theo ông, tiền không phải động cơ để gia đình Dawley đâm đơn kiện. Cách duy nhất để buộc các công ty mạng xã hội thay đổi thuật toán nguy hiểm nhưng siêu lợi nhuận là bắt họ phải trả cái giá thực sự cho những sản phẩm nguy hiểm của họ đã gây ra cho các gia đình như Dawley.

Ông bổ sung, khi gặp trường hợp tương tự về hành vi sai trái của các nhà sản xuất sản phẩm, thẩm phán yêu cầu bồi thường hàng chục triệu USD và họ cũng thiệt hại hàng tỷ USD. “Tôi có đủ lý do để hi vọng một bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết như vậy trong vụ việc này sau khi đánh giá công bằng mọi bằng chứng”.


Mạng xã hội trước áp lực thay đổi

Dù nghiện mạng xã hội đã được nhắc đến nhiều năm nay, lời khai của bà Haugen - kết hợp với lo ngại vì việc con trẻ online ngày càng nhiều trong đại dịch – đã khiến vấn đề trở thành tiêu điểm bàn luận. Song nó là chưa đủ đối với nhiều gia đình.

Ian, con trai 16 tuổi của Jennifer Mitchell, qua đời do bị súng bắn khi đang dùng Snapchat. Bà Jennifer cũng liên hệ với Trung tâm luật nạn nhân mạng xã hội để nộp đơn kiện Snap. Bà hi vọng nhiều phụ huynh sẽ quan tâm hơn đến sự nguy hiểm của mạng xã hội và khuyến khích nhà lập pháp quản lý các nền tảng.

“Nếu chúng ta có thể giới hạn tuổi dùng rượu, thuốc lá và mua súng, thì cũng nên làm điều gì đó với mạng xã hội”, bà trả lời CNN. Độ tuổi nhỏ nhất được đăng ký Snapchat là 13.

Tháng 8/2019, Mitchell vừa xuống sân bay tại Alaska sau chuyến công tác từ Florida thì nhận được tin nhắn thoại, nói con trai qua đời do súng bắn. Cảnh sát tin rằng Ian đang quay phim khi xảy ra tai nạn. “Sau khi vào một số tài khoản mạng xã hội của con, chúng tôi phát hiện video trên Snapchat, dường như nó đang chơi trò bắn súng Nga. Chúng tôi không biết nó gửi video cho ai hay đang chơi với ai. Điện thoại được tìm thấy không xa thi thể”.

Tháng 1, Tammy Rodriguez nộp đơn kiện, nhắc đến việc con gái Selena 11 tuổi đã nghiện mạng xã hội 2 năm trước khi tự sát vào tháng 7/2021. Hai nền tảng Instagram và Snapchat được Selena dùng nhiều nhất nhưng đều yêu cầu người dùng tối thiểu 13 tuổi.

Theo đơn kiện, Selena dành nhiều thời gian hơn cho hai nền tảng trong thời kỳ Covid-19 và bắt đầu trò chuyện với những người đàn ông lớn tuổi hơn. Cô bé gửi ảnh nhạy cảm cho họ rồi cuối cùng bị phát tán cho bạn cùng lớp, dẫn đến sự xấu hổ và bẽ bàng tại trường học.

Trong thời gian này, Tammy không nhận thấy tác động tiêu cực hay gây nghiện của con. Việc thiếu kiểm soát của bố mẹ cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Dù vậy, theo Carl Tobias – Giáo sư trường luật thuộc Đại học Richmond, các vụ kiện chống lại mạng xã hội sẽ chỉ chất đống tại tòa. Điều khó nhất là chứng minh cơn nghiện dẫn đến một ai đó tự sát hay làm tổn thương nghiêm trọng đến cơ thể. Song những lời làm chứng của bà Haugen và núi dữ liệu mà các công ty thu thập về người dùng trẻ có thể mang lại phán quyết có lợi cho nguyên đơn trong vài trường hợp.

“Có nhiều thông tin chúng ta chưa có trước đó. Khi một công ty, pháp nhân hay tổ chức biết họ rằng họ đang đẩy ai đó đến nguy cơ, luật dân sự và luật trách nhiệm sản phẩm đôi khi sẵn sàng áp đặt trách nhiệm pháp lý”.

Luật sư Bergman dự đoán “cuộc chiến dai dẳng” phía trước khi ông chuẩn bị nộp nhiều đơn kiện chống lại các công ty mạng xã hội. Điều duy nhất ông chắc chắn là phải đối mặt với những doanh nghiệp có đủ tiền bạc thuê mọi luật sư giỏi nhất. “Họ muốn làm mọi thứ có thể để tránh phải đứng trước tòa và giải thích với bồi thẩm đoàn rằng vì sao lợi nhuận của họ lại quan trọng hơn nhiều mạng sống của CJ Dawley”.

Donna Dawley nói lần cuối nhìn thấy con trai vào ngày con mất, cậu đang nhìn vào điện thoại với vẻ buồn bã. “Tôi chỉ ước mình đã ôm lấy nó”, bà chia sẻ. “Vụ kiện này không phải được hay mất. Tất cả chúng ta đều đang mất mát. Nhưng nếu chúng tôi có thể buộc họ thay đổi thuật toán vì một đứa trẻ, điều ấy xứng đáng”.


Du Lam (Theo CNN)

Chia sẻ Facebook