Con trai 3 tuổi ăn phải gói hút ẩm, pha xử lý thông minh trong 30 giây của bà mẹ đã cứu con thoát khỏi tử thần, được bác sĩ khen hết lời
Thấy con trai vô tình nuốt phải hạt hút ẩm, bà mẹ bình tĩnh ứng phó cứu sống đứa trẻ trong gang tấc.
Trẻ con thường hiếu động và tò mò với mọi thứ xung quanh, bé thích thú với những món đồ mới lạ và ‘làm quen’ với chúng bằng cách cho mọi thứ vào miệng và nếm. Điều này khiến trẻ có thể ăn phải những chất gây hại cho cơ thể.
Trong trường hợp trẻ nuốt phải chất lạ, cha mẹ ở bên phát hiện kịp thời là may mắn nhất, vì cha mẹ có thể sơ cứu cho con mình, giảm thiểu tối đa tác hại đối với cơ thể. Nhưng nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời, trẻ có thể đối mặt với những lo ngại về sức khỏe như thế nào?
Trẻ ăn phải hạt hút ẩm có sao không?
Cô Tôn có một cậu con trai tên là Đào Đào, cậu bé đã vô tình ăn phải chất hút ẩm một lần vào năm 3 tuổi. Khi cha của Đào Đào phát hiện sự việc đã vô cùng hoảng sợ và nhanh chóng lấy điện thoại di động gọi xe cứu thương.
Bấy giờ, dù cũng rất lo lắng, nhưng cô Tôn vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, người mẹ nhớ tới một bài báo mà cô đã đọc về cách sơ cứu sau khi vô tình ăn phải chất hút ẩm bèn nhanh chóng dùng tay móc các hạt hút ẩm trong miệng con trai ra, sau đó cho đứa trẻ uống liền ba hộp sữa. Tất cả các thao tác chỉ vỏn vẹn trong 30 giây.
Sau khi xe cấp cứu đưa gia đình đến bệnh viện, bác sĩ đã yêu cầu cô Tôn đưa Đào Đào đi kiểm tra toàn diện. May mắn theo kết quả kiểm tra, cậu bé không gặp vấn đề gì quá lớn. Khi được bác sĩ phụ trách hỏi về phương pháp sơ cứu, cô Tôn đã thuật lại rõ ràng tình huống lúc đó.
Bác sĩ hết lời khen ngợi cô Tôn: "Thường xuyên đọc sách rất hữu ích, chẳng phải đã cứu được mạng sống của chính con mình hay sao?" Trong trường hợp không có biện pháp xử lý kịp thời, các hạt hút ẩm làm bỏng thực quản, trẻ có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.
Vậy nên làm gì nếu trẻ vô tình nuốt phải chất hút ẩm?
Có nhiều loại chất hút ẩm khác nhau như là chất hút ẩm trong thực phẩm hay chất hút ẩm silica gel. Nếu là chất hút ẩm trong thực phẩm thì càng nguy hại. Sau khi trẻ vô tình nuốt phải chất này, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ là gây nôn cho trẻ bằng cách đưa ngón tay vào họng.
Phương pháp này không được khuyến khích vì có thể gây tổn thương đến thực quản của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ cần cho trẻ uống sữa càng sớm càng tốt, sữa phần nào có công dụng gây nôn trớ đồng thời cũng có thể ngăn chất hút ẩm gây bỏng thực quản, bảo vệ trẻ.
Trường hợp là hạt hút ẩm silica gel, loại hạt này sẽ không được dạ dày tiêu hóa. Bản chất hạt silica gel trơ về mặt hóa học nên sẽ không có phản ứng với cơ thể. Tuy nhiên, do các hạt chống ẩm có đặc tính hút nước, làm khan, nên khi lỡ nuốt phải, bạn nên cho trẻ uống thêm thật nhiều nước lọc. Lúc này, các hạt silica sẽ không tương tác với niêm mạc cơ thể và được bài tiết qua đường tiêu hóa. Nếu phụ huynh vẫn còn băn khoăn, lo ngại thì cũng có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra toàn diện.
Những đồ vật trong nhà có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Khi trông trẻ, để đảm bảo an toàn phụ huynh cũng cần lưu ý, tránh cho trẻ đến gần hoặc chơi đùa với một số đồ vật, chi tiết trong nhà khác như sau:
1. Góc bàn
Các góc bàn trong nhà đa phần đều có phần nhô ra, về cơ bản là hình dạng của một góc vuông, nếu trẻ không may bị ngã, va đập vào góc bàn, hậu quả sẽ rất tai hại. Đôi khi có thể chỉ trầy xước một chút da, bầm tím nhẹ, nhưng cũng không loại trừ trường hợp xấu như chảy máu. Một trong những giải pháp được đưa ra để tránh vấn đề này chính là cha mẹ có thể chọn loại bàn tròn hoặc có các góc bo tròn.
Nếu ở nhà đã lắp đặt bàn có góc nhọn từ trước, cha mẹ có thể mua một số vật dụng bọc các góc bàn lại, tránh cho trẻ va chạm vào các góc bàn hoặc nếu có vô tình va phải cũng sẽ giảm bớt nguy hiểm.
2. Ổ cắm
Ổ cắm chắc chắn là thứ nguy hiểm nhất trong nhà, vì nếu chạm vào ổ cắm, trẻ sẽ bị điện giật. Trẻ còn nhỏ chưa hiểu rõ về những thứ nguy hiểm này nên thường tò mò muốn chạm vào hoặc chơi với chúng.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn điện, rất có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Bởi vậy, cha mẹ nên đặt ổ cắm ở những nơi cao ráo như kệ tủ, bàn cao,... Trẻ ở độ tuổi mới biết bò hoặc chập chững học đi tựu trung không thể chạm tới những nơi này.
3. Nhiệt kế
Nhiệt kế là vật dụng luôn có mặt trong tủ thuốc gia đình, khi trong nhà có người ốm, sốt thì nhiệt kế sẽ vô cùng tiện dụng. Nhiệt kế truyền thống có phần lõi được làm bằng thủy ngân. Thủy ngân có thể đo nhiệt độ cơ thể một cách chính xác, chính xác hơn các loại máy đo nhiệt độ cầm tay hiện nay.
Nhưng thủy ngân là chất độc, nếu chẳng may làm rơi nhiệt kế, cha mẹ phải xử lý kịp thời, lưu ý không dùng tay chạm trực tiếp vào các mảnh của nhiệt kế. Nếu không được thu dọn sạch sẽ, bé rất có thể sơ ý chạm vào thủy ngân và bị ngộ độc. Cha mẹ phải cất nhiệt kế cẩn thận sau khi sử dụng để không gặp phải những trường hợp đáng tiếc.
Tựu trung, ngoài những mặt hàng nguy hiểm kể trên, thực tế trong nhà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chẳng hạn như bếp gas, đèn cầy,… có thể gây nguy hiểm. Đối với những vật dụng nguy hiểm này, bố mẹ phải để ở nơi cao ráo, đảm bảo không cho bé chạm vào.
Khi ở nhà, cha mẹ cũng không nên lơ là khi trông trẻ, chú ý đến hành động của trẻ mọi lúc, không để trẻ nuốt phải những vật cứng hay lại gần những nơi nguy hiểm. Suy cho cùng, trẻ em không thể an toàn nếu thiếu đi sự bảo vệ của cha mẹ.
(Theo Aboluowang)