Cơn sốt vàng tiếp tục tăng, thị trường “ngóng” chờ sửa đổi Nghị định 24
Việc sửa đổi Nghị định 24 để ổn định thị trường “nóng bỏng” trong những ngày qua đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo đó, sau gần 2 tiếng giao dịch sáng 12/4, giá vàng SJC liên tục được doanh nghiệp vàng điều chỉnh cập nhật mức tăng, đẩy giá vàng lên mức kỷ lục 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng tới 1,8 triệu đồng, lên mức 77 triệu đồng/lượng, theo báo Lao động .
Vậy, khi Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng dự báo sẽ diễn biến thế nào?
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia chỉ ra rằng: giá vàng thế giới ảnh hưởng khoảng 80% đến giá vàng trong nước. Còn lại, các yếu tố khác như chính sách, đặc thù thị trường, tâm lý thị trường chiếm khoảng 20%.
Vì thế, ngay cả sửa Nghị định 24, chắc chắn không có chuyện giá vàng thế giới tăng liền một năm mà giá vàng trong nước lại giảm liền 1 năm hoặc ngược lại. "Nếu giá vàng thế giới hạ, trong nước có thực hiện biện pháp gì đi chăng nữa thì giá vàng trước sau cũng hạ theo, chỉ là hạ ít hay hạ nhiều. Nếu có chuyện giá vàng trong nước ngược chiều giá thế giới thì cũng chỉ xảy ra trong ngắn hạn 1 - 2 ngày hoặc 1-2 tuần", ông Thịnh cho biết.
Trong hơn 10 năm qua, SJC không nhập thêm hàng trong khi có một phần vàng miếng đã chuyển hóa thành vàng trang sức. Vì thế vàng miếng SJC trở nên hiếm hơn. Người tiêu dùng khi mua vàng miếng SJC không chỉ là đang mua vàng mà còn là mua thương hiệu, từ đó thúc đẩy giá loại vàng này lên.
Thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC có tốc độ tăng chậm hơn giá vàng nhẫn, vàng trang sức do người ta cho rằng, Nghị định 24 được sửa đổi sẽ làm thay đổi những lợi điểm trên.
Cụ thể, khi Nghị định 24 được sửa đổi có thể sẽ có thêm thương hiệu vàng quốc gia khác hoặc sẽ cho phép nhập thêm vàng miếng, đều làm cho nguồn cung vàng miếng tăng lên. Từ đó, khoảng cách giá giữa vàng miếng với vàng trang sức và vàng thế giới sẽ giảm dần. Vàng nhẫn, vàng trang sức có cơ hội để bứt phá, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Điều này thể hiện rất rõ ở diễn biến giá vàng trong khoảng thời gian đầu tháng 4/2024, khi mỗi lượng vàng miếng tăng khoảng 4 triệu đồng, còn vàng nhẫn tăng mạnh hơn rất nhiều, khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Ở góc nhìn khác, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm: Nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng.
Theo ông Khánh, giá vàng tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới do chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế của Mỹ. Song riêng với Việt Nam, giá vàng tăng còn xuất phát từ sự khan hiếm. Thế nên, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch rất cao so với giá thế giới.
Trong diễn biến mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó tiếp tục yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế, Tiền phong đưa tin.
Trong chỉ đạo mới nhất về thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối Nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
KHÁNH LINH (t/h)