"Cơn sốt" cà phê Việt Nam ở Malaysia: 1 thương hiệu có số cửa hàng tăng 40 lần sau 3 năm

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 14:04:54

"Cơn sốt" cà phê Việt Nam ở Malaysia: 1 thương hiệu có số cửa hàng tăng 40 lần sau 3 năm


Cà phê Việt Nam nổi danh ở Malaysia

Có lẽ đối với những người yêu thích cà phê Việt Nam ở Malaysia, không ai không biết cái tên Kee Nguyễn. Đây là một công ty khởi nghiệp được vận hành bởi 2 nhà sáng lập người Malaysia, Radius Khor và Henry Tan.

Cả hai nhà sáng lập trước đây đều làm thiết kế đồ họa, nhưng hiện tại đang dốc hết sức để tạo ra những ly cà phê chất lượng, thơm ngon với giá phải chăng cho người dân Malaysia. Trên website chính thức, Kee Nguyễn cho biết đã gặt hái được nhiều thành công kể từ tháng 6/2019, xây dựng được một lượng khách hàng trung thành cũng như có thêm khách hàng mới mỗi ngày.

Điều thú vị là tên thương hiệu lấy cảm hứng từ những cái tên khác: Kee lấy từ họ của Henry, còn Nguyễn là họ phổ biến nhất ở Việt Nam.

Kee Nguyễn muốn bán cà phê đường phố giống như ở Việt Nam, nơi cà phê ngon và "chuẩn" có thể được tìm thấy ở mọi con đường. Hai nhà sáng lập khẳng định mục tiêu lớn nhất của công ty là khiến khách hàng cảm thấy như đang có mặt tại Việt Nam ngay khi nhấp ngụm cà phê đầu tiên.

Các hạt cà phê của Kee Nguyễn được nhập trực tiếp từ trang trại tại Tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt. Hạt cà phê bao gồm hỗn hợp Robusta, Arabica cùng với cacao và muối. Bột cà phê là thành quả của phương pháp xay mịn mang lại hương thơm đậm đà và hương vị đặc trưng cho cà phê mà Kee Nguyễn bán.

Tầm nhìn của Kee Nguyễn là trở thành sản phẩm mà tất cả mọi người ở Malaysia đều có thể sử dụng hàng ngày, kể cả những người không uống cà phê.


Từ Việt Nam tới Malaysia

Đằng sau thành công của Kee Nguyễn là những câu chuyện rất tình cờ.

Trong một lần đến Việt Nam du lịch, thử hương vị cà phê chính hiệu của Việt Nam, hai người bạn Henry và Radius đã ngay lập tức đam mê hương vị này. Vì không thể tìm được đúng mùi vị cà phê Việt trên đất Malaysia, cả 2 đã quyết định tự mang cà phê về bán và lan toả tình yêu đối với cà phê Việt Nam tại Malaysia.

Khi ấy, Henry đã mong muốn một thứ gì đó đơn giản và ít căng thẳng hơn trong sự nghiệp của mình. Cùng lúc đó, Radius lại đang tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ mà anh có thể mạo hiểm khi trở về nước sau khi làm việc ở Hàn Quốc hơn 1 năm.

Do đó, cả hai đã bắt tay vào việc và đồng sáng lập Kee Nguyễn. Mặc dù cả hai đều rời công ty cũ vào năm 2019 và 2021, Henry và Radius vẫn là những nhà thiết kế đồ họa có trình độ cao.

Kee Nguyễn hiện có 40 cửa hàng trên khắp Malaysia.

Kee Nguyễn bắt đầu những ngày đầu tiên trên cốp xe ô tô của hai nhà sáng lập. Có 2 lý do để làm như vậy. Thứ nhất, những người bán cà phê dạo ở Việt Nam cũng bán đồ uống trên những chiếc thùng nhỏ buộc sau xe máy. Thứ hai, ban đầu Kee Nguyễn chưa có đủ vốn để thuê mặt bằng, nên việc bán cà phê từ cốp xe sẽ tiết kiệm được khoản lớn chi phí.

Radius chia sẻ: "Cửa hàng đầu tiên của chúng tôi tại Seksyen 14, PJ, là một canh bạc lớn vì chúng tôi phải chắt chiu số tiền ít ỏi tiết kiệm được để bắt đầu kinh doanh".

Không ai biết trước được rằng, đây là dấu mốc khởi đầu cho 39 cửa hàng được mở trong 3 năm sau. Đến nay, Kee Nguyễn đã có 40 cửa hàng tại Malaysia.

Henry và Radius khởi nghiệp bán cà phê từ thùng ô-tô.

Trước khi khởi nghiệp, Radius thừa nhận rằng hai người bạn không có kỳ vọng trở nên nổi tiếng hoặc thu được bất kỳ lợi nhuận nào từ việc kinh doanh. Họ đơn thuần đến với cà phê chỉ vì đam mê.

"Chúng tôi đã bán cà phê Việt Nam hơn 1 năm, và thậm chí không ai biết về sự tồn tại của chúng tôi. Một ngày nọ, chúng tôi quảng bá trên Twitter và đó là lúc chúng tôi nhận ra người Malaysia thực sự yêu thích cà phê Việt Nam", Radius cho biết.


Cà phê Việt Nam, Malaysia và phương Tây


Henry và Radius cho rằng, cà phê Việt Nam nói chung có một hương vị đặc biệt mạnh mẽ, hay như người Malaysia gọi là "kaw".

"Bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa cà phê địa phương và cà phê Việt Nam khi bạn nếm thử," Radius cho biết, "hầu hết các cửa hàng cà phê địa phương dùng hạt kopi kampung và coi đó là cà phê Việt Nam".

Những nhà sáng lập đã học được nghệ thuật pha cà phê, khẳng định sử dụng hạt cà phê nguyên chất được nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam và được ủ tại Malaysia.

Menu đồ uống của Kee Nguyễn cũng "giống hệt" những gì bộ đôi này đã trải nghiệm ở các quán cà phê truyền thống của người Việt.

Hiện tại, 1/4 cửa hàng của chuỗi này thuộc sở hữu của Kee Nguyễn, 3/4 cửa hàng còn lại được nhượng quyền thương hiệu.

Bên cạnh chất lượng, chủ nhân của Kee Nguyễn cũng muốn đảm bảo sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều người nhất có thể.

"Chúng tôi chưa bao giờ phải quảng cáo thương hiệu của mình. Khách hàng của chúng tôi làm điều đó bằng cách chia sẻ trên mạng xã hội và qua hình thức truyền miệng", Henry và Radius cho biết.

Việc mở thêm các chi nhánh không nằm trong kế hoạch ban đầu của Kee Nguyễn, nhưng hai người bạn liên tục nhận được yêu cầu từ khách về việc mở cửa hàng mới ở các địa phương do các lệnh giãn cách xã hội không cho phép người dân thoải mái đi xa.

Thương hiệu hiện có một số hình thức bán hàng khác với các cửa hàng ban đầu, từ ki-ốt, cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, cho đến một hàng riêng trong trung tâm mua sắm.

Radius chia sẻ: "Hầu hết các cửa hàng kinh doanh nhượng quyền của chúng tôi hiện tại đều bắt đầu với tư cách là khách hàng của chúng tôi".

Không dừng lại ở cửa hàng số 40, bộ đôi này còn có thêm kế hoạch đảm bảo rằng Kee Nguyễn có mặt ở mọi bang của Malaysia. Điểm dừng chân tiếp theo của họ sẽ là bang Borneo và Sarawak.

Chia sẻ Facebook