Con phá hỏng laptop của người trông trẻ, hành động của người mẹ gây bức xúc
Sau khi được đăng tải, sự việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn của netizens. Đại đa số cho rằng cô đã sai trong tình huống này.
Mới đây, một bà mẹ đơn thân với 2 người con đã đăng tải lên Reddit để hỏi ý kiến cư dân mạng sau khi nảy sinh tranh cãi với người trông trẻ 17 tuổi. Theo đó, mọi chuyện bắt nguồn từ việc con út của cô đã làm vỡ chiếc laptop của người trông trẻ.
"Cô ấy mang theo máy tính xách tay đến nhà tôi để học. Tôi không quá gay gắt về vấn đề này miễn sao cô phải luôn để mắt và có trách nhiệm đến 2 đứa con của tôi.
Tuy nhiên, hôm qua, sau khi trở về nhà, người trông trẻ đã cho tôi xem chiếc máy tính xách tay của cô ấy đã bị hỏng bởi con út của tôi. Lúc bấy giờ, tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và không hiểu tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy".
Được biết, nguyên nhân bắt nguồn từ sự việc người trông trẻ đã để lại chiếc laptop của mình ở phòng khách khi đang phải chuẩn bị bữa trưa cho bọn trẻ. Trong lúc đó, đứa con 6 tuổi của người phụ nữ đã cầm laptop lên rồi bắt đầu chạy khắp nơi, không may làm rơi và khiến chiếc máy tính xách tay bị vỡ màn hình.
Sau khi nghe người trông trẻ trần tình, bà mẹ ngay lập tức xin lỗi cô ấy. Tuy nhiên, xét trên góc độ từ hai phía, bà mẹ nhận thấy người trông trẻ cũng có lỗi khi để laptop trong tầm với của những đứa trẻ.
"Hai con của tôi đã đủ lớn để hiểu không được chạm vào đồ của người khác. Tuy nhiên, lý do làm vỡ rất có thể là chúng nghĩ chiếc laptop này thuộc sở hữu của chúng tôi vì nó ở trong nhà chúng tôi”
Ngay lập tức, người trông trẻ đã hỏi liệu bà mẹ có thể chi trả phí sửa chữa laptop hay không vì cô sắp phải tham gia kỳ thi mà lại không đủ tiền để sửa. Nhận được yêu cầu này, người mẹ đã từ chối, một mực khăng khăng đó là lỗi sai của người trông trẻ, chứ không phải con của cô.
Cuối cùng, cả 2 đã nảy ra tranh cãi và người mẹ bảo người trông trẻ đi về nhà. Sau đó, người mẹ đã nhận được cuộc gọi từ bố của người trông trẻ. Ông ấy đổ mọi lỗi sai lên người mẹ và yêu cầu trả tiền sửa máy tính nhưng cô vẫn từ chối. Hiện tại, người trông trẻ không chịu đi làm nữa dù đã được trả tiền công để chăm sóc cho bọn trẻ và tình trạng này sẽ chỉ chấm dứt cho đến khi người mẹ đồng ý chi trả phí sửa chữa như yêu cầu.
Sau khi được đăng tải, sự việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn của netizens. Nhiều ý kiến đã được đưa ra, không ít cư dân mạng cho rằng người trông trẻ đã không làm tròn trách nhiệm, nhận tiền nhưng lại mang laptop đến làm việc riêng nên xảy ra sự cố thì người này phải tự chịu trách nhiệm. Và nửa còn lại thì đồng tình rằng người mẹ hai con mới là người đã sai trong tình huống này.
- Cô gái trẻ kia sai lè ra, đi trông trẻ lại mang đồ đến làm việc riêng, rồi còn để trẻ con một mình nên chúng mới có cơ hội đụng đến đồ của cô ta chứ.
- Hai bên mỗi người đều có cái sai, nên ngồi lại giải quyết bình tĩnh chứ không nên mang lên mạng thế này.
- Tôi cảm thấy không đồng tình về lời giải thích của người mẹ rằng những đứa trẻ có thể nghĩ rằng đó là đồ của chúng tôi. Thành thử, nếu con bạn thường xuyên hành xử với những thứ đắt tiền một cách tùy tiện chỉ vì tưởng rằng đó là của chúng, thì thật sự không ổn chút nào.
- Nó đã xảy ra trong nhà của bạn và được thực hiện bởi con bạn. Hãy trả tiền cho người trông trẻ đi! Nếu không, rất có thể cô ấy sẽ kiện bạn đấy.
Cha mẹ nên xử lý thế nào khi con phá hoại tài sản của người khác?
Khi con cái phá hoại tài sản của người khác, các bậc cha mẹ thường chia làm hai trường phái. Một bên một mực bênh con chằm chặp, luôn lấy lý "cháu nó còn nhỏ, có biết gì đâu" để biện minh cho lỗi sai của trẻ. Đây là phương pháp giáo dục cực kì tiêu cực, vừa gây ảnh hưởng đến người khác vừa làm ảnh hưởng đến quá trình tu dưỡng đạo đức, nhận thức đúng sai của trẻ.
Ở một diễn biến khác, nhiều bậc phụ huynh lại cảm thấy tức giận khi phát hiện con cái phá hoại tài sản của người khác hoặc tài sản của chính mình, thậm chí là la hét, quát mắng... Nhưng việc đánh đập hay la mắng không giúp trẻ có hành vi đúng đắn hơn, làm tốt hơn, mà sẽ dạy trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh mỗi khi trẻ mắc sai lầm.
Dưới đây là 5 điều cha mẹ cần làm khi tình huống con phá hoại tài sản của người khác xảy ra:
1. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân
Khi vội trách con mà chưa biết được chuyện gì thực sự đã xảy ra sẽ khiến trẻ tổn thương. Do đó, hãy tìm cách hiểu được cốt lõi vấn đề, dùng những câu hỏi gián tiếp và trực tiếp để tìm hiểu xem nguyên nhân xuất phát từ đâu. Như vậy, trẻ sẽ không phải chịu những lời mắng oan, vô căn cứ từ người lớn.
Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, có rất nhiều ông bố bà mẹ thấy con phá hoại tài sản của người khác mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đã chăm chăm bênh con, mặc là con sai, mặc con vô lí, mặc con hỗn láo. Họ thậm chí còn cãi nhau tay đôi với nạn nhân. Điều này là vô cùng tai hại vì sẽ khiến con trở nên ngang bướng, cục cằn...
2. Để con tự chịu trách nhiệm
Bất kể lý do cho hành vi của con bạn là gì, chúng cần phải tự chịu trách nhiệm. Nếu trẻ làm thủng một lỗ hổng trên tường và chi phí để sửa lại khoảng 2 triệu đồng. Hãy để trẻ chịu trách nhiệm bằng cách làm công việc nhà. Điều đó giống như việc trẻ phải "trả nợ" cho hành vi không đúng của chúng.
Nếu con bạn thực sự hối hận về hành vi của mình, chúng sẽ sẵn sàng làm việc. Nếu không, bạn sẽ cần sử dụng nhiều cách sáng tạo hơn để thu lại số tiền đó. Chẳng hạn, bạn thường chi bao nhiêu tiền để mua đồ chơi yêu thích cho con? 500 nghìn đồng? Nếu con bạn không sẵn sàng "trả nợ" bằng cách làm việc nhà, bạn có thể cho con 200 nghìn đồng để mua đồ chơi. Chúng vẫn có thể mua được, nhưng sẽ là một món đồ rẻ hơn mà không phải thứ chúng yêu thích. Điều đó, sẽ khiến trẻ suy nghĩ nghiêm túc về hành vi vi phạm của mình.
Việc cha mẹ bắt con phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với tài sản được coi là hành động được thực hiện vì tình yêu thương và sự tôn trọng.
3. Dạy con các quy tắc
Đầu tiên, cha mẹ nên nói với con rằng việc phá hủy tài sản là không thể chấp nhận được. Hãy nói về những hậu quả có thể xảy ra nếu con phá hoại tài sản của người khác. Và hãy cho con hiểu sự tức giận tức thời của con không phải là cái cớ để hủy hoại tài sản của người khác.
Ngoài ra, nếu con tức giận đến lỗi ném vỡ điện thoại, hãy nói với chúng rằng: "Vì con làm hỏng điện thoại nên bây giờ con sẽ không có gì để dùng nữa" và dĩ nhiên đừng mua cho chúng bất kỳ một cái mới nào khác. Đây được gọi là "hệ quả tự nhiên" và đó là một trong những cơ hội tốt để con bạn biết rằng hành vi của chúng là sai lầm.
Ngoài ra, nói chuyện với con một cách bình tĩnh, chân thành là một cách tốt để thay đổi hành vi của trẻ. Nếu chúng cần giải phóng năng lượng, cha mẹ có thể cho con tham gia vào một số hoạt động ngoại khóa. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ giảm bớt cảm giác căng thẳng bằng cách đếm số trong đầu. Ngoài ra, việc viết nhật ký, học âm nhạc, vẽ, nặn đất sét... cũng là cách hữu hiệu để trẻ giải tỏa cảm xúc.
4. Kiên trì, kiên trì và thật kiên trì!
Hãy áp dụng những gợi ý này vào việc dạy con ngay hôm nay nhưng hãy nhớ rằng phải kiên nhẫn. Con bạn sẽ cần thời gian và luyện tập để cải thiện, vì vậy tốt nhất hãy bình tĩnh và kiên trì yêu cầu con bạn phải chịu trách nhiệm. Những việc này có thể mất thời gian, nhưng công sức bỏ ra là xứng đáng.