Còn nỗi nhục nào hơn?
Những người trước tòa hôm nay, ngoài tình đồng loại, mà lẽ ra họ phải có, đương nhiên có, họ còn có nghĩa vụ phục vụ nhân dân của họ, vì họ hưởng lương để làm việc ấy. Họ đa phần là lãnh đạo, họ còn phải có trách nhiệm, với nhân dân và Tổ quốc của mình.
Tòa đang xử vụ đại án “Chuyến bay giải cứu”.
Đúng như nhiều ý kiến nhận xét, đây là phiên tòa lịch sử. Trước chưa có và hy vọng sau này cũng sẽ không có, không thể có nữa.
Những bị cáo trong phiên tòa, ô nhục ở chỗ, trong tình cảnh ấy, dân táo tác bơ vơ thế, những người có trách nhiệm, ở nhiều Bộ, ngành, lại đi bóp nặn chính những công dân khốn khổ của nước mình.
Nhớ những ngày ấy, hàng đoàn người đêm ngày sống chết di chuyển bằng mọi phương tiện, cả đi bộ, từ Nam ra Bắc, từ nơi làm việc về quê, dù quê rất nghèo, họ phải từ quê đi kiếm ăn, giờ hoạn nạn, lại quê mà tìm về, rau cháo nuôi nhau. Bởi nghĩ cho cùng, quê là nơi chốn nương thân cuối cùng, là nơi con người thấy bình yên nhất, dù quê, như đã nói, vốn đã nghèo tới mức họ phải bỏ đi kiếm ăn, giờ trong cơn dịch dã, càng nghèo, càng khốn khó.
Và những người khổ sở trên đường xuyên Việt về quê ấy, đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những người dưng trên đường, dọc đường, dù sự giúp đỡ ấy cũng mang phiền lụy trong những ngày dịch dã cách ly chứ không phải thong dong như ngày thường.
Là những người dân nấu nước mua bánh mì bánh bao, xôi... để ra đường giúp bà con. Những người sửa xe miễn phí, người lấy xe nhà chở cho một đoạn, thậm chí tặng cả cái xe máy. Và có tới mấy người phụ nữ ra đường phát tiền cho bà con. Người thì tiền trần, người thì tiền trong phong bì. Tôi nhớ mình đã ứa nước mắt khi nhìn cả gia đình kín mít trên xe máy khi bất ngờ nhận tiền đã đồng loạt xuống xe cúi đầu cám ơn. Dân không quên ơn ai bao giờ...
Thế mà giờ, trước tòa, những con người đa phần là công bộc của dân, đã từng ở nhiều vị trí công tác khác nhau, từ cán bộ ngoại giao tới lãnh đạo cấp tỉnh... những người ngoài tình cảm đồng loại, thì họ được trả lương để phục vụ công dân của họ, điều mà những người tôi kể phía trên kia không có. Những người phía trên họ làm vì tình cảm, vì tình thương, vì sự động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời khốn khó dù có khi họ cũng đang khốn khó.
Còn những người trước tòa hôm nay, ngoài tình đồng loại, mà lẽ ra họ phải có, đương nhiên có, họ còn có nghĩa vụ phục vụ nhân dân của họ, vì họ hưởng lương để làm việc ấy. Và hơn cả lương, bởi việc lương có thể chỉ nói nhân viên. Họ đa phần là lãnh đạo, những người ngoài việc hưởng lương một cách lạnh lùng, họ còn phải có trách nhiệm, với nhân dân và Tổ quốc của mình.
Thế mà họ đã, đúng nghĩa là, trấn lột đồng loại trong cơn khốn khó, trong cơn hoảng loạn vì dịch bệnh bất ngờ. Trấn lột hết sức nhẫn tâm.
Nhớ có lần một nhà báo tôi quen, ông này thân với ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành phố Hội An, kể rằng đã chứng kiến một doanh nghiệp đưa phong bì cho ông Sự. Khi ông Sự đã quay lưng đi thì vị này chạy theo đưa, ông Sự cương quyết trả lại, dù ông doanh nghiệp nói chỉ là quý nhau biếu nhau chứ chả nhờ vả gì?
Ông nhà báo cự ông Sự: Ông không lấy cho ông thì ông lấy rồi cho lại dân nghèo á, mắc chi từ chối. Mà nhà ông cũng có khá giả gì cho cam? Ông Sự nói: Không được. Phong bì nó như ma túy ấy. Cầm được một lần rồi sẽ cầm tiếp. Mà quen rồi tới lúc lâu lâu không có ai đưa thì... buồn. Thì lại đi gợi ý người ta đưa. Kết quả giờ về hưu ông Sự cứ tèn tèn dép lê quần sooc đi cà phê mỗi sáng, ngồi lẫn với dân đen Hội An, nói chuyện trên trời dưới biển với họ, thi thoảng cũng có thể đệm vài từ dân dã cho sướng mồm.
Còn trước tòa hôm nay, ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, đồng hương của ông Sự, đã chứng minh ông Sự... đúng khi khai: Đã nhận phong bì một lần rồi rất khó từ chối lần 2, kết quả ông này nhận tới... 9 lần với hơn 5 tỷ đồng. Mà với hơn 5 tỷ đồng thì chắc chắn không phải phong bì mà là... va li hoặc ba lô.
Buồn hơn nữa là quan chức nhưng đồng thời là trí thức, là nhà khoa học. Lâu nay tôi vẫn kính trọng trí thức, bởi họ học nhiều biết rộng, đọc nhiều sách, tính nhân văn, lòng trắc ẩn chắc chắn sẽ... mênh mông hơn người thường, ít nhất là hơn tôi. Là tôi muốn nhắc tới ông đại sứ Việt Nam ở Malaixia Trần Việt Thái. Ông này không chỉ là Đại sứ bình thường, ông ấy cũng là một trí thức, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Chao ơi, qua ông này mới thấy, đúng là trí thức cũng có "trí thức this, trí thức that"!
Ông này, theo cáo trạng đã trấn lột của 1.900 người Việt Nam là tù nhân mãn hạn tù bị nước sở tại đuổi về nước vì dịch. Ai cũng biết đã đi tù thì khổ tới như thế nào, nhưng họ và gia đình đã phải vay mượn để đóng cho ông Thái và cấp dưới của ông ta.
Và đau xót hơn, họ "ốp" của cả chị em cùng khổ, đối tượng mà dân Việt hay gọi “gái ngành”, mà trước tòa ông Thái khai là sang đấy làm nghề “nhạy cảm”. Mà sang đó họ cũng rất khổ, đi theo dạng du lịch, hết hạn visa lại phải về rồi sang lại.
Và bị bắt bị tù, và bây giờ khi mãn hạn tù, bị trục xuất về thì bị vị đại sứ này và một số nhân viên nặn tới cái... lai quần của họ.
Nói thật, nuốt được tới cả những đồng tiền ấy, thì không cần tuyên án, ông này đã chết rồi. Lại nhớ bà nguyên Phó Chủ tịch nước từng nói: Ăn không từ một thứ gì? Thì đúng là không từ một thứ gì, áp vào trường hợp này không thể chính xác hơn.
Ăn của tù đã táng tận lương tâm rồi, tới của cả “gái ngành” kiêm tù nhân thì sự khốn nạn nó lên tới đỉnh điểm.
Hôm qua, một bác sĩ, từng là Giám đốc một bệnh viện dã chiến gửi cho tôi mấy bức ảnh bác sĩ trong bệnh viện của anh. Tôi xin tòa soạn đăng kèm để chúng ta nhớ một ngày chưa xa chúng ta đã sống như thế nào, các bác sĩ tuyến đầu đã vất vả khổ sở ra làm sao ?
Một ảnh là 2 bác sĩ tranh thủ nghỉ sau ca cấp cứu, và ảnh sau là một ca mổ đẻ tại bệnh viện dã chiến. Mẹ cháu bé trên đường về quê bằng xe máy tới địa phận Gia Lai thì đau đẻ.
Và, trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, các bác sĩ ở bệnh viện dã chiến đã mổ thành công, mẹ tròn con vuông. Nhớ là hồi ấy, cứ ngoáy mũi 2 vạch là vào khu cách ly. Nhiều cái chết hết sức thương tâm. Chúng ta đang chuẩn bị xử đại án thứ hai liên quan Covid: Việt Á.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.