Con người ngày càng yếu ớt vì lười vận động: Tất cả là tại công nghệ

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:52:16

Nhưng theo một chủ nghĩa được gọi là "Technological fix" vẫn là công nghệ - thứ có thể giúp chúng ta sửa chữa điều đó.

Nếu để chọn ra một đặc điểm khiến con người khác biệt với tất cả các loài động vật khác trên thế giới, thì đó là khả năng sử dụng và liên tục cải tiến công cụ của mình. Khoảng 2,3 triệu năm về trước, Homo habilis đã trở thành giống người đầu tiên biết sử dụng công cụ bằng đá.

Sau đó là người Homo erectus, sống cách chúng ta 2 triệu năm, giống loài đầu tiên rời khỏi Châu Phi với ngọn lửa trên tay. Ngày nay, chúng ta coi một ngọn đuốc là điều gì đó rất bình thường, nhưng với người Homo erectus, đó là một thứ công nghệ siêu cấp, thứ giúp họ nấu nướng và bảo vệ bản thân.

Xuyên suốt lịch sử, công nghệ là thứ đã khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng và đỡ mất sức hơn. Thay vì phải tự mình mang vác thực phẩm đi hàng dặm đường mỗi ngày thì khoảng 7.000 năm trước, ai đó trong số tổ tiên chúng ta đã phát minh ra bánh xe hình tròn và một vài con ngựa kéo.

Rồi chúng ta có thuyền buồm để không phải tự mình kéo đẩy mái chèo, có ròng rọc, đòn bẩy để cẩu đồ vật, có bánh xe nước, cối xay gió…

Đến những năm 1750 tới 1914, chúng ta đã lần lượt được chứng kiến những cuộc cách mạng khoa học công nghiệp, thứ tạo ra những cỗ máy dần thay thế con người trong tất cả các công việc nặng nhọc, từ máy ép thủy lực, máy gặt đập liên hợp cho đến cần cẩu, máy xúc và thậm chí máy đóng gói sản phẩm.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Nửa sau của thế kỷ 20, một cuộc cách mạng điện tử viễn thông còn khiến con người trở nên lười biếng hơn. Nó giúp chúng ta thậm chí có thể ngồi một chỗ làm mọi thứ.


Bạn không phải chạy ra hòm thư vì đã có email và điện thoại, không phải giặt quần áo vì đã có máy giặt và máy sấy, không phải quét nhà vì đã có robot hút bụi tự động. Và lần đầu tiên trong lịch sử, có những công việc mà con người chỉ cần ngồi một chỗ cả ngày cũng có thể "kiếm ăn" .

Hãy tưởng tượng ánh mắt một người Homo erectus nhìn một nhân viên văn phòng khi anh ta ngồi trước máy tính cả ngày và gọi Grab Food cho bữa trưa của mình.

Trong vòng 100 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến một sự dịch chuyển lớn từ các công việc lao động chân tay, ví dụ như làm nông, sản xuất, xây dựng, sang các công việc văn phòng, ít vận động.

Ví dụ như tại Hoa Kỳ năm 1960, cứ hai người Mỹ thì có một người làm công việc đòi hỏi thể chất. Con số đó đã giảm xuống chỉ còn 1/5 vào năm 2011. Điều đó có nghĩa là bây giờ, để kiếm cho mình một công việc văn phòng còn dễ hơn gấp 4 lần so với một công việc lao động chân tay.


Nếu như trong quá khứ, công việc văn phòng từng được coi là chỉ dành cho người trí thức, cho chuyên gia, những người được gọi một cách trang trọng là " cổ cồn trắng ". Thì bây giờ, khi bạn gõ google " công việc văn phòng ", từ khóa tiếp theo Google đề xuất cho bạn là " không cần bằng cấp".

Một lần nữa, tất cả là tại công nghệ, những điện thoại, những máy tính và internet đã đơn giản cách mà chúng ta làm việc đi rất nhiều. Thật không may, việc ngồi ở văn phòng cả ngày không sướng như nhiều người lầm tưởng.

Bắt đầu từ năm làm việc văn phòng thứ hai trở đi, nhiều người sẽ cảm thấy công việc văn phòng đang tàn phá cuộc sống của họ. Những chiếc ghế bắt đầu khiến lưng họ bị gù và đau. Đó là do áp lực liên tục đặt lên cột sống khi họ ngồi lớn hơn khi họ đứng.

Đặc biệt, nó sẽ gây thiệt hại lớn trong trường hợp bạn ngồi gập người để dùng máy vi tính. Thống kê chỉ ra rằng cứ 10 người gặp vấn đề về lưng thì có 4 người dành quá nhiều thời gian của họ để dùng máy vi tính.

Chưa dừng lại ở đó, vấn đề còn xảy ra với các đĩa đệm cột sống lưng. Khi bạn đứng dậy và di chuyển, các đĩa đệm có thể co giãn cho phép chúng hấp thụ máu và chất dinh dưỡng. Khi ngồi, các đĩa đệm này bị nén và mất dần sự linh hoạt theo thời gian. Ngồi quá nhiều còn làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

Tư thế đứng đòi hỏi bạn phải căng các cơ bụng. Điều này không xảy ra khi bạn ngồi, cuối cùng dẫn đến cơ bụng trở nên yếu. Ngồi cũng khiến cho hông của bạn thoái hóa. Nó sẽ trở nên cứng và giảm độ linh hoạt.

Một điều hiển nhiên nữa, ngồi đặt áp lực lên mông. Bên cạnh đó thì cơ mông không hoạt động sẽ bị suy yếu dần. Lâu dài, nó ảnh hưởng đến sức mạnh của cả sải chân khi bạn đi bộ, chạy hoặc nhảy.

Còn nữa, khi bạn ngồi, máu ở chân trở nên lưu thông kém. Bạn sẽ chứng kiến mắt cá chân mình bắt đầu phồng lên. Đó là khi ở bên trong, các tĩnh mạch bắt đầu giãn ra và có thể nhiều cục máu đông sẽ hình thành.

Tiếp theo đó là hội chứng cổ vai gáy: Khi làm việc bàn giấy với máy vi tính, thường thì cổ và đầu của bạn sẽ hướng về phía trước. Điều này về lâu dài sẽ khiến tình trạng căng cơ xảy ra ở các đốt sống cổ, dẫn đến mất cân bằng tư thế vĩnh viễn, đau lưng, đau vai.

Rồi đến hội chứng ống cổ tay, khi bạn phải làm việc với bàn phím và chuột quá nhiều, lâu dần sẽ gây chèn ép lên mạch máu ở cổ tay. Nó khiến tay bạn trở nên yếu đi và bị mỏi mệt thường xuyên.


Nhìn chung, công việc văn phòng đều khiến chúng ta yếu đi. Nó đúng với câu châm ngôn " use it or lose it ". Nhưng ngay cả khi những người làm việc văn phòng được cho là dùng nhiều đến não bộ, chức năng não của họ cũng bị chậm lại nếu cứ ngồi quá lâu một chỗ.

Đó là bởi khi ngồi, bộ não của bạn sẽ nhận được ít máu hơn, ít oxy hơn, những yếu tố cần thiết cho việc phát hành các hóa chất cải thiện tâm trạng và hoạt động của não.

Đúng là không chỉ có vậy, dưới một cấp độ sâu hơn, lối sống ít vận động ở văn phòng kéo dài trong nhiều năm liền còn ảnh hưởng tới hoạt động tế bào và gây ra một loạt các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Khi ngồi, máu bạn sẽ chảy chậm hơn, cơ bắp cũng sẽ đốt cháy ít chất béo hơn. Hai điều kiện này làm cho các axit béo có khả năng cao làm tắc nghẽn tim. Nghiên cứu trên tạp chí American College of Cardiology chỉ ra bằng chứng cho thấy những phụ nữ ngồi nhiều hơn 10 tiếng một ngày có nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn đáng kể so với những người ngồi ít hơn 5 tiếng.

Khả năng đáp ứng với insulin của cơ thể bị ảnh hưởng chỉ sau một ngày duy nhất ngồi quá nhiều. Tuyến tụy lúc này sản sinh nhiều insulin hơn, một trong những yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu trên tạp chí Diabetologia cho thấy nhóm người ngồi nhiều nhất có khả năng mắc tiểu đường và bệnh tim gấp đôi so với nhóm có thời gian ngồi ít nhất trong ngày. Ngồi nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày được liên kết với 90% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 gia tăng.

Ngồi quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, vú và tử cung. Cơ chế của sự ảnh hưởng chưa được tìm hiểu rõ, nhưng có thể đó cũng là hậu quả của việc cơ thể sản xuất dư thừa insulin, khuyến khích sự tăng trưởng của tế bào.

Thêm nữa, thay vì ngồi một chỗ, khi bạn hoạt động, nồng độ chất chống oxy hóa trong cơ thể sẽ tăng lên, khiến các gốc tự do gây ung thư được loại bỏ.

Một lý do khác khiến nguy cơ ung thư gia tăng là tình trạng tăng cân, dẫn đến thay đổi các quá trình sinh hóa, ví dụ như thay đổi nội tiết tố, rối loạn chức năng trao đổi chất, chức năng leptin, gây viêm nhiễm…

Việc giảm hoạt động thể chất tổng thể, bất kể nguyên nhân, đã gây ra một trong những "dịch bệnh" nghiêm trọng nhất bây giờ, đó là tình trạng béo phì. Ở Mỹ, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng vọt từ dưới 50% vào những năm 1960 lên gần 80% hiện nay.

Hậu quả sức khỏe của bệnh béo phì rất sâu sắc, nó bao gồm sự khởi đầu của bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch, các tình trạng tâm thần và tâm lý, và nhiều bệnh lý mạn tính khác.

Một nghiên cứu trên tạp chí American Journal of Epidemiology còn chứng minh điều đáng sợ hơn. Ngồi quá nhiều trong ngày có thể ảnh hưởng sâu tới tận cấp độ vật chất di truyền. Nó làm cho phần đầu nhiễm sắc thể ngắn lại và khiến bạn già hơn 8 tuổi so với thực tế.

Điều đó có nghĩa là bạn càng ngồi nhiều, tuổi thọ của bạn càng ngắn lại. Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí British Journal of Sport Medicine cho biết cứ mỗi giờ bạn giành ra để ngồi xem tivi sau tuổi 25, cuộc đời của bạn sẽ bị rút ngắn đi mất 22 phút.

Để hình dung được mức độ ảnh hưởng này tai hại đến thế nào, hãy so sánh nó với việc hút thuốc. Mỗi điếu thuốc lá được hút sẽ chỉ làm giảm tuổi thọ của bạn 11 phút.

Một nghiên cứu trên tạp chí Obesity Panacea cũng chỉ ra những người ngồi trên 6 tiếng mỗi ngày có tuổi thọ trung bình ngắn hơn tới 5 năm, so với những người không làm điều đó.

Rõ ràng là có một tác động không thể bỏ qua của việc ngồi quá nhiều đến tỉ lệ tử vong của từng cá nhân. Khi nhìn vào mức độ phổ biến của thói quen này, trong thời đại mà cứ 5 người thì có 4 người làm việc văn phòng, rất có thể tuổi thọ trung bình dân số nói chung cũng đã bị ảnh hưởng.

Mặc dù chúng ta có thể đổ lỗi cho công nghệ đang khiến con người ít vận động hơn và trở nên yếu ớt hơn. Nhưng công bằng mà nói, công nghệ cũng lại chính là thứ giúp chúng ta gia tăng tuổi thọ.

Đó là bởi các cuộc cách mạng công nghệ không chỉ giới hạn trong việc cải thiện năng suất làm việc, mà nó còn giúp phát triển lĩnh vực y tế. Nhờ khoa học công nghệ, chúng ta mới có máy X-quang, vắc-xin, thuốc kháng sinh…

Thế kỷ 20 là khoảng thời gian con người phát minh ra hàng loạt các công cụ và phương pháp chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh tật. Kết quả là tuổi thọ giống loài đã tăng từ mức ổn định dưới 50 tuổi trong hàng ngàn năm lên tận 80 tuổi ở thời điểm hiện tại.

Một lần nữa, xuyên suốt lịch sử loài người, khi một công nghệ mới được phát minh, một mặt, nó sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng mặt trái, công nghệ đó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề.

Một ví dụ là việc phát triển công nghệ hạt nhân, ở mặt tốt của nó, nó đã giúp chúng ta xây dựng được những nhà máy điện không phát thải. Nhưng mặt trái, công nghệ hạt nhân cũng có thể được sử dụng làm vũ khí, và nhà máy điện hạt nhân thì tiềm ẩn một số rủi ro và rác thải phóng xạ.

Trong một ý tưởng được gọi là "technological fix", các nhà kỹ thuật cho rằng để giải quyết vấn đề mà một công nghệ gây ra, chúng ta cần tạo ra các công nghệ mới. Ví dụ như một hầm mộ chôn giấu chất thải phóng xạ đang được xây dựng ở Phần Lan.

Vậy với xu hướng ít vận động sau cuộc cách mạng điện tử viễn thông, chúng ta có thể dùng thứ công nghệ nào để giải quyết nó?

Ý tưởng sử dụng công nghệ để khuyến khích hoạt động thể chất đã có từ năm 1965, với sự ra đời của máy đếm bước chân. Một công ty Nhật Bản có tên là Yamasa đã chế tạo ra chiếc máy và khuyến khích người đeo nó di chuyển 10.000 bước mỗi ngày.

Ngày nay, chúng ta có các bộ đếm bước được tích hợp trong điện thoại di động, các vòng theo dõi sức khỏe và đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, trong khi một số nghiên cứu cho thấy các thiết bị này có thể giúp theo dõi nhiều chỉ số sức khỏe của cơ thể, chúng không thực sự giúp chúng ta chăm tập luyện hơn.

Điểm mấu chốt nằm ở hành vi và lối sống ít vận động không thể được thay đổi chỉ vì bạn đeo một thiết bị theo dõi vận động. Các nhà khoa học gọi đó là Lý thuyết Cảm xúc- Phản xạ (The Affective-Reflective Theory-ART) giải thích rằng việc một ai đó thay đổi lối sống của họ từ ít vận động sang vận động chỉ có thể được kích hoạt và duy trì bằng cảm xúc tức thì thay vì kiến thức hay việc lập kế hoạch.

Vì vậy, việc bạn nói với một nhân viên văn phòng vào bữa trưa là hãy đứng dậy, ra khỏi ghế và vận động 15 phút vì sức khỏe là khá vô nghĩa, trong khi họ đang tranh thủ lướt Facebook hay xem Youtube và chúng lên tục "feed" họ với những món ăn đầy cảm xúc.

Do đó, các việc giải quyết xu hướng ít vận động của nhân viên văn phòng ngày nay được đặt hi vọng vào các công nghệ trực tiếp hơn. Ví dụ như một chiếc bàn đứng hoặc những máy đạp xe tích hợp ngay dưới gầm bàn mà một công ty tên là FitDesk đang phát triển.

Hoặc là việc vận động phải tạo ra một thứ gì đó thú vị cho người tham gia, chẳng hạn như phần thưởng. Đây là hướng tiếp cận của một lĩnh vực được gọi là "exergaming", trong đó những nhà phát triển trò chơi đang tạo ra những tựa game trong thế giới ảo nhưng đòi hỏi sự vận động ngoài đời sống thực.

Một mô hình cơ bản của thể loại game này là thảm nhảy Audition, thứ mà bạn có thể thấy trong các khu trò chơi ở siêu thị. Nhưng bạn cũng có thể mua nó về nhà, hay văn phòng, đeo tai nghe và một kính thực tế ảo để vận động trong một thế giới trực tuyến.

Gần đây, một trò chơi mới có tên là StepN thậm chí đã mở đầu trào lưu được gọi là "move to earn" , trong đó sự năng động của người chơi được trả thưởng bằng những đồng tiền điện tử.

Trong khi toàn bộ lĩnh vực này đang ở giai đoạn sơ khai, các nghiên cứu ban đầu cho thấy một số xu hướng tích cực. Tập thể dục thông qua các trò chơi điện tử có thể giúp người chơi giảm cholesterol và chất béo trong cơ thể, đồng thời tăng sự thích thú và hiệu suất bản thân.

Một nghiên cứu ở những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ ra người chơi các trò chơi đòi hỏi vận động quản lý mức đường huyết của họ tốt hơn những người chỉ tập thể dục trong đời sống thực với các bài tập tiêu chuẩn.

Với sự xuất hiện gần đây của công nghệ thực tế ảo, và cả các ý tưởng như Metaverse và Web 3.0, cơ hội cho các mô hình tập thể dục mới dựa trên công nghệ là vô tận. Và có thể mọi thứ sẽ không dừng lại ở trò chơi, chúng ta cũng có thể tạo ra các mạng xã hội, các phòng học, phòng làm việc online năng động hơn trên môi trường trực tuyến.

Vì vậy, ý tưởng "technological fix" dành cho một thế giới ngày càng lười vận động trên internet không phải không có cơ sở. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các công nghệ khuyến khích mọi người vận động nhiều hơn khi sử dụng chính những công nghệ này.

Tổng hợp


Theo Thanh Long

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook