Con người gặp cảnh khốn khó nguy nan là chuyện tốt
Khi khó khăn ập đến, khi nguy khốn cận kề, con người ta thường khó mà nhẫn chịu được. Người ở dưới áp lực lớn, đôi khi sẽ đưa ra những quyết định sai lầm. Vậy nhưng cổ nhân lại khuyên rằng: Con người gặp cảnh khốn khó là chuyện tốt. Tại sao lại nói như vậy?
Tề Hoàn Công lúc đầu là em Vua, tên thật là Khương Tiểu Bạch. Vì Vua bị giết mà Tiểu Bạch phải chạy trốn đến ấp Cử. Đến lúc có cơ hội trở về làm Vua thì Tiểu Bạch bị Quản Trọng bắn, phải giả chết. Nhưng cũng từ khốn cảnh đó mà khi lên ngôi, Tề Hoàn Công khiến nước Tề cường thịnh, bản thân xưng bá chư hầu.
Việt Vương Câu Tiễn bị Ngô Vương Phù Sai đánh bại, bắt về nước, chịu đủ khổ cực. Ông nhịn nhục nếm phân Ngô Vương, đến khi được thả về thì nằm gai nếm mật. Cuối cùng Câu Tiễn diệt nước Ngô, làm nên nghiệp lớn.
Tấn Văn Công bởi vì bị Ly Cơ hãm hại mà phải chạy trốn. Ông lưu lạc qua các nước Địch, Tề, Sở, Tần, đến khi về nước lên ngôi thì lại phải bí mật chạy qua Tần vì sợ bị bầy tôi hãm hại. Nhưng sau khi quay lại nước Tấn nắm triều chính, ông đã đặt nền móng cho sự hùng mạnh của Tấn triều trong 100 năm sau.
Con người mà chưa kinh qua hoàn cảnh khốn khó thì sẽ không có được sự từng trải cần thiết, suy xét vấn đề sẽ không được xa. Con người không có sự “ma luyện” thì không thể rèn ra nhân cách cao cả, không thể bình tĩnh, nhẫn nhịn, bao dung, cũng không biết nỗ lực vươn lên mạnh mẽ.
Trong “Sử ký – Khổng Tử thế gia” có ghi chép lại rằng khi Khổng Tử cùng học trò đi qua đất Trần và đất Thái, các quan đại phu vì đố kỵ và sợ tài của Khổng Tử mà vây ông ở ngoài đồng, không cho đi. Khổng Tử hết lương ăn, những người đi theo đều ốm không dậy được, nhưng Khổng Tử vẫn giảng giải, ngâm thơ, đánh đàn và ca hát không tỏ ra suy yếu.
Tử Lộ có vẻ giận đến hỏi: “Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?”
Khổng Tử nói: “Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.”
Khổng Tử nhân đó giảng giải và bàn luận cùng học trò. Đến lượt mình, Nhan Hồi mới nói:
“Đạo của Phu tử hết sức lớn lao nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng Phu tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp thì có hại gì? Người ta không dung nạp nhưng sau này người ta sẽ thấy Phu tử là người quân tử. Đạo không được trau dồi, đó là cái điều ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã trau dồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm Vua một nước. Người ta không dung nạp Phu tử thì có hại gì? Về sau người ta sẽ thấy Phu tử là người quân tử.”
Lần đó Sở Chiêu Vương đem binh đón Khổng Tử, các thầy trò thoát nạn.
Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước cuối thời Xuân Thu. Khổng Tử rời khỏi nước Lỗ, bị ruồng bỏ ở nước Tề, bị đuổi ở nước Tống và nước Vệ, bị nguy khốn ở giữa miền nước Trần và nước Thái… Khi thấy các vị Vua đương thời không thể thi hành được Đạo của mình, Khổng Tử đã lui về soạn sách, dạy học, cuối cùng trở thành vạn thế sư biểu.
Trong Chu Dịch viết: “Con người gặp phải khốn khó là một chuyện tốt lành, thuận lợi. Người chính trực cao thượng cuối cùng sẽ gặp may mắn và không có tai họa”. Kỳ thực, “khổ tận cam lai” , khốn khó, nguy nan rồi mới đến hạnh phúc đã trở thành một quy luật trong cõi nhân sinh, cũng giống như từ lạnh chuyển sang ấm rồi lại từ ấm chuyển sang lạnh. Ở trong đại biến hóa, con người càng được khảo nghiệm và rèn luyện. Sự huyền diệu và lợi ích ẩn sâu trong hoàn cảnh khốn cùng thì chỉ có bậc hiền nhân, người tài đức mới biết rõ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Đời người nhiều khi không phải đến cuối cùng mà là đến ngã rẽ
Mời xem video :