Cơn 'khát' khí đốt dâng cao trên toàn cầu, những quốc gia này đang nắm giữ kế hoạch "bom tấn" để thống trị thị trường
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt trên thế giới bị thắt chặt, các quốc gia Trung Đông đang có những kế hoạch tiềm năng để phát triển khí đốt. Những kế hoạch được đánh giá có thể sẽ giúp những quốc gia này thu được lợi nhuận khổng lồ và có thể thâu tóm thị trường năng lượng.
Trong bối cảnh cơn khát khí đốt của thế giới dâng cao, các quốc gia khu vực Trung Đông đang tìm cách thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên của mình bởi nhu cầu được dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới.
Qatar, một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, đã dẫn đầu về khí đốt ở Trung Đông trong nhiều năm qua, trong khi các quốc gia vùng Vịnh giàu khí tự nhiên khác lại có vẻ bị tụt hậu khi phát triển các dự án khí đốt.
Các nhà sản xuất dầu lớn trong OPEC cùng với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã và đang làm việc để tăng sản lượng khí đốt trong nước với một số dự án được lên kế hoạch cùng với các dự án giảm carbon để giảm lượng khí thải. Oman, quốc gia ngoài OPEC nhưng là một phần của liên minh OPEC+, cũng đang đặt cược vào việc sản xuất nhiều khí đốt hơn, mở rộng khai thác và sản xuất khí đốt.
Thị trường khí đốt toàn cầu đã biến động mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Nhu cầu dự kiến sẽ còn tăng mạnh khi châu Âu đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Đây là những tín hiệu tích cực cho các quốc gia Trung Đông để có thể đẩy mạnh xuất khẩu, thâu tóm thị trường năng lượng.
Nhu cầu LNG tăng vọt
Nhu cầu về khí đốt của châu Âu từ các nguồn cung ngoài Nga được cho là sẽ tăng mạnh mẽ trong nhiều năm tới khi EU đang tìm cách thay thế những đường ống dẫn khí từ Nga càng sớm càng tốt.
Những người mua LNG đang quay trở lại với các hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho khí đốt không phải của Nga và tự bảo vệ mình khỏi giá giao ngay đang ngày càng tăng đột biến.
"Nhiều người mua LNG truyền thống sẽ không mua khí hoặc LNG giao ngay cũng như không gia hạn hoặc ký thêm các hợp đồng LNG với người bán Nga". Nhà phân tích chính Daniel Toleman của Wood Mackenzie cho biết vào tháng Năm, giá giao ngay cũng ở mức cao và biến động, thúc đẩy nhiều người mua hướng tới các hợp đồng dài hạn.
Trung Đông, nơi các nhà xuất khẩu lớn về cả dầu mỏ và khí đốt vốn thích các hợp đồng dài hạn, có thể đóng một vai trò lớn hơn trong nguồn cung LNG toàn cầu vào cuối thập kỷ này.
Qatar đang dẫn đầu phản ứng của Trung Đông đối với nhu cầu LNG toàn cầu với dự án mở rộng LNG lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Các nhà sản xuất khác ở vùng Vịnh cũng đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, cũng như tiêu thụ khí đốt trong nước để sản xuất điện nhằm giảm lượng dầu đốt để sản xuất điện, giải phóng nhiều dầu thô hơn cho xuất khẩu.
Dự án North Field East (NFE) của Qatar
Năm ngoái, Qatar đã công bố dự án LNG lớn nhất thế giới có tên là Dự án North Field East (NFE), được thiết lập để nâng công suất sản xuất LNG của quốc gia này từ 77 triệu tấn mỗi năm (mmtpa) lên 110 mmtpa. Dự án dự kiến bắt đầu sản xuất vào quý 4 năm 2025, sẽ tiêu tốn khoảng 28,75 tỷ USD. Qatar cũng có kế hoạch mở rộng một phần khác tại North Field, mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới mà nước này chia sẻ với Iran. Giai đoạn mở rộng thứ hai sẽ là Dự án North Field South (NFS), được thiết lập để nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất LNG của Qatar từ 110 mmtpa lên 126 mmtpa, với ngày bắt đầu sản xuất dự kiến vào năm 2027.
Công ty nhà nước QatarEnergy gần đây đã chọn các công ty lớn quốc tế như ExxonMobil, ConocoPhillips, Shell, Eni và TotalEnergies làm đối tác trong dự án mở rộng North Field East.
Các dự án xuất khẩu LNG tại UAE
Tại UAE, Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đang mở rộng đội tàu LNG của mình như một phần trong các kế hoạch chiến lược nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG hiện có và xa hơn nữa là các kế hoạch tăng trưởng của công ty.
ADNOC có kế hoạch mở một cơ sở xuất khẩu LNG mới có tên Fujairah, dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2026 đến năm 2028 và bao gồm một nhà máy LNG với tổng công suất 9,6 triệu tấn mỗi năm (Mtpa). Đầu năm nay, công ty nhà nước Abu Dhabi đã trao cho McDermott một hợp đồng cung cấp dịch vụ thiết kế kỹ thuật (FEED) cho cơ sở này.
Vài ngày trước, ADNOC đã công bố các hợp đồng khoan cho Dự án phát triển khí đốt Ghasha, dự án phát triển khí đốt ngoài khơi lớn nhất thế giới và đóng vai trò là một phần quan trọng trong kế hoạch của ADNOC nhằm giúp UAE tự cung cấp khí đốt.
Ông Sultan Ahmed Al Jaber, Giám đốc điều hành Tập đoàn ADNOC và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cho biết: "ADNOC cam kết mở khóa trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào của UAE để cho phép tự cung cấp khí đốt trong nước, tăng trưởng và đa dạng hóa ngành công nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng trên toàn cầu."
Hơn nữa, việc hợp tác với các công ty lớn quốc tế giúp ADNOC tiếp tục khám phá thêm khí đốt và dầu tại mỏ vừa công bố phát hiện từ Khu thăm dò ngoài khơi Lô 2 ở Abu Dhabi, do Italy’s Eni điều hành.
Các hợp đồng từ Oman
Oman cũng đặt cược lớn vào khí đốt của họ. Xuất khẩu LNG của họ chủ yếu đến các khách hàng châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng 8% so với mức hàng năm trong nửa đầu năm 2022. Theo Energy Intelligence, vương quốc Hồi giáo có kế hoạch mở rộng sản xuất khí đốt và đang xem xét thành lập một công ty mới để quản lý tài sản khí đốt vào cuối năm nay.
Cũng theo Energy Intelligency, Oman đang bước vào giai đoạn phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng mua bán hết hạn vào năm 2025. Tuy nhiên, bộ phận quản lý lĩnh vực dầu khí của nước này đã có nhiều thay đổi về nhân sự gần đây và đội ngũ LNG tại Bộ năng lượng vẫn còn tương đối thiếu kinh nghiệm.
Các nhà sản xuất dầu lớn ở Trung Đông hiện đang tham gia cùng Qatar trong việc mở rộng phát triển khí đốt thượng nguồn và các kế hoạch dự án xuất khẩu LNG vì nhu cầu khí đốt toàn cầu và địa phương dự kiến sẽ tăng trong nhiều năm tới.
Tham khảo: Reuters, Oilprice