"Con hổ tham lam nhất" Trung Quốc: Chỉ thích ăn tài nguyên, đút túi gần 900 tỷ VNĐ
Với gần 900 tỷ VNĐ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi đã lập kỷ lục về số tiền nhận hối lộ trong số các quan chức cấp cao kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.
Tham nhũng số tiền kỷ lục
Theo Tòa án nhân dân trung cấp thành phố An Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), số tiền hối lộ mà Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi đã nhận lên tới 246,76 triệu NDT (890 tỷ VNĐ); tài sản và chi tiêu của gia đình ông ta cũng đã vượt xa so với nguồn thu nhập hợp pháp mà không thể chứng minh nguồn gốc.
Tài khoản Zhengshier - hiện có gần 1,8 triệu người theo dõi trên trang Baidu của Trung Quốc - nhận thấy tỉnh Vân Nam là điểm dừng chân quan trọng trong sự nghiệp của Bạch Ân Bồi. Từ tháng 11/2001 đến năm 2011, Bạch Ân Bồi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam.
"Vụ án Lý Gia Đình đã có tác động rất xấu. Nếu tham nhũng không bị diệt trừ, sự nghiệp sẽ không thành, cần phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng".
Điều đáng tiếc là Bạch Ân Bồi đã sớm lặp lại những sai lầm của Lý Gia Đình, không chỉ tham nhũng mà còn lập kỷ lục nhận hối lộ gần 250 triệu NDT.
Theo thống kê của tài khoản Zhengshier, trong số các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ "ngã ngựa" sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, có 6 người đã nhận hối lộ hơn 100 triệu NDT: Bạch Ân Bồi (246,76 triệu NDT), cựu Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc (141 triệu NDT), cựu Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (130 triệu NDT), cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn Tây Kim Đạo Minh (120 triệu NDT), cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) Vạn Khánh Lương (110 triệu NDT) và cựu Bí thư Thành ủy Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải) Mao Tiểu Binh (105 triệu NDT).
Cũng theo Zhengshier, trong số các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên bị cách chức kể từ khi Trung Quốc đổi mới mở cửa đến trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, không có nhiều quan chức tham nhũng số tiền trên 100 triệu NDT. Chỉ có cựu Tổng giám đốc Sinopec Trần Đồng Hải (nhận hối lộ 195,73 triệu NDT) và cựu Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Vương Thủ Nghiệp (tham ô, biển thủ công quỹ 160 triệu NDT). Cả hai đều đã bị tuyên án tử hình.
Nhưng so với Trần Đồng Hải và Vương Thủ Nghiệp, số tiền tham nhũng của của Bạch Ân Bồi vẫn "dẫn đầu".
Cách kiếm tiền của "con hổ tham lam"
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Tin tức Bắc Kinh, cựu Phó Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Vân Nam Dương Duy Tuấn nói rằng, vào năm 2008, ông ta nhận được thông tin rằng mỏ chì kẽm Lan Bình - mỏ kẽm chì lớn nhất ở châu Á, trị giá 500 tỷ NDT (1,8 triệu tỷ VNĐ) - được một chủ doanh nghiệp tư nhân tên là Lưu Hán mua lại 60% cổ phần với giá 1 tỷ NDT (3600 tỷ VNĐ). Trước đó, Tập đoàn Luyện kim Vân Nam - một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc - đã chuẩn bị vay vốn ngân hàng để kiểm soát mỏ chì kẽm này, nhưng bị Bạch Ân Bồi từ chối. "Đây chẳng phải là bán rẻ tài sản nhà nước sao?" , Dương Duy Tuấn nói.
Ông Dương cũng phát hiện ra rằng Bạch Ân Bồi đã thúc đẩy chiến dịch "đại đô thị hóa", chiếm đất nông nghiệp, phá dỡ nhà dân, điều động công an đến đàn áp những người dân có biểu hiện chống đối, câu kết với doanh nghiệp để cưỡng đoạt ruộng đất của nông dân với giá rẻ.
Hồ sơ vụ án Bạch Ân Bồi cũng đề cập đến một vấn đề: Bạch Ân Bồi rất chú ý đến những "chỗ màu mỡ" như tài nguyên khoáng sản, chuyển nhượng đất đai và phát triển bất động sản. Nhưng Bạch rất "thông minh", không phải ai nhờ vả cũng được, chỉ có những ông chủ lớn thì Bạch mới xem xét; cũng không phải ai đưa tiền cũng được, mà phải là khoản tiền lớn thì Bạch mới nhận. Có lần Bạch Ân Bồi giúp đỡ một chủ doanh nghiệp để rồi nhận lại hàng chục triệu NDT (vài chục đến hàng trăm tỷ VNĐ).
Tài khoản Zhengshier còn nhận thấy, nhà của Bạch Ân Bồi cũng là một nơi "trao đổi tiền bạc và quyền lực".
"Tôi làm việc phía trước, còn cô ấy (vợ Bạch Ân Bồi) thu tiền phía sau. Đôi khi tôi còn cố tình tạo điều kiện cho cô ấy tham gia vào các giao dịch quyền lực - tiền bạc và nhận hối lộ dưới danh nghĩa của tôi".
Những người thân của Bạch Ân Bồi tạo thành một "cộng đồng tham nhũng". Ông ta không trực tiếp nhận tiền và tài sản, mà vợ ông ta là Trương Huệ Thanh làm "thu ngân". Hai người em họ của Trương Huệ Thanh xử lý công việc cụ thể: một người làm trung gian giữa các doanh nhân và quan chức, và người còn lại quản lý các quỹ và tài sản. Để thuận tiện cho việc nhận tiền và rửa tiền, Trương Huệ Thanh còn thành lập hơn 10 công ty sản xuất túi da dưới danh nghĩa của em họ mình.
Hồ sơ vụ án Bạch Ân Bồi cũng tiết lộ: Bạch đã nắm quyền ở Vân Nam được 10 năm, và các doanh nhân xung quanh ông ta đều đặc biệt "tích cực". Để lấy lòng Bạch, bọn họ cũng không từ một thủ đoạn nào. Một số chủ doanh nghiệp thường đến nhà Bạch để chơi mạt chược với vợ ông ta và cố tình thua. Bạch Ân Bồi mặc dù biết rõ ý định của những người này, nhưng ông ta không hề từ chối bất cứ ai muốn đến.
Ngày 9/10/2016, Bạch Ân Bồi bị tuyên án tử hình, tù giam 2 năm trước khi hành hình, bị tước quyền chính trị suốt đời, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản vì tội nhận hối lộ và có nhiều tài sản không rõ nguồn gốc. Sau đó, trong thời gian thi hành án, ông ta đã được giảm án xuống tù chung thân.