Cồn Hến - nỗi khát khao 24 năm bên kia thành Huế
Từ khi xây dựng kinh thành Huế, cùng 'hữu Bạch Hổ' - cồn Dã Viên, vua Gia Long đã coi cồn Hến là 'tả Thanh Long' - biểu trưng cho quyền uy vương quyền. Nhưng, 24 năm kể từ khi có quy hoạch đầu tiên, 'rồng xanh' nằm giữa sông Hương vẫn bị treo.
Từ khi xây dựng kinh thành Huế, cùng với cồn Dã Viên - “hữu Bạch Hổ”, vua Gia Long đã coi cồn Hến là “tả Thanh Long” - biểu trưng cho quyền uy của vương quyền. Thế nhưng, 24 năm kể từ khi có quy hoạch đầu tiên, “rồng xanh” nằm giữa chính đạo sông Hương vẫn bị treo trên bản vẽ.
Hơn 1.000 hộ dân với 4.500 nhân khẩu sống chen chúc "đi không được ở không xong". Hữu Bạch Hổ đã thành công viên tuyệt đẹp, còn tương lai nào chờ tả Thanh Long?
Quy hoạch đầu tiên cho cồn Hến (phường Vỹ Dạ, TP Huế, Thừa Thiên Huế) ra đời năm 1998 và cho đến nay, qua không biết bao đời chủ tịch tỉnh "vấn đề cồn Hến" vẫn chưa thể tìm ra lời giải phù hợp.
Năm 1998, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định quy hoạch tổng thể khu vực cồn Hến để xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ giải trí cao cấp. Được đưa vào quy hoạch, cồn Hến chỉ là một chấm nhỏ trong tấm bản đồ quy hoạch tổng thể thành phố Huế.
Và cái chấm nhỏ bé giữa dòng sông Hương được giữ mãi.
Đến năm 2015, để "hiện thực hóa" giấc mơ biến cồn Hến thành khu du lịch đẳng cấp, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) khu du lịch dịch vụ cấp cao cồn Hến. Quy mô quy hoạch là toàn bộ 26,4ha diện tích cồn Hến (trong đó diện tích đất liền 23,8ha, diện tích mặt nước bao quanh chu vi cồn Hến khoảng 2,6ha).
Với quy hoạch này, cồn Hến mang trên mình một bộ mặt thật khác với khu du lịch dịch vụ rộng hơn 7.884m 2 , khu nghỉ dưỡng cao cấp rộng hơn 74.367m 2 , khu bến thuyền du lịch rộng 10.700m 2 … Điều kỳ lạ quy hoạch không nhắc đến số phận của hơn 700 hộ dân sống bao đời ở cồn Hến sẽ về đâu, trong khi quy hoạch 1/500 đã 7 năm vẫn nằm trên giấy.
Số phận long đong. Đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Lại một lần nữa, quy hoạch nhắc đến cồn Hến - khu vực cảnh quan phát triển mới bao gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo (khu du lịch, bến thuyền, quảng trường...).
Ở quy hoạch này, 3 cây cầu mới sẽ được xây dựng để nối cồn Hến với bên đất liền. Trong đó, 1 cầu đường bộ nối cồn Hến - Vỹ Dạ có chiều dài 190m, rộng 18,5m. 2 cầu đi bộ nối cồn Hến với công viên Trịnh Công Sơn và cồn Hến với phường Vỹ Dạ đều có bề rộng 10m.
Dân cồn Hến sống treo cùng quy hoạch đã sợ quy hoạch. Nhưng lần quy hoạch này cho người dân cồn Hến chút mộng mơ rất Huế khi tỉnh Thừa Thiên Huế đưa mục giải tỏa, tái định cư người dân cồn Hến vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu du lịch, dịch vụ cồn Hến vào mục các dự án ưu tiên đầu tư.
Nhưng rồi, sau 2 năm được phê duyệt và kêu gọi, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào mặn mà tìm đến Huế để thực hiện dự án ưu tiên này. Khoảng cách từ bản vẽ đến thực tế thật sự có cái giá quá đắt, 24 năm đã trôi qua và khi nào còn quy hoạch, người dân tiếp tục "giữ nguyên hiện trạng".
Họ tiếp tục nhìn qua bên kia dòng sông về phía thành phố tráng lệ ánh đèn.
Thả chiếc flycam lên nền trời, sông Hương xanh thẳm, dòng nước hòa cùng công viên đôi bờ. Nhưng khi đến cồn Hến, nhìn cảnh chen chúc những căn nhà lụp xụp chật kín mà xót. Và chẳng hiểu có một sự sắp xếp nào đó của tạo hóa mà cồn Hến nhìn từ trên cao có hình thù như một ánh mắt và dòng nước vây quanh như dòng lệ tuôn dài.
Rảo bước trên những tuyến đường rợp bóng cây xanh ở xứ cồn cạn này, không khó bắt gặp những căn nhà 2 tầng lầu xây kiên cố trồi lên giữa những căn nhà cấp 4 lụp xụp.
"Họ liều xây đó chứ ở đây có được xây nhà kiên cố kiểu nớ mô. Nhưng nếu không xây thì mùa lũ lấy mô chỗ mà trú tránh", bà Huỳnh Thị Thảo (67 tuổi, bán bún hến trước đình thờ Thần hến ở cồn Hến) nói.
Kéo chiếc ghế mời chúng tôi ngồi, bà Thảo như trút hết mọi nỗi lòng "kêu trời không thấu" bấy lâu của người dân "xứ cồn". Đất của mình, được cấp sổ đỏ mà không được toàn quyền sử dụng. Muốn xây dựng lại cái quán bún cho bề thế cũng chẳng xong vì "quy hoạch".
Rồi bà kể cồn Hến mùa lũ về, khi sông Hương ngầu đục và là lúc người dân lên phương án chạy lũ. Phần lớn nhà dân lụp xụp, các vật dụng điện tử phải chồng bàn chồng ghế đưa lên cao. Nhưng khi lũ "ghé" thăm, ai cũng lo chạy lũ, các vật dụng trong nhà bỏ mặc, nước lên cao quá đều chấp nhận hư hỏng.
Bà Thảo nói có một nghịch lý là dân không được phép xây nhà kiên cố dù nằm giữa tâm lũ sông Hương vì… quy hoạch không cho. Nhiều người nhắm mắt xây liều, phường xuống phạt và bắt làm cam kết chỉ cho sửa nhà tạm thời, nếu có đền bù giải tỏa thì sẽ áp giá đền bù nhà cũ chứ không được đền bù nhà mới.
Nhưng chính những ngôi nhà kiên cố xây liều ấy mỗi mùa lũ lại trở thành nơi tá túc của bà con qua đận lũ về.
24 năm, thời gian quá dài cho những đổi thay. Quy hoạch "giam lỏng" người dân nhưng không ngăn được dân số tăng lên. Ông Huỳnh Lê Hoàng Phước, tổ trưởng tổ dân phố 11, kể bà con xứ cồn đa phần người lao động nghèo, nhà cửa trước quy hoạch vốn ọp ẹp, qua thời gian tình trạng xuống cấp thấy rõ. Mỗi năm dân số cứ dần tăng lên khiến khu dân cư ở đây vốn đã chật chội nay càng chen chúc thêm. Từ đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường.
"Bao nhiêu cuộc họp hành, tiếp xúc cử tri chúng tôi đều kiến nghị với các cấp là phải trả lời cho được chuyện có di dời được dân cồn Hến đi nơi khác không, chứ cứ sống như ri thiệt tình dân quá khổ", ông Phước tâm tình.
Những câu chuyện dở khóc dở mếu ở cồn Hến vì quy hoạch nhiều vô kể. Như bà Nguyễn Thị Thu (48 tuổi) lấy mốc quy hoạch theo tuổi đời con gái. Ngày nghe thông tin quy hoạch, Út Vân - con gái bà - vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Đến giờ con bà đã 23 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng du lịch, ra trường đi làm rồi mà quy hoạch vẫn chưa thành hình.
Bà Thu thở hắt rồi kể tiếp, bà sinh Út Vân sau trận đại hồng thủy năm 1999. Lúc đó, nhiều ngôi nhà ở cồn Hến bị dòng nước kéo tuột ra sông. Quá sợ cơn cuồng nộ, nghe quy hoạch bà Thu mừng lắm. Thế là quanh năm suốt tháng cứ ngồi chờ "khu du lịch đẳng cấp" và người cồn Hến được chuyển đi. Và… chờ cho đến giờ.
Quy hoạch cũng khiến người dân ở tạm cư trên chính mảnh đất của mình. Ở cồn Hến chẳng mấy người có sổ đỏ, phần lớn vì quy hoạch nên không làm sổ được. Với người dân nơi đây, quy hoạch như vòng kim cô bóp lấy cuộc đời họ. Đến nỗi có đất nhưng muốn cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng ít tiền làm ăn cũng không được.
Ông Lê Văn Phú - phó chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ - kể có một hộ gia đình ở cồn Hến dù đất ở có sổ đỏ rộng cả trăm mét vuông nhưng vẫn không vay được 30 triệu đồng từ ngân hàng để làm ăn.
"Chỉ vì đất nằm trong khu quy hoạch nên khi thẩm định, đại diện ngân hàng không chấp nhận cho người dân vay tiền vì trái quy định. Lúc đó chúng tôi phải tìm cách huy động tiền từ những nguồn hỗ trợ xã hội của phường để gia đình vay", ông Phú kể.
Điều khiến vị phó chủ tịch phường lo lắng nhất ở cồn Hến là mật độ dân cư quá đông, nhà cửa xuống cấp và chen chúc nhau nên lỡ xảy ra hỏa hoạn xe chữa cháy chuyên nghiệp khó có thể đến chữa cháy kịp thời. Nhất là cây cầu Phú Lưu nối cồn Hến với phố thị quá nhỏ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, việc di dời toàn bộ dân cư ở cồn Hến hiện hữu là điều bất khả thi. Không nhà đầu tư nào dám bỏ tiền túi ra di dời hơn 1.000 hộ dân để đổi lấy hơn 23ha đất sạch chỉ để xây khu du lịch, nghỉ dưỡng như quy hoạch được.
"Đã từng có nhà đầu tư về cồn Hến xem xét, đánh giá thực hiện dự án ở đây nhưng rồi họ cũng rời đi vì chuyện di dời, giải tỏa dân cư", ông Hoa nói.
Theo ông Hoa, trước sau gì tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải có sự thay đổi về quy hoạch ở cồn Hến. Cốt lõi vấn đề là việc điều chỉnh quy hoạch đó có lợi cho người dân hay không.
Hiện có 3 phương án điều chỉnh quy hoạch cồn Hến được đặt ra: 1, di dời toàn bộ dân cư ở cồn Hến để nhường đất sạch cho nhà đầu tư. 2, không di dời, giữ nguyên hiện trạng và bảo tồn, chỉnh trang cảnh quan. Cuối cùng là di dời một phần dân cư và chỉnh trang cảnh quan, nhà cửa ở cồn Hến.
Tuy nhiên, phương án giữ nguyên hiện trạng và phương án di dời toàn bộ dân cư gần như là bất khả thi.
"Chỉ còn phương án di dời một phần dân cư và điều này theo tôi là khả thi nhất. Có thể di dời người dân đến một khu đất khác cũng nằm trên cồn Hến bởi dư địa ở đây còn khá nhiều", ông Hoa nói.
Theo ông Hoa, nếu chọn bất kỳ phương án nào cũng phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Có thể sau khi di dời người dân cộng thêm chỉnh trang, xây dựng các thiết chế du lịch, văn hóa trên cồn Hến, chính quyền Huế nên tập cho người dân ở đây làm du lịch, tạo sinh kế lâu dài.
Ông Phan Ngọc Thọ - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) - nói lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận thấy nhiều điểm bất cập trong quy hoạch ở cồn Hến.
Việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên cồn Hến, theo ông Thọ, trách nhiệm ở chỗ chính quyền sở tại không cương quyết.
"Theo số lượng kiểm đếm cách đây vài năm, để di dời toàn bộ dân cư ở cồn Hến phải tốn hơn 1.000 tỉ đồng. Số tiền này quá lớn, không thể lấy từ ngân sách nhà nước. Và cũng không có nhà đầu tư nào chịu bỏ số tiền lớn đến vậy để đổi lấy một khu đất có quy mô nhỏ, bị khống chế chiều cao như ở cồn Hến", ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đánh giá lại quy hoạch cồn Hến và sắp tới sẽ thay đổi quy hoạch theo hướng giải tỏa một phần dân cư hiện hữu kết hợp với chỉnh trang, giãn thưa mật độ nhà ở trên cồn.
"Có thể tỉnh sẽ chọn giải pháp biến cồn Hến trở thành một khu du lịch sinh thái đặc sắc và toàn bộ người dân xứ cồn này sẽ làm du lịch", ông Thọ nói.
Trải qua 24 năm quy hoạch, dân cồn Hến vẫn chen chúc sống giữa dòng sông Hương. 24 năm đã qua, họ vẫn nhìn qua bên kia thành phố tráng lệ và tiếp tục chờ...
Nội dung: NHẬT LINH - TRẦN MAI Hình ảnh: NHẬT LINH - N.ANH Thiết kế: HẢI PHI - BẢO SUZU
Nội dung: NHẬT LINH - TRẦN MAI Hình ảnh: NHẬT LINH - N.ANH Thiết kế: HẢI PHI - BẢO SUZU