Con đường thành công của CEO Nvidia: Từ nhân viên nhà hàng đến người đứng đầu "gã khổng lồ" chip
VietTimes – Sự phát triển nhanh chóng của AI có thể khiến một số công việc gặp rủi ro, nhưng cũng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khác, chẳng hạn như sản xuất chip AI.
Mới đây, vốn hóa thị trường của người khổng lồ chip Nvidia từng vượt mốc 1 nghìn tỉ USD, trở thành công ty nghìn tỉ USD thứ bảy trên thế giới. Đó là nhờ giá cổ phiếu của Nvidia tăng mạnh sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý I/2023, được hưởng lợi từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Tất cả điều này đều nhờ vào công lao người đồng sáng lập kiêm CEO của Nvidia, Jensen Huang . Theo Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của Jensen Huang đã tăng thêm gần 7 tỉ USD vào tuần trước, lên gần 35 tỉ USD.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Nvidia, Jensen Huang nắm giữ 86,9 triệu cổ phiếu Nvidia, chiếm khoảng 3,5% tổng vốn cổ phần của công ty. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị tài sản ròng của Jensen Huang đã tăng thêm 21,1 tỉ USD, đưa ông nhảy lên vị trí thứ 37 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Jensen Huang sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc) và lớn lên ở Mỹ, ông có thể được coi là một trường hợp điển hình về khởi nghiệp thành công của người nhập cư. Từ một nhân viên nhà hàng nhỏ, ông đã trở thành người đứng đầu gã khổng lồ chip với giá trị thị trường lên tới hàng nghìn tỉ USD.
Tuổi thơ vất vả
Không còn nghi ngờ gì khi nói Jensen Huang đã đạt được thành công rực rỡ trong sự nghiệp và có rất nhiều tiền. Nhưng trên thực tế, cuộc sống của ông khi còn nhỏ không suôn sẻ, ông thậm chí từng phải quét dọn nhà vệ sinh.
Jensen Huang sinh ra ở Đài Bắc năm 1963, khi nhỏ đã sống ở Đài Loan và Thái Lan một thời gian. Năm 1973, cha mẹ ông gửi trước các con tới nhà người thân ở Mỹ, sau đó họ mới di cư sang.
Dì và chú của Huang khi đó cũng mới di cư đến bang Washington, họ đã gửi nhầm anh em ông đến Oneida Baptist Institute (Viện Baptist Oneida) ở Kentucky. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2002, Huang tiết lộ với tạp chí Wired rằng trường này giống một trường giáo dưỡng hơn là một trường dự bị đại học. Học sinh trong trường cũng phải làm việc, nhiệm vụ của Jensen Huang là quét dọn nhà vệ sinh.
Theo trang web của Oneida Baptist Institute, vào năm 2019, Jensen Huang và vợ ông đã quyên tặng nhà trường 2 triệu USD để xây dựng ký túc xá nữ và tòa giảng đường.
Cậu sinh viên yêu máy tính
Anh em Jensen Huang cuối cùng đã chuyển đến Oregon và đoàn tụ với gia đình. Theo hồ sơ của Đại học bang Oregon năm 2017, Jensen Huang đã giành được thứ hạng cao trong giải thi đấu bóng bàn dành cho thanh thiếu niên toàn quốc khi còn học trung học ở Beaverton. Ngoài ra, ông còn có bằng thạc sĩ kỹ thuật điện của Đại học Stanford.
Jensen Huang đã gặp Lori Mills khi là sinh viên năm thứ nhất của Đại học bang Oregon. Họ là một cặp trong phòng thí nghiệm về các nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật điện, 5 năm sau đó họ kết hôn và có hai con.
Jensen Huang cho biết: "Tôi từ khi còn nhỏ đã yêu thích máy tính, nhưng Đại học bang Oregon đã khiến tôi nhìn thấy điều kỳ diệu đằng sau máy tính!"
Gần đây, Jensen Huang đã tiết lộ trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Đài Loan rằng ông tốt nghiệp đại học năm 1984 và gọi năm đó là "năm thích hợp nhất để tốt nghiệp". Cùng năm đó, chiếc máy tính Mac đầu tiên ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới của máy tính cá nhân.
Sau khi tốt nghiệp Đại học bang Oregon, Jensen Huang lần lượt làm việc tại các công ty chip LSI Logic và AMD.
Từ nhân viên bồi bàn
Trước khi quyết định bắt đầu khởi nghiệp cùng với hai người bạn, Jensen Huang đã làm việc bán thời gian tại một nhà hàng có tên là Danny's Restaurant. Huang nói rằng trải nghiệm này đã ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo cuộc đời của ông: làm việc bán thời gian, làm bồi bàn trong nhà hàng đã giúp ông thoát khỏi chứng nhút nhát.
Cho đến nay, chỉ có 7 công ty Mỹ đã hoặc đã từng đạt mức vốn hóa thị trường nghìn tỉ USD. Trong số các công ty này, có nơi ra đời trong nhà để xe, một số trong ký túc xá đại học còn Nvidia ra đời ở nhà hàng Denny's.
Trước khi trở thành nơi khai sinh ra Nvidia, Nhà hàng Danny’s có ý nghĩa rất lớn đối với Jensen Huang. Ông từng nói rằng nếu không có kinh nghiệm làm bồi bàn trong nhà hàng này ông sẽ không trở thành người lãnh đạo như ngày nay.
Trải nghiệm này có ảnh hưởng rất lớn đến quỹ đạo cuộc đời của ông. Jensen Huang vốn là một chàng trai nhút nhát, nhưng việc nhận đơn đặt hàng bánh kếp đã dạy ông cách giao tiếp với người lạ và biết thỏa hiệp trong những tình huống căng thẳng ngoài tầm kiểm soát.
Jensen Huang nhớ lại: "Tôi là một học sinh giỏi, tôi luôn tập trung học và năng động. Nhưng tôi cũng rất hướng nội và rất nhút nhát. Trải nghiệm duy nhất khiến tôi thoát khỏi chính mình là làm bồi bàn tại nhà hàng Denny’s. Mới chỉ nghĩ đến việc trò chuyện với mọi người, tôi đã cảm thấy sợ hãi”.
Jensen Huang và hai người bạn là Chris Malachowsky và Curtis Priem đã quen biết nhau nhiều năm, có thể bổ sung điểm mạnh cho nhau, họ đã cùng nhau khởi nghiệp.
Cả Malachowsky và Priem đều là kỹ sư tại Công ty Sun Microsystems, trong khi Jensen Huang làm việc tại Công ty LSI Logic. Khi có kế hoạch nghỉ việc tại các nơi, họ chọn nói chuyện ở "khu vực giữa", nơi có Nhà hàng Denny's, cả ba "muốn biết liệu thành lập một công ty đồ họa có phải là một ý tưởng tốt hay không".
Jensen Huang nhớ lại: "Chúng tôi đã có một buổi động não, tưởng tượng xem nó sẽ trở thành công ty thế nào và chúng tôi có thể giúp đỡ thế giới ra sao. Điều đó thật thú vị!".
Malachowsky kể: "Chúng tôi không phải là khách hàng tốt. Chúng tôi dự định ngồi ở đó 4 tiếng đồng hồ, nhưng chỉ gọi 10 tách cà phê". Cuối cùng 3 người bị đuổi khỏi chiếc bàn mà họ chiếm cứ và chuyển vào một phòng phía sau nhà hàng.
Có hai nhóm người sử dụng khu vực này của nhà hàng Denny's làm không gian làm việc, là những người sáng lập Nvidia và cảnh sát ở San Jose, California. “Tất cả cảnh sát đều tới đây để viết báo cáo”, Malachowsky nói. "Chúng tôi đến ngồi đó với máy tính xách tay của mình và cố gắng làm rõ những gì chúng tôi đang làm".
Từng bị gia đình phản đối
Jensen Huang, Malachowsky và Priem đã gặp nhau vài lần vào năm 1992 và 1993 để thảo luận về những con chip chuyên dụng mang lại đồ họa 3D chân thực hơn cho game. Họ thành lập công ty tại Denny's, nhưng chuyển đi trước khi chính thức đổi tên thành Nvidia. Khi nhìn thấy những vết đạn trên cửa sổ phía trước nhà hàng, họ nhận ra rằng quán ăn bên đường cao tốc không phải là nơi lý tưởng đặt văn phòng.
Sau khi chuyển đến nhà của Priem, họ có nhiều sự riêng tư hơn. Nhưng ở đây không có máy lạnh, công ty không có tên, điều duy nhất họ đã xác nhận là muốn vào ngành chip. Hồi đó, card đồ họa được tạo thành từ hai chữ cái, và Priem thích âm "NV", họ bèn đặt tên công ty là Nvision .
Vấn đề là, đã có một số công ty có tên tương tự, trong đó có một công ty sản xuất giấy vệ sinh thân thiện môi trường. Cuối cùng Priem lôi cuốn từ điển tiếng Latinh và tìm thấy từ "Invidia" (ghen tị) và cái tên Nvidia ra đời.
Trong những ngày đầu, họ nỗ lực thuyết phục mọi người tin vào tầm nhìn của Nvidia, trong đó có mẹ của Jensen Huang. Huang vẫn nhớ khi thông báo ông và bạn đang thành lập một công ty sản xuất chip mà mọi người sử dụng để chơi game, lời khuyên của bà dành cho ông là: "Sao con không kiếm một công việc đàng hoàng mà làm?"
Họ muốn tạo ra một loại chip tốt hơn và xây dựng một nghề mới xung quanh nó. Trong đó, Malachowsky chịu trách nhiệm thiết kế phần cứng, Priem phát triển phần mềm và Jensen Huang chịu trách nhiệm về quyết sách kinh doanh. Huang khi đó ở Denny's để điều tra thị trường, nghiên cứu cạnh tranh, giá chip và tỷ suất lợi nhuận tiềm năng của công ty khởi nghiệp.
Priem nhớ lại: "Jensen Huang khi đó đã từ chối gia nhập công ty trừ khi nó có thể đạt doanh số 50 triệu USD một năm". Thực tế đã chứng minh ông đã lựa chọn đúng và doanh thu năm ngoái của Nvidia đạt tới 27 tỉ USD.
Đánh cược để thành công
Từ trò chơi điện tử đến ô tô tự lái, điện toán đám mây và giờ là AI, chip Nvidia luôn là tâm điểm của các xu hướng công nghệ chủ đạo.
Ngay từ khi thành lập, Nvidia đã đặt cược vào những thị trường thời điểm đó hầu như chưa có, từ chơi game trên PC đến điện toán AI. Jensen Huang gọi chúng là "thị trường 100 tỉ USD" và mọi doanh nghiệp trị giá 1 nghìn tỉ USD đều bắt đầu với thị trường 100 tỉ USD.
Nvidia không phải là một cái tên quen thuộc như Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Meta hay Tesla, nhưng chất bán dẫn của nó là động cơ ẩn hình, không thể thiếu, cung cấp động lực cho các lĩnh vực hấp dẫn nhất của nền kinh tế. Chip đồ họa GPU tiên tiến cần thiết cho AI gần như tất cả đều do Nvidia sản xuất.
Vai trò quan trọng của Nvidia trong sự bùng nổ AI là lý do chính khiến giá trị thị trường của nó năm 2023 tăng gần gấp ba lần. Giá trị thị trường của công ty đã tăng thêm 184 tỉ USD chỉ trong một ngày vào tuần trước. Giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia lớn hơn giá trị vốn hóa thị trường của nhiều đối thủ cộng lại, và các nhà đầu tư cũng như các nhà phân tích Phố Wall rất vui mừng trước sự tăng vọt của giá cổ phiếu Nvidia.
Sản phẩm thành công đầu tiên của Nvidia là một con chip chuyên dụng, được gọi là đơn nguyên xử lý đồ họa, cung cấp đồ họa chuyển động cường độ cao cho các trò chơi trên máy tính. Nhưng Jensen Huang không nghĩ Nvidia chỉ là một công ty chip, ông từng nói: "Đồ họa máy tính là một trong những phần phức tạp nhất của khoa học máy tính. Mọi người phải biết mọi thứ".
Đến năm 2007, Huang và nhóm của ông nhận ra rằng chip của Nvidia cũng có thể được sử dụng cho nhiều vấn đề máy tính hơn và đã phát hành một nền tảng phần mềm có tên CUDA cho phép các nhà phát triển phần mềm khác nhau lập trình cho chip của Nvidia. Điều này đã gây ra một cơn sốt mới, bao gồm cả tiền mã hoá.
Sau đó, Jensen Huang nhận ra rằng các phòng thí nghiệm của trường đại học đang sử dụng chip Nvidia trong lĩnh vực AI. Đây là một lĩnh vực thích hợp trong khoa học máy tính hứa hẹn cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ trợ lý ảo cho đến ô tô tự lái. Họ đã phát hành một loạt chip AI và gặt hái phần thưởng hậu hĩnh.
Nvidia cũng đang tạo sự khác biệt bằng cách gia công phần mềm sản xuất chip của mình cho các đối tác, một chiến lược rất khác so với chiến lược của Intel. Ngày nay, giá trị vốn hóa thị trường của Intel chỉ khoảng 130 tỉ USD, trong khi của Nvidia là gần 1 nghìn tỉ USD. Jensen Huang được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất. Andrew Ng (Wu Enda, Ngô Ân Đạt), chuyên gia AI, từng nhận xét về ông: "Jensen Huang đã thực hiện một cuộc cách mạng, cho phép điện thoại di động trả lời mọi vấn đề và các trang trại có thể phun thuốc trừ sâu trên cỏ dại thay vì cây trồng, các bác sĩ có thể dự đoán đặc tính của các loại thuốc mới và còn nhiều điều kỳ diệu nữa sẽ đến".
Trong 30 năm sau đó, "bữa trưa" mà Jensen Huang và các đồng nghiệp tưởng tượng dường như vài lần bị người khác cướp mất. Năm 1997, Nvidia đứng trước nguy cơ phá sản trước khi tung ra đơn nguyên xử lý đồ họa. Năm 2007, công ty đã giới thiệu một nền tảng điện toán tăng tốc mới, nhưng vì hệ thống này đi trước thời đại nên lợi nhuận bị ảnh hưởng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá trị thị trường của Nvidia thậm chí giảm xuống dưới mức 5 tỉ USD.
Nhưng về lâu dài, sự đánh cược của Nvidia đã được đền đáp. Tài sản cá nhân của Jensen Huang đã tăng 7 tỉ USD chỉ trong một ngày vào tuần trước khi ông kiên định với chiến lược của công ty mình trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Jensen Huang, năm nay 60 tuổi, lớn tuổi hơn Bill Gates người đồng sáng lập Microsoft và người sáng lập Amazon Jeff Bezos, khi họ tuyên bố nghỉ điều hành công ty ở tuổi 52 và 57.
Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Jensen Huang đang đi chậm lại. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2021: "Đối với tôi, không có gì thú vị hơn việc tạo ra một công ty tuyệt vời cùng với tất cả bạn bè của mình! Tôi không thể tưởng tượng mình muốn làm gì khác ngoài việc này".
Theo new.qq.com