Còn dư địa mở rộng tín dụng
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, NHNN có thể mở rộng thêm tín dụng ngoài chỉ tiêu của kịch bản cứng.
Mặc dù trong tương lai, nhiều kinh tế gia tin tưởng việc NHNN sẽ xem xét bỏ trần tín dụng, song vai trò định hướng vốn của NHNN thông qua công cụ này hiện vẫn hữu dụng.
Chẳng hạn như ngay lúc này, đối với việc NHNN vừa điều chỉnh nới room tín dụng, theo TS. Đinh Thế Hiển, điều quan trọng nhất cần làm là các NHTM phải xác định và làm đúng nhiệm vụ tiếp vốn mà NHNN đã định hướng. Đó là dành vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất - kinh doanh; xuất khẩu; nông nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Bản thân các doanh nghiệp SMEs thường cần lượng vốn lưu động vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, trong thời gian ngắn và quay vòng nhanh, sẽ không chiếm quá nhiều room mà vẫn tạo việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, cần có chiến lược huy động vốn riêng. Công ty bất động sản cần có thực lực tài chính bằng vốn chủ sở hữu (tăng vốn qua cổ phiếu), hợp tác bằng các dự án với các tổ chức, định chế, tiết giảm chi phí và tăng bán hàng để duy trì dòng tiền…
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng Việt Nam không cần quá lo lắng với vấn đề lạm phát, kể cả khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức 15-16%. Theo tính toán của ông, sau đợt nới room lần này, dư địa tăng trưởng tín dụng 14% cả năm chưa được nhà điều hành dùng hết. Ước tính vẫn để dành dư địa tín dụng 1-2% dự phòng cho nhu cầu phát sinh cuối năm. Nhiều khả năng sẽ còn một đợt tăng hạn mức khác nhưng quy mô không nhiều. Điều đó cũng làm dấy lên hy vọng vào đợt nới room cuối cùng của năm.