Con cháu quan chức Trung Quốc yêu nước Mỹ, tại sao ĐCSTQ vẫn quen chửi rủa Mỹ?

Chia sẻ Facebook
22/05/2023 00:52:13

Thực tế lịch sử cho thấy đã nhiều lần Mỹ cứu nguy cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), còn hiện tại vô số quan chức hàng đầu của nhà cầm quyền Trung Quốc này có vợ con sống ở Mỹ, vậy thì lý do gì mà ĐCSTQ hay chửi mắng nước Mỹ và “chủ nghĩa đế quốc Mỹ”?

(Nguồn: Shift Drive/ Shutterstock)


Nhìn xa, trước đây vào cuối những năm 1950 khi mới lên nắm quyền, ĐCSTQ đã phát động ở Trung Quốc cái gọi là “ Phong trào giáo dục tam kiến ” nhằm “ căm thù, khinh bỉ và coi thường chủ nghĩa đế quốc Mỹ” , hướng tới triệt để loại bỏ tư tưởng “thân Mỹ và tôn thờ Mỹ ” trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Ngày 14/7/1956, khi Mao Trạch Đông nói chuyện với những người ở Mỹ Latin, ông ta đã chỉ trích “chủ nghĩa đế quốc Mỹ là con hổ giấy” . Câu này sau đó đã được nhiều thế hệ ĐCSTQ thấm nhuần. Gần hơn một chút, ngày 6/3/2023, ông Tập Cận Bình với tư cách là người đứng đầu ĐCSTQ đã trực tiếp chỉ trích Mỹ tại hai kỳ họp Nhân đại và Chính hiệp rằng, “Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã thúc đẩy chế tài, ngăn chặn và đàn áp Trung Quốc trên mọi phương diện khiến chúng ta chịu thách thức khắc nghiệt chưa từng thấy”.


Câu hỏi là tại sao ĐCSTQ luôn mắng mỏ Mỹ? Hãy cùng nhau phân tích những lý do đằng sau.

Mỹ đã nhiều lần cứu giúp ĐCSTQ


Mỹ có chèn ép ĐCSTQ không? Lịch sử cho thấy Mỹ không những không chèn ép Trung Quốc mà đã nhiều lần giúp đỡ ĐCSTQ vào những thời điểm quan trọng. Năm 1969 khi Liên Xô chuẩn bị tấn công hạt nhân “chiến thuật” chống lại ĐCSTQ, ngay trước khi vụ việc xảy ra thì Mỹ đã tiết lộ cho ĐCSTQ, đồng thời Mỹ cảnh báo Liên Xô: Chỉ cần một tên lửa hạt nhân rời khỏi biên giới Liên Xô là Mỹ sẽ xác định rằng Thế chiến III nổ ra, theo đó tất cả các thành phố ở Liên Xô sẽ nằm trong tầm tấn công tên lửa hạt nhân của Mỹ. Động thái của Mỹ khi đó đã giúp ĐCSTQ tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô.


Năm 1972, ĐCSTQ đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong các vấn đề đối nội và đối ngoại vì “Cách mạng Văn hóa” và các hành động chống Liên Xô và chống Mỹ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Nixon đã đến thăm Trung Quốc để giúp ĐCSTQ thoát khỏi cảnh nguy nan.


Năm 1978, ĐCSTQ bị “Cách mạng Văn hóa” kéo đến bờ vực sụp đổ và phải thực hiện cái gọi là “ cải cách và mở cửa ” để tự cứu mình, trong thời khắc khốn khó đó Mỹ đã lại thêm một lần nữa cứu ĐCSTQ khi mở cửa cho ĐCSTQ.


Vào những năm 1990 khi các chế độ Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu lần lượt sụp đổ khiến ĐCSTQ cũng đối mặt với khủng hoảng sụp đổ, một lần nữa Mỹ lại mở cửa cứu nguy ĐCSTQ.


Năm 2000, Mỹ đã trao cho ĐCSTQ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, tức là quy chế thương mại tối huệ quốc; năm 2001 Mỹ đồng ý cho ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ đó đầu tư của Mỹ đổ vào Trung Quốc và các sản phẩm của Trung Quốc đã được bán rộng rãi tại Mỹ. ĐCSTQ đã thu được lợi ích to lớn từ thâm hụt thương mại với Mỹ, khiến chỉ trong 10 năm, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mỹ là nước thân thiện nhất với Trung Quốc


Nhìn vào lịch sử hiện đại không khó để nhận định: Trong hơn 100 năm qua, nước giúp đỡ Trung Quốc nhiều nhất chính là Mỹ. Đầu thế kỷ trước, Trung Quốc khi đó thời chính quyền nhà Thanh đã ký kết “ Hiệp ước Tân Hợi ” với 11 nước phương Tây, bao gồm khoản bồi thường Canh Tý tổng cộng 450 triệu lạng bạc và hơn 32 triệu lạng đã được trao cho Mỹ.


Năm 1908, Mỹ tuyên bố trả lại một nửa số tiền bồi thường cho Trung Quốc để trợ cấp cho sinh viên du học tại Mỹ. Để thực hiện công việc gửi sinh viên du học tại Mỹ, chính quyền nhà Thanh đã mở Trường Dự bị Thanh Hoa tại Bắc Kinh để cho sinh viên du học Mỹ, vào năm 1924 trường này được đổi tên thành Đại học Thanh Hoa. Từ năm 1917 – 1921, Mỹ sử dụng khoản bồi thường Canh Tý để thành lập Bệnh viện Hiệp Hòa và Đại học Y khoa Hiệp Hòa ở Bắc Kinh. Năm 1924, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết sử dụng phần còn lại của khoản bồi thưởng Canh Tý dành cho Trung Quốc để thành lập Quỹ Xúc tiến Giáo dục và Văn hóa Trung Quốc, sau đó quỹ này đã cung cấp một khoản tiền lớn cho Đại học Thanh Hoa dưới dạng học bổng.


Do có nguồn quỹ đáng tin cậy, ngay từ khi thành lập Đại học Thanh Hoa đã có những lợi thế và điều kiện đặc biệt để điều hành trường. Đồng thời, nhiều sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ theo nguồn quỹ từ khoản bồi thưởng Canh Tý đã trở thành những người ưu tú trong giới học thuật Trung Quốc, và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ nhân văn Trung Quốc. Nhờ thúc đẩy từ Mỹ, một số nước khác tham gia vào “ Hiệp ước Tân Hợi ” cũng lần lượt trả lại cho Trung Quốc khoản tiền bồi thường Canh Tý.


Khi Trung Quốc gặp khốn đốn nhất trong chiến tranh chống Nhật Bản, Mỹ đã cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn nhân lực, vật lực và nguồn tài chính, đồng thời gửi đến Trung Quốc lữ đoàn quân tình nguyện Mỹ (còn được gọi là ‘Đội Phi Hổ’ – Flying Tigers) tham chiến ở chiến trường Thái Bình Dương, Mỹ còn giúp Trung Quốc trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.


Ngoài ra, đến nay có tới 5 triệu người Trung Quốc đã trở thành công dân Mỹ. Họ có thể tham gia chính trị và tranh cử thị trưởng, thống đốc, bộ trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ…; nhiều người đã trở thành tài năng xuất chúng trong các lĩnh vực khác nhau, có ít nhất 7 người đã giành được giải thưởng Nobel. Những người ưu tú này cũng đóng góp cho Trung Quốc theo những cách khác nhau.

Tại sao ĐCSTQ coi Mỹ là kẻ thù số một?


Mỹ đã giúp đỡ Trung Quốc rất nhiều mà không so đo là vì Trung Quốc hay vì ĐCSTQ. Nhưng đối với ĐCSTQ, đáp lại chỉ thấy sự vong ân bội nghĩa: ĐCSTQ chỉ hạ thấp giọng điệu chống Mỹ và nói những điều như “tình hữu nghị Trung-Mỹ ” khi gặp khó khăn và muốn lợi dụng Mỹ. Còn trong trường hợp khác khi ĐCSTQ nói về “ các thế lực thù địch trong và ngoài nước ” thì thế lực thù địch ở nước ngoài số một là Mỹ. Bất cứ khi nào tại Trung Quốc có một sự cố lớn chống lại bộ máy chuyên chế của ĐCSTQ thì nhà cầm quyền này sẽ mắng chửi do sự can thiệp của “ các thế lực thù địch nước ngoài ”, trong đó chủ yếu là Mỹ. Bất cứ khi nào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi là ĐCSTQ lại nguyền rủa Mỹ và chỉ trích Mỹ là nước tồi tệ nhất thế giới.


Tại sao ĐCSTQ không thể ghi nhớ những điều tốt đẹp về Mỹ, thay vào đó luôn coi Mỹ là kẻ thù số một và chửi rủa Mỹ?

Có thể chỉ ra 3 lý do chính:


Lý do thứ nhất là ông tổ của ĐCSTQ là Marx – người căm ghét chủ nghĩa tư bản, Marx yêu cầu những người cộng sản dùng bạo lực lật đổ chế độ của tất cả các nước tư bản trên thế giới, sau đó thay thế chúng bằng chính thể cộng sản. Loại tư tưởng đó đã được nhồi nhét trong ĐCSTQ, vì vậy mà tận đáy lòng những người bị nhồi tư tưởng cộng sản đó căm ghét chủ nghĩa tư bản, hệ quả căm ghét Mỹ với vị thế lãnh đạo thế giới tư bản, đồng thời không ngừng nhấn mạnh dùng chủ nghĩa xã hội để đánh bại chủ nghĩa tư bản.


Lý do thứ hai là các giá trị chủ nghĩa Marx-Lenin mà ĐCSTQ noi theo về cơ bản trái ngược với các giá trị phổ quát mà Mỹ noi theo. Trong số các giá trị phổ quát, niềm tin vào Thượng đế được xếp hàng đầu, từ đó tạo ra tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền. Mỹ ủng hộ, tôn trọng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng “tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do thoát khỏi sợ hãi”, nhưng ĐCSTQ không tôn trọng các giá trị phổ quát đó. Thực chất của chủ nghĩa Marx-Lenin mà ĐCSTQ tin theo là gì? Đó là tôn thờ thuyết “đấu tranh sinh tồn ”, từ đó sinh ra chuyên quyền, độc tài, vô pháp vô thiên. Kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền đã không ngừng thúc đẩy đàn áp, lừa dối và nô dịch người dân Trung Quốc, khiến người dân Trung Quốc hoàn toàn bị tước bỏ “quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do thoát khỏi sợ hãi”.


Lý do thứ ba là Mỹ không có xung đột lợi ích cơ bản với người dân Trung Quốc, nhưng xung đột lợi ích với ĐCSTQ là vấn đề không thể hòa giải.


Do ĐCSTQ sở hữu “tam độc quyền ”: Độc quyền chân lý, độc quyền quyền lực, độc quyền kinh tế. Vấn nạn “ tam độc quyền ” đó đã tạo ra tầng lớp quyền quý do những gia đình quyền lực nhất trong ĐCSTQ cấu thành, chúng sử dụng quyền lực để độc chiếm tất cả các ngành có lợi nhuận cao nhất ở Trung Quốc.


Kể từ khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ nổ ra vào năm 2018, xung đột lợi ích giữa Mỹ và ĐCSTQ đã nổi rõ trên toàn thế giới. Mỹ đề xuất mục tiêu thực sự của thương mại Mỹ-Trung Quốc là “ 3 không 1 dừng ”: Không thuế quan, không rào cản, không trợ cấp [nhà nước]; và dừng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Đối với người dân Trung Quốc đó là điều tuyệt vời, giúp mọi người Trung Quốc có thể mua được các sản phẩm chất lượng cao và giá rẻ của Mỹ, được hưởng nền giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ tài chính của Mỹ, đồng thời có thể tự do dùng Google, Facebook và Twitter… tìm hiểu sự thật về các vấn đề quan hệ của Trung Quốc trên trường quốc tế. Nhưng đối với những kẻ giàu có và quyền lực của ĐCSTQ dựa vào “tam độc quyền ” để thu lợi, dựa vào tường lửa để che chắn sự thật và lừa dối người dân Trung Quốc, thì cách làm của Mỹ là vấn đề đang lo sợ đối với chúng.

Con cháu quan chức cấp cao ĐCSTQ yêu nước Mỹ


Nhưng mắng chửi là một chuyện, còn người nhà và con cháu của các quan chức cấp cao ĐCSTQ đều có tình cảm đặc biệt với Mỹ, họ đều thích đến Mỹ, thậm chí khi đến còn không muốn rời đi. Mỹ là một trong những nước được người thân gia đình và con cháu của các quan chức cấp cao ĐCSTQ lựa chọn để học tập, nhập cư và đầu tư.


– Cô cháu ngoại Khổng Đông Mai (Kong Dongmei) của ông Mao Trạch Đông (hạt nhân thế hệ lãnh đạo đầu tiên ĐCSTQ) từng học tại Đại học Pennsylvania ở Mỹ, có học vị thạc sĩ về nghiên cứu truyền thông và truyền thông quốc tế.


– Con trai của ông Đặng Tiểu Bình (hạt nhân thế hệ lãnh đạo thứ 2 của ĐCSTQ) là Đặng Chí Phương đã học tại Đại học Rochester ở Mỹ và nhận bằng Tiến sĩ vật lý lượng tử. Cháu trai duy nhất của Đặng Tiểu Bình là Đặng Trác Đệ được sinh ra ở Mỹ. Cô cháu ngoại Nữ Trác Nguyệt của ông Đặng Tiểu Bình học trung học và đại học ở Mỹ, tốt nghiệp trường Wellesley College ở Boston.


– Con trai cả của ông Giang Trạch Dân (lãnh đạo thế hệ thứ 3 của ĐCSTQ) là ông Giang Miên Hằng đã học tại Đại học Drexel ở Philadelphia Mỹ, nhận bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện. Còn cháu trai Giang Chí Thành của Giang Trạch Dân tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Harvard và thạc sĩ tại Đại học Columbia.


– Con gái của ông Hồ Cẩm Đào (lãnh đạo thế hệ thứ 4 của ĐCSTQ) là Hồ Hải Thanh đã di cư sang Mỹ từ lâu.


– Còn con gái của lãnh đạo đương nhiệm ĐCSTQ Tập Cận Bình là Tập Minh Trạch đã học tại Đại học Harvard.


– Hay như vợ và con gái của ông Dương Khiết Trì – cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ đã sống ở Mỹ hơn 10 năm.


Vào năm 2021, chuyên gia điều tra Brian O’Shea (Mỹ) đã xác nhận rằng vợ của ông Dương Khiết Trì là bà Lạc Gia Muội (Le Jiamei) đã sống ở thủ đô Washington của Mỹ từ năm 2001 – 2021, địa chỉ là: 2301 SST NW Washington DC, chủ sở hữu của căn nhà này là Chính phủ Trung Quốc, ước tính có giá 8.128.520 USD.


Con gái của ông Dương Khiết Trì là Dương Gia Lạc (Yang Jiale) từ tháng 9/2010 đến năm 2021 sống tại Căn hộ 1912, Tòa nhà 60, Đại lộ Riverside, Thành phố New York (60 Riverside Blvd, Apt1912, New York). Chủ sở hữu căn hộ đó được hiển thị là Yan Jingbo, ngày mua là ngày 1/9/2011 và giá mua là 1.777.862 USD.


Bà Dương Gia Lạc có một địa chỉ khác ở Mỹ là Căn hộ 25L Tòa nhà 350 Phố tậy 42 New York (350 W42nd St Apt25L, New York). Hồ sơ hiển thị cho thấy bà Dương Gia Lạc đã sở hữu địa chỉ này kể từ tháng 8/2015. Chủ sở hữu của tài sản được hiển thị là He Zhe, ngày mua là ngày 7/11/2014 và giá mua là 1.660.000 USD.


Có vô số ví dụ như vậy. Đối với những người làm công việc bẩn thỉu cho ĐCSTQ, “ chống Mỹ là công việc, đến Mỹ là cuộc sống ”. Thái độ thù hận Mỹ mà họ tuyên truyền thổi phồng lên là để lừa dối người dân thường Trung Quốc.


Trí Dũng, Vision Times

Blog: Người tính không bằng trời tính, làm ác ắt gặp ác báo

Ngày nay, Pháp Luân Công được truyền rộng ra hơn 110 quốc gia và khu vực. Ngược lại, phe Giang đang hướng tới sự hủy diệt cuối cùng.

Chia sẻ Facebook