Con chật vật tìm trọ: Phụ huynh sốt ruột bỏ tiền tỷ mua nhà cho con
Sau nhiều ngày chật vật tìm mãi không được phòng trọ ưng ý cho con, nhiều phụ huynh đã tính tới phương án mua chung cư, mua nhà mặt đất để con yên tâm học hành.
Thời điểm này hầu hết các trường đại học đã công bố danh sách sinh viên trúng tuyển. Nhiều bạn đã lên thành phố để bắt đầu chuẩn bị bước vào môi trường mới. Bên cạnh đó, sau thời gian học online kéo dài vì dịch bệnh các bạn sinh viên năm 2,3,4 cũng quay về trường. Điều này khiến phòng trọ ngày càng khan hiếm. Không ít gia đình đã phải chật vật tìm phòng cho con cả tháng trời vẫn chưa chốt được phòng nào ưng ý.
Phụ huynh sẵn sàng chi tiền tỷ mua nhà cho con
Hầu hết các bạn sinh viên đều muốn ở gần trường để tiện đi lại. Tuy nhiên các phòng ở gần trường lại có chi phí khá cao. Chưa kể những phòng rộng rãi có đầy đủ giường tủ, nội thất mức giá lên tới 4-5 triệu đồng/1 phòng. Những phòng giá rẻ lại chật chội, ẩm thấp hoặc là dãy trọ khá phức tạp.
Anh Nguyễn Thế Anh (Nghệ An) là phụ huynh của một bạn tân sinh viên Học viện Tài chính chia sẻ với Dân việt cho hay vì gia đình ở quê không tiện lên thành phố xem nhà nên đã nhờ người quen tìm hộ. Tuy nhiên, những phòng 2 triệu đồng/1 tháng thì khá chật chội, sinh hoạt bất tiện, việc đi bộ đến trường cũng khá xa. Sau nhiều ngày băn khoăn, anh Thế Anh cân nhắc đến việc thuê chung cư cho con.
Tuy nhiên những căn ở gần đều báo hết phòng khiến gia đình không biết xoay sở thế nào. Thay vì bỏ chi phí quá cao để thuê nhà, anh Thế Anh quyết định mua nhà mặt đất cho con.
"Theo tôi tính toán, để con có được chỗ ở thuận tiện đi lại, ăn ở, học hành, mỗi tháng, gia đình sẽ phải chi cho con 6-8 triệu đồng tiền thuê nhà, một số tiền quá lãng phí. Nếu mua chung cư khoảng 2 tỷ đồng/căn nhưng 4 năm sau sợ con sẽ về quê, nhà chung cư mất giá. Vì vậy, tôi quyết định chi 4 tỷ đồng mua nhà đất cho con ở, sau này bán nhà vẫn có giá" , người cha chia sẻ với Dân việt.
Đó cũng là quyết định của anh Hà Xuân Hùng (Thanh Hóa), phụ huynh của một sinh viên ở Học viện Ngân hàng. Chia sẻ với Dân việt vị phụ huynh này cho hay gia đình đang có nhu cầu tìm kiếm một căn chung cư cho con với tài chính dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện tại anh vẫn chưa tìm được căn hộ nào ưng ý.
Thông tin đăng tải trên Dân việt cho hay, chị Lê Minh Hòa, một vị phụ huynh khác ở Hòa Bình cũng đang có nhu cầu tìm căn hộ chung cư cho con học tại Trường Đại học Hà Nội nhưng chưa tìm được căn ưng ý.
Sẵn sàng vay tiền, mua trả góp để con yên tâm học hành
Không chỉ những gia đình có điều kiện mới tính đến chuyện mua nhà cho con. Nhiều phụ huynh còn quyết định vay trả góp một số tiền lớn để mua nhà cho con học đại học. Bởi họ cho rằng sau khi con học xong còn ở lại thành phố làm việc thì sẽ có sẵn chỗ ở. Đây cũng là động lực để các con phấn đấu phụ giúp bố mẹ trả tiền nhà.
Không chỉ năm nay, ngay từ các năm trước nhiều phụ huynh đã tính tới phương án này sau nhiều ngày quay cuồng vẫn chưa tìm được phòng trọ ưng ý. Thông tin đăng tải trên Nhịp sống môi trường cho hay năm 2018, anh Nguyễn Học (Nam Định) cũng đầu tư mua một căn chung cư tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho con đi học với mức giá 1,8 tỷ đồng. Theo người đàn ông này số tiền ấy đem gửi tiết kiệm sẽ không được lãi là bao. Nhưng nếu để thuê một căn hộ tương tự với đầy đủ nội thất sẽ lên tới 7-8 triệu đồng/1 tháng. Chình vì vậy anh quyết định đầu tư cho con đi học vừa có chỗ cho bố mẹ ở khi lên thăm con.
Tương tự, năm 2019, chị Nguyễn Thắm (Thái Nguyên), cũng chi 3 tỷ đồng để mua một căn nhà trong ngõ tại khu vực Mỹ Đình làm chỗ ở cho con tiện đi học.
“Tôi tính toán, một phòng trọ có đầy đủ tiện nghi thuê khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm phí dịch vụ và tiền tiện cũng khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng mất khoảng 5 - 5,5 triệu đồng, trong 4 năm nguyên chi phí này khoảng 240 - 260 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm tôi cũng không dư ra được bao nhiêu” , chị Thắm chia sẻ với Lao động.
Sinh viên chật vật tìm phòng trọ, phải ở nhà nghỉ theo ngày
Không phải gia đình nào có có đủ điều kiện để mua nhà cho con đi học đại học. Chính vì thế, không ít sinh viên phải chật vật trong việc tìm phòng trọ đầu năm. Có những bạn phải chấp nhận ở nhà nghỉ tính theo ngày, ở homestay với giá đắt đỏ.
Bạn Nguyễn Hồng - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ với Lao động cho hay ngày 30/9 nữ sinh kết thúc hợp đồng với nhà trọ cũ. Nhưng đến ngày cuối cùng cô bạn vẫn chưa tìm được phòng trọ.
"Cứ tan học là em lại đi tìm phòng. Em còn theo dõi các nhóm cho thuê phòng trên facebook, có phòng trống gần trường, gọi chậm vài phút đã hết phòng. Thậm chí có những nơi 10 phút trước báo qua xem phòng nhưng tới nơi gọi lại thì đã có người thuê” - Nguyễn Hồng bất lực chia sẻ với Lao động.
Thậm chí vì quá sốt ruột tìm phòng cô bạn còn bị môi giới lừa mất 300.000 đồng tiền cọc để hỗ trợ tìm phòng ưng ý. Khi không liên lạc được với môi giới nữ sinh mới phát hiện mình bị lừa. Bất đắc dĩ, Hồng đành ở nhà nghỉ với giá 300.000 đồng/1 ngày trong thời gian chờ tìm phòng mới.
Dù đã lên Hà Nội trước thời gian nhập học cả tuần để tìm phòng trọ nhưng bạn Nguyễn Minh Phương, sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thậm chí Phương còn chấp nhận ở xa trường chỉ cần tìm được phòng giá cả phải chăng nhưng vẫn vô vọng.
"Hết cách, em buộc phải chuyển vào một homestay cách trường 5km. Một căn phòng vỏn vẹn 15m2 nhưng có tận 4 người ở với giá 1,6 triệu đồng/tháng/người. Điều bất tiện là bếp nấu ăn và nhà vệ sinh chung với các phòng khác. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì không thể kén chọn bởi có phòng để ở là tốt lắm rồi” - Minh Phương tâm sự với Lao động.
Vậy mới thấy con đường đến giảng đường đại học của các tân sinh viên vô cùng gian nan. Dù có điều kiện cũng chưa chắc đã tìm được phòng trọ phù hợp. Chính vì thế nhiều phụ huynh mới quyết định mua nhà cho con học đi học. Bạn thấy quyết định này của các phụ huynh như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!
Cứ mỗi dịp đầu năm học, tình trạng khan hiếm phòng trọ, sinh viên khốn khổ tìm phòng lại diễn ra. Nhất là năm nay khi sinh viên đã được quay lại trường, không phải học online nữa. Thời điểm này các bạn sinh viên cần cảnh giác trước các chiêu trò môi giới tìm phòng để tránh bị lừa. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh có suy nghĩ mua nhà cho con cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, nhất là điều kiện kinh tế của gia đình.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !