Cơn bão Mặt trời lớn có thể 'ném' không gian gần Trái đất vào hỗn loạn
Sau một cơn bão Mặt trời lớn, các chuyên gia cho biết nguy cơ va chạm vệ tinh sẽ rất cao, đồng thời việc mất dấu hàng trăm vệ tinh cũng đã từng xảy ra.
Vào tháng 10-2003, hàng trăm vệ tinh , tàu vũ trụ và các phần tên lửa đã qua sử dụng đã mất dấu vết trong nhiều ngày sau khi một cơn bão Mặt trời lớn 'đổ bộ' vào Trái đất .
Gần 20 năm sau, hiện nay các chuyên gia đang lo lắng các cơn bão Mặt trời lớn tiếp theo có thể ném không gian gần Trái đất vào hỗn loạn trong nhiều tuần, theo Space .
Mạng lưới Giám sát không gian Mỹ (SSN) đang theo dõi khoảng 20.000 vật thể lớn hơn 10cm trong quỹ đạo Trái đất thấp - khu vực không gian ở độ cao dưới 1.000km. Một số vật thể này là vệ tinh hoạt động, nhưng hầu hết là tàu vũ trụ không còn hoạt động, các phần tên lửa đã qua sử dụng và các mảnh vỡ được tạo ra trong những vụ va chạm.
Các chuyên gia SSN sử dụng các phép đo radar để duy trì một danh mục, cho phép họ theo dõi vị trí của các vật thể này trong không gian và dự đoán quỹ đạo của chúng trong tương lai.
Khi hai vật thể, ví dụ như một mảnh vụn vũ trụ và một vệ tinh, ở vị trí gần nhau một cách nguy hiểm, người điều hành vệ tinh sẽ nhận được cảnh báo. Trong một số trường hợp, họ tiến hành các thao tác dịch chuyển để tránh va chạm.
Tuy nhiên có một nhược điểm: vị trí của những vật thể đó không phải lúc nào cũng chính xác. Sự không chắc chắn này lại càng tăng lên trong các cơn bão Mặt trời, đôi khi đến mức không thể dự đoán chính xác về vụ va chạm.
Nhà vật lý năng lượng mặt trời Tom Berger, giám đốc Trung tâm Công nghệ thời tiết không gian tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), cho biết: "Trong những cơn bão lớn nhất, sai số trong quỹ đạo trở nên lớn đến mức về cơ bản danh mục các vật thể trên quỹ đạo bị mất hiệu lực. Các vật thể có thể dịch chuyển cách xa hàng chục kilômet so với vị trí được radar định vị lần cuối".
Sự thay đổi vị trí của các vật thể này là kết quả của những thay đổi về nhiệt độ khí quyển Trái đất ở độ cao từ 100-600km.
Các khí mỏng ở những độ cao đó tương tác với các hạt do Mặt trời phát ra trong những vụ phóng khối lượng đăng quang (CME), các vụ phun trào plasma. Những tương tác này làm nóng bầu khí quyển và làm cho nó phồng lên. Các luồng khí dày đặc từ mức thấp di chuyển lên cao hơn - nơi các vệ tinh đột nhiên chịu lực cản mạnh hơn, làm thay đổi tốc độ của vệ tinh và kéo chúng về phía Trái đất.
Hầu hết các vệ tinh hiện đại đều được trang bị bộ thu GPS, cho phép người vận hành biết vị trí của vệ tinh. Tuy nhiên các cơn bão Mặt trời có thể gây mất tín hiệu GPS, ảnh hưởng đáng kể đến việc 'đọc' vị trí vệ tinh.
Trong khi đó các vật thể, mảnh vỡ không có GPS và chỉ có thể được định vị bằng radar. Do đó, có thể mất vài tuần để khôi phục hoàn toàn danh mục "địa chỉ" tồn tại của các vật thể trong không gian.
Trong những tuần đó, các nhà điều hành tàu vũ trụ không có khả năng ngủ ngon. Họ không chỉ lo lắng về nguy cơ tàu vũ trụ bị hư hỏng, mà còn nỗi lo tính bền vững của các hoạt động trên quỹ đạo bị đe dọa.